Ai cần hạn chế tối đa “chuyện ấy”?

Những phụ nữ có tiền sử sinh non, sẩy thai, rau bám thấp, rau tiền đạo, có bất thường về lỗ cổ tử cung… nên hạn chế tối đa quan hệ tình dục trong quá trình mang thai.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Thị Kim Dung – Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) cho biết: “Tại sao lại phải kiêng và ngừng hẳn chuyện "quan hệ" khi vợ có bầu? Cái chuyện kiêng kị ấy là một chuyện hết sức dở hơi và hài hước.”

Theo bác sĩ Dung, chỉ vì không am hiểu gì về sức khỏe sinh sản và không có kiến thức về chăm sóc sức khỏe thai phụ, người ta mới nghĩ cần phải kiêng và dừng hẳn “chuyện ấy” khi vợ mang thai.

Người phụ nữ mang bầu vẫn có nhu cầu làm “chuyện ấy” bình thường, thậm chí do nội tiết tố nữ trong thời kì này tiết nhiều hơn, họ còn có nhu cầu cao hơn mức bình thường và cần được đáp ứng.

Ai cần hạn chế tối đa “chuyện ấy”? - 1

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung

Cũng theo bác sĩ Dung, với những thời điểm nhạy cảm như 3 tháng đầu tiên và 2 tháng cuối của thai kì, thai phụ vẫn có thể quan hệ tình dục và đạt cảm xúc như mong muốn khi điều kiện sức khỏe của họ cho phép.

“Hạn chế, kiêng hoặc ngưng hẳn “chuyện ấy” tùy thuộc vào thể trạng của từng thai phụ. Không có một mẫu số chung nào để khẳng định cho tất cả các thai phụ là cần hạn chế, cần kiêng, cần ngưng hẳn chuyện quan hệ vợ chồng ở thời điểm nào của thai kì…” bác sĩ Dung khẳng định.

“Chuyện ấy” tốt cho mẹ bầu và thai nhi nhưng với những trường hợp thai phụ đặc biệt, chuyện quan hệ vợ chồng cũng cần phải được lưu ý và làm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Ths. Bs. Nguyễn Hoài Bắc, Trung tâm nam học, Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Đối với những phụ nữ có tiền sử sinh non, sẩy thai, rau bám thấp, rau tiền đạo, có bất thường về lỗ cổ tử cung… thì nên hạn chế tối đa quan hệ tình dục trong quá trình mang thai.”

Với những trường hợp này khi quan hệ tình dục lúc đã mang thai thì nên xuất tinh ra ngoài, hoặc sử dụng bao cao su, không nên quan hệ tình dục qua đường hậu môn khi mang thai để tránh nhiễm khuẩn.

“Những thai phụ có dạ con thấp, tử cung yếu, chảy máu âm đạo, đau bụng, rò rỉ ối do cổ tử cung không đóng chặt,…trong quá trình mang thai phải đến gặp bác sĩ để theo dõi và nghe theo những khuyến cáo của bác sĩ với “chuyện ấy”” bác sĩ Dung nói.

Với những trường hợp này, các bác sĩ thường khuyến cáo vợ chồng không nên sinh hoạt tình dục. Thậm chí, thai phụ không nên đi lại, làm việc nặng, hoạt động mạnh do họ có nguy cơ sẩy thai cao.

Thai phụ nào cần hạn chế tối đa “chuyện ấy”?

Theo các bác sĩ, ở những thời điểm khác nhau của thai kì, cơ thể, tâm lý và ham muốn của các bà bầu có sự biến đổi liên tục. Thời kì 3 tháng đầu, thai phụ ốm nghén, cơ thể mệt mỏi nên ham muốn tình dục giảm đi. Thời kì từ tháng tứ 4 đến tháng thứ 7 là thời kì hưng phấn nhất của sản phụ. Hai tháng cuối, cơ thể thai phụ trở về trạng thái cồng kềnh, mệt mỏi, tâm lí hoang mang, lo lắng trước kì sinh nở khiến nhu cầu tình dục cũng giảm.

Do đó, việc thực hiện “chuyện ấy” khi mang bầu ở từng thời điểm khác nhau là khác nhau. Các bà bầu cũng cần lưu ý đến tâm lý của người bạn đời. Nhiều người đàn ông thấy vợ hấp dẫn, quyến rũ, gợi cảm hơn khi mang bầu mà hưng phấn và muốn “chuyện ấy” hơn.

Một số lại cảm thấy bị ức chế vì vợ xấu xí đi, vì quá lo lắng cho đứa con tương lai của mình mà sợ không muốn "quan hệ".

Với những thời điểm nhạy cảm như vậy, các cặp vợ chồng cần quan tâm, chia sẻ với nhau nhiều hơn để không “lệc pha” nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Thu (Tri thức trẻ)
Sức khỏe sinh sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN