Bí quyết trị bệnh "hành xác" của cao nhân

Căn bệnh nan y vảy nến, chàm của lão cao nhân Nguyễn Văn Mười, một lương y sống ẩn dật trong ngôi đình thần ở tỉnh Bình Dương.

Chữa bệnh bằng... thui

Sau thời gian dài lần tìm, phải vất vả lắm chúng tôi mới có được địa chỉ của lương y Nguyễn Văn Mười. Có thể nói vị lương y suốt đời hành đạo cứu người cuối cùng còn sót lại của đạo Tịnh độ Cư sỹ Phật giáo Việt Nam ở làng Khánh Vân (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Người ta thường gọi cụ bằng cái tên trìu mến là "thầy Mười" hay "ông Mười am" bởi cuộc đời ông gần như gắn liền với những chiếc am (ngôi miếu nhỏ) và những phòng thuốc nhân đạo tự tay mình lập nên. Suốt đời xuôi Nam, ngược Bắc hành đạo chữa bệnh cứu người, cụ chưa từng có một ngôi nhà hay vạt đất cố định để làm của riêng cho mình. Điều đặc biệt hơn, cụ cũng không lập gia đình, không con cái nối dõi mà chỉ ở giá suốt quãng đời trong kiếp trầm luân ngót nghét "nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày" (100 tuổi). Với cụ, tài sản lớn nhất là những bài thuốc quý giá của những bậc tiền nhân truyền lại, cụ lấy việc sưu tầm thảo dược, tìm ra công thức chế thuốc làm niềm vui và cứu người làm phương châm sống.

Bí quyết trị bệnh "hành xác" của cao nhân - 1

Cụ Mười bên cây thảo dược tự trồng.

Cụ Mười năm nay đã tuổi 93, râu dài chấm ngực, tóc búi củ hành, vầng trán cao, da đỏ hồng... nom cụ đạo mạo tựa tiên ông giáng trần. Ở tuổi "cổ lai hi" cụ vẫn ngày ngày cầm cuốc xới đất, leo núi, lội rừng, gánh nước... lanh lẹ như người bình thường. Mảnh đất cụ đang mở phòng thuốc có nguồn gốc từ đời cụ kỵ. Cụ nguyên gốc là dòng dõi của đại thần triều Nguyễn Phan Thanh Giản (1796-1867) ở Bến Tre. Thời Pháp dòng họ bị tru di tam tộc nên phải đổi họ Phan thành Nguyễn rồi bỏ xứ tha hương lên Bình Dương. Cụ Mười sinh ra ở đất này và tiếp nối nghề y có từ thời ông cố. Cụ theo đạo Tịnh độ cư sỹ Việt Nam, xuất gia tha hương vừa tu vừa làm thuốc từ thuở niên thiếu, ngày trở về quê cha đất tổ hành trang cũng chỉ có những bài thuốc quý. Mảnh đất bao năm không người canh giữ mọc đầy lau sậy cụ lại xới sạch, khoanh vùng rồi trồng những cây thuốc quý hiếm mang về từ rừng núi để phục vụ công việc cứu người, không vương tư lợi.

Ở Đình thần Khánh Vân cụ được xem là vị lương y cao đạo, nắm trong tay vô số bài thuốc có nguồn gốc từ thảo dược dân gian. Cụ có thể chữa rất nhiều loại bệnh từ đơn giản đến hiểm nghèo dựa trên y thuật cổ truyền cha ông và kinh nghiệm đúc rút hơn nửa đời người bôn ba hành đạo. Một trong những bài thuốc mà cụ tâm đắc nhất đó là trị căn bệnh nan y thuộc dạng phong (vảy nến, chàm). Cụ Mười bảo, đây là bài thuốc do cụ tự tìm ra và có thể trị hoàn toàn tận gốc cho những ai không may mắc phải.

Hôm tôi đến, cũng là lúc có một bệnh nhân từ Tây Ninh tìm đến, người này bị bệnh vảy nến thuộc dạng đặc biệt. Đó là một người bệnh nam, tuổi 72, bị vảy nến "tắm" gần như 95% thân thể, vảy bong tróc khắp người từ đầu tới chân, có chỗ bệnh ăn mất da đến lòi thịt. Người bệnh này cho biết, mỗi đêm ngủ dậy chỉ cần dùng móng tay gãi nhẹ thì xác vảy rụng ra, có thể gom lại từng nhúm tay. Bệnh nhân cho biết, dù chỉ mới bị bệnh trong vòng 4 năm nhưng căn bệnh "vật" ông gần như xơ xác. Không thể tắm rửa, kì cọ bình thường, ra đường phải trùm kín áo quần, đi đâu mọi người cũng ghê rợn dòm ngó. Đặc biệt, khổ nhất là hễ trời khô lạnh da lại bong tróc, đó là chưa kể những đêm trường bị ngứa, phải thức trắng gải sồn sột.

Cụ Mười phân tích: "Đây là trường hợp bệnh nhân bị bệnh vảy nến tôi chưa từng gặp bao giờ, trên những vùng da bị bệnh xuất hiện những dề nổi đỏ, trên đó lại có những hạt nhỏ lấm tấm tựa da gà. Có thể đây là những biến chứng, nếu không nắm được nguyên lý thì rất khó chữa".

Không vì tư lợi

Hiện nay phòng thuốc của cụ Mười chỉ làm việc vào buổi sáng hàng ngày, cụ Mười tận tay bắt mạch và bốc thuốc, là một địa chỉ quen thuộc của những người nghèo. Nhiều người biết việc làm tận tâm của cụ tìm đến lấy thuốc, khi khỏi bệnh đều trở lại tạ ơn, có người ở lại làm công quả, như xới cỏ tưới nước cho cây thuốc, xắt thảo dược. Hàng chục năm bôn ba hành đạo, cụ Mười vẫn chỉ làm công việc thiện nguyện của mình bằng cái tâm, không mưu cầu tư lợi. Điều khó khăn nhất của cụ hiện nay là những nguyên liệu thảo dược ngày càng khan hiếm, người đến lấy thuốc ngày một đông nên nhiều khi không đảm bảo. "Tôi chỉ có một mong ước là trồng một vườn thuốc đa dạng thảo dược và xây dựng một phòng thuốc luôn dồi dào để cung cấp thuốc cho người bệnh, đó là niềm vui lớn nhất của tôi", cụ Mười nói.

Vị lương y vừa phân tích bệnh và trấn an người bệnh xong thì bảo đệ tử lấy ra bài thuốc cổ truyền. Đó là nhành cây ngải cứu phơi khô, dòn, cụ dùng tay tuốt lấy lá bóp vụn ra, lấy vỏ quýt khô đốt thành tro trộn lẫn với nắm lá ngải. Hỗn hợp lá ngải và tro vỏ quýt được trộn nhuyễn với nhau, sau đó vón lại thành những hạt nhỏ tựa như hạt tiêu sọ. Cụ tiếp tục lấy củ gừng, thái một lát mỏng đắp lên vùng da của người bệnh, sau đó đặt những viên lá ngải vón hạt tiêu lên trên, cuối cùng là châm một que hương và mồi lửa vào viên lá ngải. Viên lá ngải bắt lửa bốc khói, bệnh nhân bảo cảm nhận được nhiệt độ qua lát gừng, thấm xuống vùng da bị vảy nến. Cứ như thế, hết vùng da này cụ Mười lại dùng phương pháp thui tương tự đối với những vùng da khác, kiên trì mỗi ngày một ít.

Phương pháp chữa tối giản

Cụ Mười phân tích, bệnh vảy nến thuộc dạng phong, có tính hàn (lạnh), lá ngải cứu, vỏ quýt và gừng có tính ấm (nóng), hàn bao giờ cũng khắc ấm. Dựa trên nguyên lý tương khắc, cụ Mười tìm ra phương pháp chữa trị được xem là không giống ai như trên nhưng rất đơn giản và hiệu quả. Cụ Mười bảo, khi đốt viên ngải, sức nóng lan tỏa cộng hưởng với sức nóng của lát gừng tác động thẳng vào vùng da, giết chết những vi rút gây bệnh. Nhiều người bị bệnh vảy nến, chàm tìm đến nhờ cụ chữa trị, thấy cụ dùng phương pháp quá giản đơn này thì hoài nghi không tin. Vậy nhưng, chỉ sau một vài lần đốt hiệu quả trông thấy thì ai nấy đều gật đầu thán phục.

Cụ Mười bảo, sau khi đốt qua một đêm, vùng da bị bệnh sẽ bị phỏng nhẹ và ứa nước rất nhiều, nhưng không lâu sau nó sẽ xẹp và khô lại rồi bong ra. Điều đặc biệt là dùng phương pháp đốt này vùng da bị bệnh tuyệt nhiên không bị tổn thương, không để lại sẹo, nên không lo ảnh hưởng đến thẩm mỹ về sau. Thực tế hàng chục năm trị căn bệnh nan y này, những người bệnh đều cho cho biết, hơn cả sự mong đợi, nếu bệnh nhẹ thì chỉ một thời gian ngắn thì khỏi hẳn, bệnh nặng thời gian sẽ lâu hơn. Cụ Mười khuyên, nếu mới bị bệnh thì nên dùng phương pháp này ngay từ lúc đầu để triệt tiêu nhanh căn bệnh, tránh tình trạng để lâu gây khó chữa. Một đặc điểm bệnh mà lão lương y lưu ý để bệnh nhân biết là nếu trường hợp bệnh bao phủ toàn thân, khi dùng phương pháp trị liệu trên, bệnh sẽ khỏi dần theo chiều từ trên đầu xuống thân thể.

Khi dùng phương pháp trên phải tuân theo nguyên tắc, có đầy đủ những vị thảo dược, thiếu một trong 3 thứ như vỏ quýt, lá ngải cứu hoặc gừng thì sẽ bị vô hiệu, còn khi đốt nên dùng que hương là tốt nhất. Chữa bệnh này phải kiên trì "chiến đấu" tới cùng, không nên vì quá sốt ruột mà bỏ cuộc giữa chừng. Đây là bài thuốc cụ rút ra từ dân gian, rất giản tiện và bất cứ ai cũng có thể tự làm tại gia để tự chữa bệnh cho mình. "Ngoài bài thuốc giản tiện trên, tôi còn rất nhiều bài thuốc dân gian chữa các căn bệnh nan y, tôi sẵn sàng truyền lại cho những ai có tâm huyết học hỏi. Nhưng rất buồn đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có người nối nghiệp, bởi muốn làm nghề này phải lấy đức làm đầu, không vị tư lợi, lòng tham không có chỗ nếu ai đó muốn theo nghề này", cụ Mười chiêm nghiệm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hàn Phong (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN