Tiểu thương hòa lẫn chất lỏng phẩm màu đỏ vào ruốc khiến người dân bất an

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chuyên đề Công an Đà Nẵng tiếp nhận phản ánh của người dân về việc, thời gian qua, một nhóm tiểu thương sau khi mua lại ruốc của ngư dân tại khu vực ở bãi biển Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã tẩm một loại nước lỏng phẩm màu đỏ lên ruốc trước khi mang ra chợ bán.

Tiểu thương tẩm "chất lỏng lạ" màu đỏ vào ruốc

Tiếp nhận phản ánh từ người dân, những ngày qua, Phóng viên Chuyên đề CATP Đà Nẵng có mặt tại khu vực bãi biển Thọ Quang (nằm ở đoạn có nhiều thuyền thúng, ghe nhỏ neo đậu, thuộc phường Thọ Quang) để xác minh thông tin. Khoảng 5 giờ 30 phút, mặc cho tiết trời lạnh, mưa nhỏ, khu vực này vẫn tấp nập người mua, kẻ bán. Mùa này, ngoài số lượng nhỏ cá, tôm, mực được ngư dân đánh bắt ven bờ, phần lớn tiểu thương chủ yếu mua ruốc để phân phối bán ra thị trường.

Ruốc biển được ngư dân bắt ở khu vực ven biển, đến tầm 5 giờ thì vận chuyển vào bờ để bán cho tiểu thương. Thông thường, ruốc được chia làm nhiều loại, trong đó, ruốc loại 3 được bán với giá 10 nghìn đồng/kg, thường được dùng để làm mắm, phơi khô. Ruốc loại 1, 2 được bán với giá từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng/1kg, thường được người dân mua về chế biến làm thực phẩm để ăn. 

Qua quan sát của PV, sau khi mua ruốc từ ngư dân, một nhóm tiểu thương không lập tức chở ruốc ra chợ bán mà còn nấn ná để lựa ra tạp chất và bắt đầu quá trình nhuộm màu cho ruốc. Bằng mắt thường, PV thấy tiểu thương lấy ra 1 chai nhựa, bên trong có 1 loại chất lỏng phẩm màu đỏ từ bên trong túi.

Loại nước lỏng màu đỏ được được tiểu thương đổ ra chiếc thau nhôm nhỏ, sau đó dùng tay vẫy đều lên ruốc, rồi trộn đều. Khi quá trình đã hoàn tất, những con ruốc từ màu hơi ngả hồng đã chuyển thành màu đỏ, đây cũng là thời điểm tiểu thương dần tản về các khu chợ khác nhau để bán cho người dân. Thứ còn lại là những chai nhựa lăn lóc khắp nơi, nhếch nhác, mất cảnh quan môi trường trên bãi biển.

Tiểu thương hòa lẫn chất lỏng phẩm màu đỏ vào ruốc khiến người dân bất an - 1

Bà Nguyễn Thị Y. (trú phường Thọ Quang) cho biết, hàng ngày đi tập thể dục cùng người thân trong gia đình, khi ngang qua khu vực này thường xuyên phát hiện thấy nhiều chai nhựa vứt lung tung ngoài bờ biển. Sau nhiều lần quan sát, bà Y. mới để ý thấy tiểu thương sau khi mua ruốc từ ngư dân đã lấy một loại chất lỏng màu đỏ từ bên trong những chai nhựa để hòa lẫn vào ruốc.

Những chai lọ sau đó được tiểu thương vứt lung tung ngoài bờ biển rất nhếch nhác. "Người dân chúng tôi rất lo lắng bởi không biết loại chất lỏng phẩm màu đỏ trên là gì? Mục đích hòa lẫn vào ruốc là thế nào? Có tác hại đến người dân sau khi sử dụng hay không? Chúng tôi mong muốn chính quyền cần nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ để tránh gây hoang mang cho người dân", bà Y. chia sẻ.

