Video: "Vợ chồng A Phủ" được Tô Hoài chắp cánh

Nhà văn Tô Hoài đã viết về Mị, về A Phủ với tất cả lòng yêu thương bằng một ngòi bút chất chứa lòng nhân đạo. Có những khác biệt giữa truyện và phim trong "Vợ chồng A Phủ" nhưng tài năng của nhà văn Tô Hoài thì không ai có thể phủ nhận.

Nhà văn Tô Hoài ra đi ở tuổi 94, để lại nhiều tác phẩm văn học đặc sắc cho mọi thời đại. Ông là cây đại thụ trong nền văn học nước nhà. Nếu như thời kỳ trước Cách mạng tháng 8, truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông viết cho thiếu nhi là Dế Mèn phiêu lưu ký thì sau Cách mạng, truyện Vợ chồng A Phủ đã đưa tên tuổi ông trở thành cây bút tài hoa.

Vợ chồng A Phủ được xem là bộ phim văn học xuất sắc của nhà văn Tô Hoài được viết năm 1953, sau chuyển thể thành phim cùng tên năm 1961. Bộ phim đã được giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ II năm 1973.

Video: "Vợ chồng A Phủ" được Tô Hoài chắp cánh - 1

Vợ chồng A Phủ là tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Tô Hoài viết về đề tài miền núi, được chuyển thể thành phim điện ảnh xuất sắc

Truyện ngắn của ông miêu tả cuộc sống khao khát tự do của Mị, một cô gái người dân tộc phải chịu cảnh làm dâu của nhà thống lý Phá Tra giàu có nhưng bạc nghĩa. Mị bị bắt làm vợ A Sử nhưng trong lòng không hề có tình yêu. Từ một cô gái xinh đẹp, yêu đời, cô dần trở nên sống lặng lẽ trong cái khổ. Thế hệ độc giả hôm nay vẫn còn nhớ như in câu dẫn của nhà văn Tô Hoài khi viết về Mị: “Ở lâu trong cái khổ, Mị đã quen với khổ rồi”.

Đọc truyện của Tô Hoài, người ta thấy thấm thía nỗi đau về tinh thần bị tù túng của cuộc đời người con gái sống trong sự tàn bạo và ràng buộc. Cái khổ bủa vây lấy Mị khiến cô từng định ăn lá ngón tự vẫn nhưng rồi nghĩ đến đạo làm con, không đành lòng chết. Cuộc sống lao động khổ cực hết ngày này qua ngày khác của con dâu một nhà thống lý khiến người ta thấy rõ sự đối lập của hoàn cảnh. Tưởng như người của nhà Pá Trá thì có bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, nhưng Mị giờ sống còn khổ hơn con trâu, con ngựa vì con vật thì có lúc còn được nghỉ, còn Mị phải vùi mình vào việc cả đêm lẫn ngày.

Video: "Vợ chồng A Phủ" được Tô Hoài chắp cánh - 2

Nghệ sĩ Đức Hoàn hóa thân vào nhân vật Mị trong bộ phim Vợ chồng A Phủ

Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được chia làm 2 chặng, phần 1 là cuộc đời đau khổ của Mị ở nhà thống lý, phần 2 là sự vùng dậy đi theo A Phủ và tiếng gọi tự do của cách mạng. Khi chuyển thể thành phim, đạo diễn trung thành với ý tưởng của nhà văn.

Cuộc đời của Mị được miêu tả theo đúng trình tự của truyện ngắn. Khác chăng là những câu miêu tả giàu sức gợi của nhà văn Tô Hoài khi chuyển thể thành ngôn ngữ điện ảnh khiến người xem mất đi cái thú của trí tưởng tượng và suy ngẫm. Những chi tiết mới được thêm vào ngay từ phần đầu hoặc lược bỏ một vài đoạn hồi tưởng so với truyện gốc.

Mở đầu phim Vợ chồng A Phủ là hoàn cảnh gia đình giàu có của thống lý Phá Tra và A Sử là tay sai của lính Tây. Quang cảnh của huyện nghèo Hồng Ngài đang ngập tràn niềm vui của những đôi trai gái tuổi thanh xuân thì bất ngờ A Sử thể hiện quyền lực của con trai nhà giàu nhất làng bằng một hành động coi thường mạng sống một cô gái trẻ.

Video: "Vợ chồng A Phủ" được Tô Hoài chắp cánh - 3

Nhân vật A Sử được nhấn mạnh ở tính cách ngang ngược tàn bạo

A Mị chứng kiến điều đó, cô không dám phản kháng. Cô trở về nhà, tìm đến rượu để quên đi nỗi buồn. Rồi Mị ngồi một mình sống lại những kỷ niệm đẹp thời thanh xuân. Khi ấy, vẻ tươi tắn rạng ngời luôn nở trên đôi môi người con gái dân tộc.

So với truyện ngắn, trong bản phim phần đầu không kể lại đoạn Mị bị bắt về làm dâu nhà Phá Trá và cô phải làm việc vất vả ra sao. Đọc truyện của Tô Hoài, người ta thấy từng câu từng chữ ông miêu tả về ký ức đẹp trong hồi tưởng của Mị hiện lên sống động và đối nghịch với thực tại:

“Cả nhà thống lý ăn xong bữa cơm tết cúng ma. Xung quanh chiêng đánh ầm ỹ, người ốp đồng vẫn nhảy lên xuống, rung bần bật. Vừa hết bữa cơm tiếp ngay cuộc rượu bên bếp lửa.

Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt đấy nhìn người nhảy đồng, người hát. Nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước, tai văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng".

Video: "Vợ chồng A Phủ" được Tô Hoài chắp cánh - 4

Mị của ngày trẻ trong phim

Hình ảnh cô gái trẻ uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo hoàn toàn khác biệt với hiện tại là một Mị ngồi trơ một mình trông ra cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Nhà văn Tô Hoài miêu tả Mị trong hai trạng thái quá khứ và hiện tại đối lập:

"Từ nay Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau. Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường…”

Đoạn văn đặc sắc này đủ cho người đọc thấy cái tài của nhà văn Tô Hoài. Ông lấy phép đối lập để làm nổi bật nỗi cô đơn và nỗi đau tinh thần của Mị. Những câu văn ngắn, súc tích nhưng khắc họa được trọn vẹn cuộc đời và khao khát cháy bỏng của người con gái. Đọc văn Tô Hoài, người ta cảm nhận thấy sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị, hay đó cũng là hình tượng chung của phụ nữ Việt Nam.

Xem trích đoạn phần đầu của phim Vợ chồng A Phủ để thấy sự khác biệt giữa truyện và phim

Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài chỉ dừng lại ở phần A Phủ và Mị cùng nhau chạy trốn để đi tới một vùng đất tự do. Khi lên phim, yếu tố cách mạng được khắc họa rõ nét hơn, khi nhân vật A Phủ tới được khu du kích, trở thành chiến sĩ và quay trở lại giải phóng Hồng Ngài, tìm lại Mị.

Sức sống của bộ phim được tạo nên không chỉ bởi tài năng diễn xuất của dàn diễn viên cách mạng như Đức Hoàn, Trần Phương, Tuyết Trinh, Văn Hòa... mà cốt lõi chính là từ một bản gốc giàu giá trị nhân văn được chắp bút bởi nhà văn Tô Hoài. Ông đã ra đi nhưng những tác phẩm văn học, đặc biệt là bộ phim văn học xuất sắc Vợ chồng A Phủ sẽ còn được thế hệ mai sau ghi nhớ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tiểu Nhi ([Tên nguồn])
Video phim Việt đặc sắc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN