Cây hồng bì chữa được bệnh gì?
Tôi nghe nhiều người nói, cây hồng bì có thể sử dụng để chữa bệnh, nhưng cụ thể là những bệnh gì và cách dùng như thế nào thì chưa biết rõ.Tôi nghe nhiều người nói, cây hồng bì có thể sử dụng để chữa bệnh, nhưng cụ thể là những bệnh gì và cách dùng như thế nào thì chưa biết rõ.
+ Đáp: Hồng bì là loài cây được trồng ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta để lấy quả ăn. Cây còn có tên là “quất hồng bì”, “hoàng bì” , “kim đạn tử”, “do bì”, “do mai”, ... tên khoa học là Clausena lansium (Lour.) Skeels [Clausena wampi (Blanco) Oliv.]. Thuộc họ Cam quít (Rutaceae).
Về mặt thực vật, hồng bì là một loại cây gỗ, cao 3-5m, cành non hơi ráp, sần sùi do có nhiều hạch (tuyến). Lá kép mọc so le, gồm 5-13 lá chét, hình trái xoan, lá chét cuối hình trứng; nguyên hay hơi khía tai bèo, đầu nhọn, phía cuống lá hơi lệch; có nhiều điểm tuyến chứa dầu. Hoa trắng mọc thành chuỳ ở ngọn, chuỳ thưa hoa, dài 25-50cm. Quả màu vàng, hình cầu, đường kính 15mm, có lông, 1-2 ngăn, chứa một hạt to; thịt quả ngọt thơm. Mùa hoa: tháng 4; mùa quả: 6-10.
Hồng bì là loài cây “thực dược lưỡng dụng” – vừa làm thực phẩm vừa làm thuốc.
Tất cả các bộ phận của cây, đều có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Lá thường dùng tươi hoặc phơi khô, dùng làm thuốc với tên “hoàng bì diệp”; Quả có thể dùng tươi hoặc hái về, để nguyên hay bổ dọc, phơi nắng hay sấy khô, dùng làm thuốc với tên “hoàng bì quả”; hạt dùng làm thuốc với tên “hoàng bì quả hạch”; rễ gọi là “ hoàng bì căn”; vỏ rễ gọi là “hoàng bì căn bì”, ... Theo Đông y:
+ Lá (hoàng bì diệp) có vị đắng và cay, tính bình hơi ấm; Có tác dụng giải cảm, hạ sốt, long đờm và giảm ho. Dùng chữa cảm mạo, sốt, sốt rét, ho. Dân gian thường dùng để nấu nước gội đầu, cho sạch gầu và mượt tóc. Liều dùng hàng ngày 20-40g.
+ Quả (hoàng bì quả) có vị ngọt và chua, tính bình hơi ấm. Có tác dụng chống ho, long đờm, kích thích tiêu hóa, cầm nôn. Dùng chữa tiêu hóa kém, buồn nôn, ho, ho gà. Liều dùng hàng ngày 6-10g quả khô.
+ Hạt (hoàng bì quả hạch) và rễ (hoàng bì căn) có vị đắng, cay, the, tính ấm. Có tác dụng giảm đau, xúc tiến tiêu hóa, dùng chữa đau dạ dày, đau vùng thượng vị, đau bụng co thắt. Hạt còn chữa rắn cắn. Rễ còn dùng chữa cảm mạo, thấp khớp, dùng cho phụ nữ sau khi đẻ. Liều dùng hàng ngày: hạt 6-10g; rễ 10-20g.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Lá hồng bì có tác dụng bảo vệ tế bào gan; hạ đường huyết và lipid huyết; kìm hãm sự phát triển của một vài chủng ký sinh trùng sốt rét, tụ cầu vàng và một số vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Theo một thông báo về kết quả thử nghiệm lâm sàng: Sử dụng hồng bì để điều trị lỵ amíp và lỵ trực trùng (phối hợp với khổ luyện tử, hòe hoa) cho kết quả tốt hơn tân dược ganidan và tetracyclin.
Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng hồng bì để chữa trị một số chứng bệnh theo những phương pháp như sau:
- Phòng ngừa cảm cúm: (1) Dùng lá hồng bì khô 6-10g (hoặc 20-30g tươi), sắc uống, liên tục 3-6 ngày. Hoặc dùng “Hoàng bì long nhãn diệp thang”: Lá hồng bì, lá nhãn, mỗi thứ 30g, dã cúc hoa 15g, sắc nước uống, mỗi tuần 3 lần.
- Chữa ho do ngoại cảm (ho gió): Dùng vài quả hồng bì (khoảng 20-30g), bổ đôi, hấp với đường, chia ra ăn trong ngày.
- Chữa ho gà: Dùng quả hồng bì, vỏ rễ dâu, cam thảo, mỗi thứ 10-12g, sắc nước uống trong ngày.
- Chữa đau thắt dưới tim hoặc giun đũa chòi lên: Dùng quả hồng bì tươi, nhai và nuốt cả vỏ. Hoặc dùng 20g quả khô (hay 50g quả tươi) sắc nước uống vào lúc đói.
- Chữa đau dạ dày, đau bụng co thắt: Dùng hạt hồng bì, phơi hay sấy khô = sao thơm, tán mịn ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 6-10g; chiêu bằng nước hoặc rượu nhạt.
- Chữa sán khí (sa đì): Dùng vỏ rễ hồng bì 60g, tiểu hồi hương 15g, sắc lấy nước, thêm chút rượu trắng vào uống ấm, ngày 1-2 lần.
- Bí tiểu tiện: Dùng lá hồng bì 4-5 lá, rượu 30-40ml, thêm nước sắc uống.
- Chữa rắn cắn: Dùng hạt hồng bì nhai nát, nuốt nước, bã đắp lên nơi rắn cắn.