Tiểu thương hòa lẫn chất lỏng phẩm màu đỏ vào ruốc khiến người dân bất an - 2

Phát hiện chất Formaldehyde trong các mẫu xét nghiệm ruốc

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm (QL ATTP) TP Đà Nẵng xác nhận, việc một nhóm tiểu thương lén bỏ chất lỏng phẩm màu đỏ hòa lẫn vào ruốc tại khu vực bãi biển Thọ Quang là có thật. Qua nhận định của ông Hải, tiểu thương không được phép dùng phẩm màu hòa lẫn vào ruốc. Đây là việc làm thể hiện nhận thức không đầy đủ của một bộ phận tiểu thương. Ban QL ATTP TP sẽ phối hợp với UBND quận Sơn Trà tiến hành lấy mẫu thử của các loại ruốc tại các chợ tại quận Sơn Trà để phân tích, kiểm tra xác định các loại ruốc có chất gây hại hay không.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng Phòng Kinh tế quận Sơn Trà cho biết, ngày 7-2-2022, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc ruốc bị nhuộm đỏ, Phòng Kinh tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động bảo quản, mua bán ruốc sau khai thác của ngư dân, tiểu thương tại khu vực bãi biển đầu tuyến đường Hoàng Sa (phường thọ Quang).

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tiểu thương sử dụng dung dịch màu đỏ được chứa trong chai nhựa, trên vỏ chai có dán nhãn Sting hương dâu Tây Đô đổ vào ruốc. Qua khai thác thông tin, ngư dân cho biết, dùng nước này để tạo màu đỏ cho ruốc với mục đích để sản phẩm trông được tươi hơn.

Phòng Kinh tế đã lấy 2 mẫu ruốc tươi từ tiểu thương, sau đó gửi Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 2 để thử nghiệm các chỉ tiêu Rhodamine B và Formaldehyde. Ngày 14-2, Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 2 thông báo kết quả chỉ tiêu Rhodamine cả 2 mẫu đều không phát hiện. Tuy nhiên, chỉ tiêu Formaldehyde có 1 mẫu phát hiện với hàm lượng 100,42 mg/kg và 1 mẫu phát hiện với hàm lượng 27,19 mg/kg. 

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban QL ATTP TP Đà Nẵng nhận định, "chất Formaldehyde là chất cấm dùng trong bảo quản thực phẩm".

Tiểu thương hòa lẫn chất lỏng phẩm màu đỏ vào ruốc khiến người dân bất an - 3

Bà Nguyễn Thị Phương Mai thông tin, sau khi phát hiện thấy mẫu thử có Formaldehyde, ngày 15 và 16-2, Phòng Kinh tế quận phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục lấy 2 mẫu ruốc từ ngư dân khai thác tại bãi biển Thọ Quang và 5 mẫu ruốc tươi của các tiểu thương kinh doanh tại các chợ Mân Thái, chợ Mai, chợ Nại Hiên Đông, chợ An Hải Bắc gửi Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 2 thử nghiệm chỉ tiêu Formaldehyde. Sau đó, Trung tâm thông báo các mẫu thử đều không phát hiện có Formaldehyde. 

Trong báo cáo của Phòng Kinh tế quận Sơn Trà gửi Ban QL ATTP TP ngày 22-2 về việc báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh đối với ruốc tươi nghi ngờ không đảm bảo an toàn thực phẩm, PV nhận thấy, lực lượng chức năng chỉ kiểm tra các mẫu ruốc của ngư dân và tiểu thương tại các chợ, tuy nhiên, lại chưa kiểm tra lấy mẫu của loại nước lỏng phẩm màu đỏ được trộn vào ruốc.

Đồng thời trong văn bản cũng chưa khẳng định việc tiểu thương hòa lẫn loại nước lỏng phẩm màu đỏ vào ruốc có được phép hay không. Thiết nghĩ, Phòng Kinh tế quận Sơn cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan ra quân, lấy mẫu thử của ruốc biển của ngư dân, tiểu thương; lấy mẫu thử loại nước lỏng phẩm màu đỏ được trộn vào ruốc để có được kết quả đúng nhất, sau đó công bố rộng rải cho người dân được biết.

Nguồn: [Link nguồn]

“Ngỡ ngàng” vì chi phí tự điều trị COVID-19 tại nhà lên đến chục triệu đồng, người tiêu dùng “ngậm đắng” vẫn phải chi

Những vật tư y tế như kit test, nước súc miệng, mũi, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe... không thể thiếu với các F0 nhưng khi đã khỏi bệnh, trở về âm tính, các "cựu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Quốc- Thu Duyên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN