Háo hức chợ phiên ngày Tết: Người tới chợ mua - bán thứ gì?
Khác hẳn những xô bồ, ồn ã của phiên chợ ngày thường, những phiên chợ Tết ngày cuối năm mang đến một không khí nhộn nhịp và đa sắc màu.
Cuộc sống ngày càng phát triển, chợ Tết và việc đi chợ Tết cũng có nhiều thay đổi. Cuộc sống hiện đại đã mang lại nhiều tiện ích với những phiên chợ online. Với những người bận rộn, chỉ cần một cú click chuột hoặc nhấc máy điện thoại gọi một tiếng là tất cả những thứ cần mua sắm cho mấy ngày Tết được ship đến tận cửa nhà.
Tuy nhiên, với người dân tại các miền quê thì không thể thiếu được chợ Tết. Chợ không chỉ là nơi để mua bán, giao thương mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người. Mỗi dịp Tết đến, người đi chợ lại nhộn nhịp hơn. Không khí chợ Tết bắt đầu từ sau ngày cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) cho đến chiều 30 Tết.
Quả cau, lá trầu không thể thiếu tại các phiên chợ quê
Có lẽ, dù ở miền quê nào chợ Tết cũng luôn mang một không khí rộn ràng, đông vui, nhộn nhịp. Và với mỗi người lớn lên từ quê, thì Tết chính là một tấm vé 0 đồng để trở về tuổi thơ, về với những cái Tết quê nghèo nhưng luôn rộn rã những thanh âm của “tình làng nghĩa xóm”, của niềm vui sum họp, của những món đồ truyền thống đến thân quen.
Phóng viên ghi nhận không khí tấp nập trong phiên chợ Tết cuối năm tại chợ Chủ, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (buổi sáng 29 Tết) – đây là một trong những chợ còn giữ được khá nhiều nét đặc sắc của chợ quê truyền thống.
Giữ nếp họp từ rất sớm, nhưng khác ngày thường, chợ quê ngày giáp Tết tan muộn hơn, người đi chợ đông hơn, các mặt hàng cũng phong phú, đa dạng hơn.
Một bà bán hạt tiêu, gia vị niềm nở bán hàng
Chợ ở quê vốn rất rộng nhưng ngày họp chợ cuối năm, lượng người đi chợ sắm Tết tăng đột biến khiến các lối đi trở nên chật hẹp. Những dãy lều nhỏ ẩn dưới gốc đa già, san sát với đủ các món hàng được bày bán, như hàng thịt, hàng giò, hàng thực phẩm khô, hàng rau củ quả, hàng quà bánh...
Giữa cảnh chợ tấp nập, nhộn nhịp, đông vui vẫn cảm nhận được sự ấm áp, chân tình, đầy yêu thương, sẻ chia của những người dân quê chân chất, hiền lành.
Những món đồ dân dã thủ công, gần gũi với mỗi gia đình Việt
Nếu như ở thành phố, chợ (siêu thị) chủ yếu bán các mặt hàng làm sẵn, được dán tem mác, đóng hộp hoặc niêm phong cẩn thận, thì ở phiên chợ quê mọi người mang ra chợ bán những thứ “nhà trồng được” hoặc bất cứ thứ gì có thể bán, như: mớ rau, vài cân gạo, con gà, con vịt… hoặc những cây chổi, cái rổ, cái quạt…
Người quen biếu nhau quả gấc nhà trồng về thổi xôi ngày Tết.
Nếu gặp người quen ở chợ, người bán vui vẻ, sẵn sàng gửi biếu người quen những món đồ “của nhà trồng được”.
Ngoài các sản phẩm thông thường, phiên chợ ngày Tết còn có thêm những món hàng đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các gia đình trong dịp Tết cổ truyền, như: đèn dầu, thuốc lào, trà xanh, bình hoa, lá dong, trầu cau, hạt tiêu, ớt, tỏi…
Tại phiên chợ Tết, cũng không thể thiếu các hàng bánh, kẹo, quà vặt được làm thủ công.
Trẻ em được nghỉ Tết, theo người lớn tới chợ. Ngoài những tấm quà quê đầy hương vị, lũ trẻ còn háo hức với những bộ đồ diện Tết.
Có lẽ, từ lâu và sẽ còn nhiều năm nữa, người dân miền quê vẫn háo hức với những phiên chợ Tết, bởi nơi đó ngoài các món đồ, người bán và người mua còn trao – nhận những niềm vui.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo quan niệm dân gian của người Việt Nam, người đầu tiên đến nhà xông đất, chúc tết ngày đầu năm mới sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh, cũng như việc làm ăn...