Gom thứ phế phẩm vứt đầy đồng về bán, 9x có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ

“Thực ra không có gì là dễ dàng nhưng đây cũng là cách vừa giúp tôi kiếm thêm thu nhập, vừa giúp các trang trại chăn nuôi có nguồn thức ăn cho vật nuôi lại tránh lãng phí, ô nhiễm môi trường”.

Đó là chia sẻ của anh Bùi Văn Hậu (SN 1993), trú tại Gia Lộc (Hải Dương) về công việc thu gom rơm rạ khắp các tỉnh miền Bắc của mình trong 3 năm gần đây.

Anh Hậu cho biết, trước đây, người dân thường dùng rơm rạ để đun nấu và cho trâu bò ăn nhưng xã hội ngày càng phát triển, bếp củi thay bằng bếp ga, trâu bò chăn nuôi nhỏ lẻ không còn mà thay vào đó là nuôi tập trung theo mô hình trang trại.

Vì thế, sau mỗi vụ mùa, người dân khắp nơi thi nhau đốt bỏ rơm ngay tại cánh đồng gây khói, bụi, ô nhiễm môi trường.

Người dân tiến hành đốt rơm rạ ngay tại đồng gây lãng phí, khói bụi và ô nhiễm môi trường.

Người dân tiến hành đốt rơm rạ ngay tại đồng gây lãng phí, khói bụi và ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, gia đình anh nuôi gần trăm con bò, nhu cầu sử dụng cỏ, rơm làm thức ăn chăn nuôi rất lớn. Đặc biệt vào những tháng mùa khô, nguồn thức ăn tươi hàng ngày gia đình trồng cho bò không đủ, phải đi mua rơm cuộn từ miền Nam chuyển ra với giá rất cao.

Vì vậy, sau khi khảo sát nhu cầu sử dụng rơm của các trang trại chăn nuôi ở địa phương và các vùng lân cận, anh Hậu đã quyết định bỏ số vốn 425 triệu đồng để mua máy cuộn rơm.

Đến mùa gặt, anh đi khắp các cánh đồng mua lại rơm của các hộ nông dân sau khi thu hoạch mang về cung cấp cho các trang trại chăn nuôi bò sữa, trồng nấm hay làm phân bón sinh học cho các trang trại trồng cây ăn quả.

Sau khi thu hoạch lúa, rơm được tận dụng cuộn thành những cuộn gọn gàng để cung cấp cho các trang trại chăn nuôi. (Ảnh: Bùi Văn Hậu).

Sau khi thu hoạch lúa, rơm được tận dụng cuộn thành những cuộn gọn gàng để cung cấp cho các trang trại chăn nuôi. (Ảnh: Bùi Văn Hậu).

“Có máy rồi không phải cứ đi ra đồng là có rơm để cuộn mà mình phải xác định khu vực nào đang vào mùa thu hoạch, thuyết phục chủ ruộng bán rơm cho mình. Khi thấy việc bán rơm giúp họ có thêm thu nhập lại không gây tác động xấu đến môi trường thì họ mới bán”, anh Hậu nói.

Nếu chủ ruộng đồng ý, anh Hậu lại phải xem chân ruộng cao hay thấp, rơm đẹp hay xấu để quyết định giá cả. Sau đó lại cho máy cuộn rơm, gom thành đống mang về kho rồi chở cho các trang trại.

Trung bình mỗi vụ, máy cuộn rơm của anh Hậu có thể cuộn được từ 8-9 nghìn cuộn rơm. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận được khoảng 100 triệu đồng/máy. Trong khi đó lượng rơm cuộn anh làm ra không đủ cung cấp cho khách hàng.

Rơm sau khi cuộn được gom thành đống lớn rồi chở về kho, phân phối cho khách hàng khắp miền Bắc. (Ảnh: Bùi Văn Hậu).

Rơm sau khi cuộn được gom thành đống lớn rồi chở về kho, phân phối cho khách hàng khắp miền Bắc. (Ảnh: Bùi Văn Hậu).

Vì vậy, năm 2021 và 2022, anh tiếp tục mua thêm 4 chiếc máy cuộn rơm, xây dựng kho bãi có thể chứa được khoảng 60.000 cuộn rơm. Vì mỗi vụ chỉ kéo dài từ 1-2 tháng nên đến mùa gặt, anh lại thuê người đứng máy đi cuộn rơm khắp các tỉnh miền Bắc.

“Mỗi cuộn rơm nặng 16-18kg được tôi bán với giá 30 nghìn đồng. Rơm loại 1 thì phục vụ cho các trang trại làm thức ăn cho trâu bò, rơm xấu hơn thì cung cấp cho các trang trại trồng nấm làm phôi nấm, ủ gốc cây ăn quả. Trung bình mỗi ngày tôi bán ra khoảng 2.000 cuộn rơm”, anh Hậu nói.

Theo anh Hậu, việc thu gom rơm rạ bằng máy móc hiện đại đã hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng. Nguồn rơm rạ sau khi thu hoạch được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, mang lại thu nhập cho người trồng lúa nhưng việc làm rơm cuộn không đơn giản vì vốn đầu tư rất lớn, thời tiết miền Bắc lại thất thường.

Theo anh Hậu, lượng rơm cuộn anh làm vẫn chưa cung cấp đủ cho nhu cầu khách hàng. (Ảnh: Bùi Văn Hậu).

Theo anh Hậu, lượng rơm cuộn anh làm vẫn chưa cung cấp đủ cho nhu cầu khách hàng. (Ảnh: Bùi Văn Hậu).

“Nếu mưa xuống là cả máy cuốn và thợ phải ngồi chơi, chưa kể địa hình của từng vùng đi lại khó khăn khi đưa máy cuốn rơm vào hoạt động. Giá máy cuộn rơm cũng rơi vào gần nửa tỷ đồng nên chi phí đầu tư rất lớn, chưa kể muốn bán rơm phải có mối quan hệ với các trang trại lớn. Vì vậy, trước khi đầu tư làm phải nghiên cứu thật kỹ để tránh thua lỗ”, anh Hậu phân tích.

Theo Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, lượng rơm rạ sau khi thu hoạch ở nước ta rất lớn, ước khoảng gần 46 triệu tấn/năm. Còn lượng chất thải từ hoạt động sản xuất lúa chiếm tới 50% chất khô.

Nghĩa là cứ 1 tấn lúa, lượng phụ phẩm từ loại cây lương thực truyền thống này cũng rơi vào khoảng 1 tấn, tương đương 10 -12 tấn phụ phẩm/ha. Do vậy, hoạt động sản xuất lúa gạo hàng năm sẽ tạo ra một khối lượng rơm rạ khổng lồ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng – Chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI tại Việt Nam cho biết, khoảng 60% lượng rơm vẫn bị đốt bỏ ngoài đồng sau thu hoạch.

Trên trang web bán hàng của Amazon, giá niêm yết mỗi tấn rơm là 80-100 USD. Tính ra, mỗi năm Việt Nam đang lãng phí 2-3 tỷ USD.

“Việc xử lý nguồn rơm rạ trong quá trình sản xuất lúa gạo là một yêu cầu tất yếu nhằm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên, tăng thu nhập cho người nông dân. Quan trọng hơn là còn giúp Việt Nam giảm phát thải nhà kính trong quá trình sản xuất lúa gạo và nông nghiệp, nhằm hướng đến mục tiêu đưa phát thải ròng về bằng 0”, ông Hùng nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Máy giặt trưng bày giảm giá đến hơn 50%, chỉ còn từ 3 triệu đồng/chiếc, có nên mua?

Sau khi giảm giá, máy giặt cửa đứng chỉ còn từ 3 triệu đồng/chiếc và chỉ cần từ 5 triệu đồng là có thể sở hữu một chiếc máy giặt cửa ngang công nghệ tiết kiệm điện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Khởi nghiệp với số vốn nhỏ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN