Thị trường thực phẩm sau Tết: Nguồn cung dồi dào, giá cả không tăng đột biến

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Ngày 26/1 (mùng 5 Tết Quý Mão), trên thị trường Hà Nội, hầu hết các chợ dân sinh và hệ thống siêu thị đã hoạt động bình thường, mặt hàng phong phú, đa dạng dù sức mua còn khá khiêm tốn.

Mặc dù giá có giảm hơn so với ngày mùng 4 Tết nhưng các hàng rau xanh vẫn giữ giá khá cao so với trước Tết. Tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), su hào có giá 9.000 đồng/củ; cải bắp 15.000 đồng/kg; súp lơ 20.000 đồng/cái. Ba chỉ, sườn thăn lợn 160.000 đồng/kg; nạc thăn, nạc mông 150.000 đồng/kg. Mức giá này đều cao hơn những ngày trước Tết 30.000 đồng/kg.

Chợ Gia Lâm là chợ lớn nhất của quận Long Biên, các quầy hàng thịt, cá cũng đã hoạt động trở lại. Đắt hàng nhất là các quầy bán cá, hải sản. Cá chép giòn được bán với giá 150.000 đồng/kg. Cá chép thường có giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, cá trắm dao động từ 70.000 đến 90.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg so với thời điểm sát Tết nhưng mức tăng vẫn chấp nhận được.

Các loại rau xanh phục vụ ăn lẩu cũng đắt hơn ngày thường. Rau cần có giá 15.000 đồng/mớ (giá ngày thường 10.000 đồng), khoai môn 50.000 đồng/kg, ngô ngọt 15.000 đồng/bắp… Giữ giá cao và tăng mạnh là mặt hàng thịt bò. Bắp bò hoa trước Tết có giá 350.000 – 400.000 đồng/kg, ngày mùng 5 Tết đã tăng lên 550.000 đồng/kg. Loại bắp lõi ngon nhất còn được bán với giá 900.000 đồng/kg.

“Vừa sau Tết nên các lò mổ hoạt động hạn chế, trâu bò được mổ ít nên giá cao từ đầu nguồn chứ không phải chúng tôi tăng giá kiếm lời nhiều như vậy đâu”, chị Ngoan, tiểu thương chợ Thành Công phân trần.

Thị trường thực phẩm sau Tết: Nguồn cung dồi dào, giá cả không tăng đột biến - 1

Giá thực phẩm sau Tết không tăng đột biến.

Trong khi đó, giá cả tại các chợ xa trung tâm hầu như không tăng. Rau xanh như cải thảo 12.000-13.000 đồng/kg; cà chua 40.000 đồng/kg; xà lách 25.000 đồng/kg; cam quýt 40.000 đồng/kg. Tương tự, thịt lợn giá chỉ từ 120.000-130.000 đồng/kg tùy loại, giá bán xấp xỉ ngày giáp Tết. Nhiều tiểu thương cho biết, họ mở hàng sớm từ mùng 2, tuy nhiên đến ngày mùng 5 Tết, nhu cầu của người dân mới tăng lên, hàng hoá bán được nhiều hơn.

“Những ngày trước Tết, tôi chỉ dám lấy chục loại rau hay được dùng ăn lẩu về bán vì ít khách. Từ mùng 4 Tết, khách đông trở lại tôi mới lấy thêm nhiều loại rau thơm gia vị và các loại củ nhiều hơn”, chị Nguyễn Thị Tâm, tiểu thương bán rau ở chợ Gia Lâm cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hương (phường Bồ Đề, quận Long Biên) cho biết, gia đình chị về quê nội ăn Tết, chiều mùng 4 mới lên Hà Nội. “Vì về quê mấy ngày liền nên nhà tôi không tích trữ thực phẩm. Sáng nay (mùng 5 Tết) tôi mới đi chợ mua đồ về nấu ăn cho các con. Cá nhân tôi thấy mức giá có tăng nhẹ nhưng cũng dễ chịu. Vài năm gần đây đã không còn chuyện “hét giá”, bán tăng gấp 2- 3 lần so với giá ngày thường nữa”.

Trên ruộng rau màu xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, bác Đặng Thị Liền đang lúi húi hái rau cải chuẩn bị cho phiên chợ buổi chiều. Bác chia sẻ, năm nay thời tiết khá thuận lợn, rau củ ít bị sâu bệnh, sương muối nên xanh tốt hơn. “Giá thu hái ở ruộng của chúng tôi không tăng hơn nhiều, mang ra đến chợ thì cũng thuận mua, vừa bán. Cao hơn khoảng 2.000 -3.000 đồng mỗi mớ so với trước Tết thôi, cũng chẳng ai phàn nàn gì đắt rẻ”, bác Liền kể.

Hệ thống các siêu thị cũng đã trở lại hoạt động bình thường với đầy đủ hàng hoá từ rau, thịt, cá… và mức giá bán không tăng, bình ổn so với trước Tết. Tuy nhiên, lượng người mua bán vẫn còn hạn chế, chưa sôi động. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, từ ngày 24/1 (mùng 3 Tết) như mọi năm, thị trường sẽ dần sôi động hơn do người dân bắt đầu các hoạt động đi chơi ngày Tết, nhu cầu đi lại tăng lên và các trung tâm, địa điểm vui chơi sẽ bắt đầu mở cửa trở lại. Do nguồn cung vẫn được đảm bảo, dồi dào nhưng sức mua trong dân giảm hơn so với những năm trước, người dân đang dần chuyển sang thói quen mua sắm chi tiêu hợp lý trong dịp Tết, không còn tâm lý cả năm có một dịp Tết mua sắm cho thoải mái. Vì thế, giá cả thị trường Tết có tăng, giảm nhưng không đột biến và vẫn theo quy luật.

Trước Tết Nguyên đán, Sở Công thương Hà Nội đã dự báo, thị trường hàng hóa Tết năm nay ước tính sẽ tăng khoảng 10-15% về nhu cầu so với năm ngoái. Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, ngay từ đầu tháng 8, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch sản xuất, chuẩn bị các vật tư đầu vào, làm việc với các đối tác để giảm chi phí, giữ bình ổn giá sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, Sở Công thương đã liên kết với các địa phương khác từ sớm để điều phối nông sản và thực phẩm tại các hệ thống siêu thị và chợ dân sinh, dự kiến thịt các loại lên tới 32.000 tấn, thực phẩm chế biến lên tới hơn 5.300 tấn. "Các doanh nghiệp đều có cam kết ổn định giá trước, trong và sau tết, không tăng giá đột biến. Sở Công Thương nhận được 1.000 đăng ký khuyến mại, các doanh nghiệp cũng có cạnh tranh quyết liệt về chất lượng, giá cả, phương thức bán hàng".

Sở Công Thương TP Hà Nội sẽ liên tục có các đoàn kiểm tra về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bình ổn giá cả tại các chợ dân sinh và các hệ thống phân phối cận Tết, đảm bảo không có mặt hàng nào bị đội giá cao so với thông thường. Chính vì có sự chuẩn bị này nên trong những ngày sát Tết và đầu năm mới, thị trường hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm trên địa bàn Hà Nội khá ổn định, dồi dào về nguồn cung.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngắm những chiếc lồng chim làm từ tre giá lên đến 30 triệu đồng

Những chiếc lồng chim này được làm từ tre, làm thủ công hoàn toàn nên giá bán cao, dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chi Linh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN