Ăn vàng, uống vàng: Độc hay bổ?
Giờ đây mốt ăn vàng, uống vàng đang trở thành một trào lưu. Nhưng thứ kim loại quý hiếm này có thực sự giúp bồi bổ cơ thể, làm người ta khỏe hơn hay có tác dụng ngược lại.
Đua nhau ăn, uống vàng
Vàng được xem là biểu tượng của sự vương giả, quyền quý. Với những đặc tính hiếm có của mình vàng đã chinh phục sở thích của rất nhiều người. Không chỉ dùng để trang sức, giờ đây mốt ăn vàng, uống vàng còn trở thành một trào lưu. Nhiều người đua nhau ăn hay uống thứ kim loại quý hiếm này mà chẳng hiểu tác dụng thực sự của nó đến đâu đối với sức khoẻ.
Các thực phẩm chứa vàng được dịp tung ra thị trường với đủ chủng loại nhằm đáp ứng trào lưu này như bánh dát vàng, rượu vàng, gel tắm chứa bột vàng, sữa rửa mặt tinh chất vàng, mặt nạ vàng và đến cả thuốc hoàn tán cũng rắc thêm mọt lớp vàng mỏng ở bên ngoài.
Dân sành điệu không chỉ ăn vàng mà còn rủ nhau đi uống rượu vàng. Trên thị trường hiện nay có đến hơn chục thương hiệu rượu (chủ yếu hàng nhập khẩu) được quảng cáo có pha bột vàng hoặc vụn vàng. Để sở hữu được những loại bánh dát vàng hay một chai rượu chứa vàng, không ít người đã phải bỏ ra vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng mà không hề đắn đo gì. Vì đơn giản họ chỉ nghĩ rằng ăn vàng, uống vàng thì sẽ cung cấp một vi lượng Au tốt cho đường tiêu hoá.
Đặc biệt, với các quý ông việc sử dụng thức ăn, đồ uống có chứa vàng còn được xem như một cách để chứng tỏ đẳng cấp. Vàng còn được đưa vào đồ ăn, thức uống như một thứ gia vị với niềm tin rằng đã là kim loại quý hiếm thì sẽ có lợi cho sức khoẻ của con người.
Nhiều người nghĩ uống rượu vàng sẽ có lợi cho sức khỏe nhưng không hẳn vậy. (Ảnh minh họa)
Giá trị thực của vàng với sức khỏe
TS. Vũ Đắc Lợi, Phó viện trưởng Viện Hoá học cho biết, rất nhiều tài liệu khoa học trên thế giới đã khẳng định vàng kim loại không có tác dụng đối với cơ thể. Lý do vì vàng trơ về mặt hoá học, không tan trong axit, đơn axit như axit clohydric. Trong khi đó trong dạ dày của chúng ta có PH từ 2 - 2,5, hàm lượng axit clo trong dạ dày bằng 1 phần 1.200 lần so với axit clohyđric đậm đặc. Nhưng vàng lại không tan trong axit clohyđric đậm đặc, do vậy vàng không thể tan trong dạ dày. Điều này khẳng định nếu chúng ta ăn vàng, uống vàng kim loại cơ thể hoàn toàn không thể hấp thu được và sẽ đào thải ra theo đường tiêu hoá.
Cập nhật thông tin từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đến nay Việt Nam chưa có trường hợp nào ngộ độc vì vàng kim loại. Còn theo quy định của Codex (Uỷ ban đánh giá tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế), vàng là phụ gia thực phẩm mang màu, có ký hiệu là E175. Vàng là một nguyên tố trơ về mặt hoá học nên trong quá trình sử dụng vàng không thể hấp thu vào cơ thể, vàng chỉ thể hiện tính mang màu để tạo ra sản phẩm có màu.
Cũng theo quan điểm của TS. Vũ Đắc Lợi, vàng kim loại không có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều thú chơi như uống rượu vàng, ăn bánh vàng, nhưng khó ai có thể đảm bảo chất lượng của những loại vàng trong những sản phẩm này có phải là vàng tinh khiết hay không. Nếu chúng ta sử dụng những loại vàng không tinh khiết rất dễ xảy ra nguy cơ ngộ độc. Vì khi vàng không tinh khiết rất dễ dính các nguyên tố kim loại nặng như: nicken, thiếc, chì… Những nguyên tố này khi chúng ta sử dụng gây ra hiện tượng ngộ độc kim loại rất nguy hiểm.
Vì vậy TS. Vũ Đắc Lợi có lời khuyên đối với người tiêu dùng: Hãy nhớ vàng kim loại không có tác dụng đối với cơ thể. Nếu mua sản phẩm cần tránh những loại không phải là vàng tinh khiết mà chỉ là màu vàng. Đừng nghĩ vàng là một nguyên tố quý hiếm thì có khả khả năng chữa bệnh. Vàng không phải là vi chất hay siêu vi chất cần thiết đối với cơ thể con người.
Ông ví von cụ thể như 1 chiếc xe ô tô có giá trị hàng chục tỷ đồng nhưng không đi được dưới hồ, trong khi đó một chiếc thuyền chỉ có giá 500 nghìn đồng lại vẫn hoàn toàn có thể đi được dưới hồ. Vì vậy, chúng ta cần phân biệt rõ giá trị vật chất và giá trị sử dụng.
Một lần nữa chúng ta cần nhớ, mặc dù vàng là một thứ kim loại quý hiếm nhưng việc ăn vàng, uống vàng không hề mang lại lợi ích gì cho sức khỏe.