Ngôi làng Ấn Độ cấm của hồi môn

Babawayil là ngôi làng điển hình ở vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý. Đây chính là một trong những nơi hiếm hoi ở Nam Á đã cấm của hồi môn và bỏ phong tục tổ chức đám cưới xa hoa.

Ngôi làng Babawayil ở thung lũng Sind

Ngôi làng Babawayil ở thung lũng Sind

Đám cưới ở khu vực này thường rất tốn kém và có thể tiêu tốn cả một gia tài. Tiền được chi cho những bữa ăn công phu phục vụ hàng trăm vị khách. Như một phần của hồi môn, gia đình cô dâu phải tặng quà - đồ gia dụng, trang sức, tiền mặt và có thể thậm chí là cả một chiếc ô tô cho chú rể. Thường thì đám cưới chỉ được phép diễn ra sau khi của hồi môn đã được ấn định xong xuôi.

Của hồi môn đã là bất hợp pháp ở Ấn Độ trong suốt sáu thập kỷ qua, tuy nhiên phong tục này đã ăn sâu vào đời sống văn hóa người dân. Ước tính mỗi ngày có khoảng 20 phụ nữ bị sát hại hoặc tự tử ở nước này vì những yêu cầu của hồi môn. Hàng năm có hơn 8.000 “cái chết của hồi môn”.

“Những câu chuyện về của hồi môn và những đám cưới xa hoa rất đáng lo ngại”, ông Bashir Ahmad, người đứng đầu nhà thờ của ngôi làng cho biết. “Tôi luôn tự hỏi làm sao chúng ta có thể gả con cái của mình được với những truyền thống này”.

Một cô dâu Kashmir khoác trên mình chiếc khăn choàng đỏ, đồng hành cùng gia đình và bạn bè đến nhà chú rể để bắt đầu buổi lễ

Một cô dâu Kashmir khoác trên mình chiếc khăn choàng đỏ, đồng hành cùng gia đình và bạn bè đến nhà chú rể để bắt đầu buổi lễ

Ông Ahmad là một trong 20 già làng, những người đã tụ họp vào mùa đông năm 2004 để bàn luận cách ngăn chặn những “hủ tục độc ác” này. Sau nhiều ngày cân nhắc, các già làng trình bày ý tưởng của họ cho dân làng.

Họ đề xuất là nhà dâu không cần chi trả gì cho đám cưới cả. Thay vào đó, nhà rể sẽ trả 900 rupee để làm “mehr” - một nghĩa vụ Hồi giáo mà chú rể phải trả cho cô dâu dưới hình thức tiền mặt hoặc tài sản khi họ cưới nhau- và 15.000 rupee (4,55 triệu VND) cho nhà dâu. Sau đó, chú rể sẽ đặt mua 50kg thịt và 40kg gạo cho tiệc cưới, và chỉ 40 vị khách từ bên nhà rể sẽ được phép tới dự. Trước đó, hàng trăm khách có thể tới dự lễ wazwan, một bữa tiệc ẩm thực Kashmir được phục vụ tại các đám cưới, và của hồi môn có thể lên tới hàng trăm nghìn rupee.

Dân làng đã nhanh chóng chấp nhận các quy tắc mới. Kể từ đó, không có đám cưới đắt đỏ nào được tổ chức ở Babawayil, và không có của hồi môn nào được trao đi.

Năm ngoái, họ đã cập nhật các quy tắc mới: gia đình chú rể hiện phải trả 50.000 rupee (15,1 triệu VND) cho gia đình cô dâu, trong đó có 20.000 để làm mehr. Không có tiệc cưới - chỉ có quả chà là và trà được phục vụ - và chỉ ba người được phép đi cùng chú rể. “Tôi tự hào rằng mọi người trong làng đều tuân theo những luật này”, ông Ahmad, người có hai con trai và hai con gái đều đã kết hôn, chia sẻ.

Dân làng Babawayil cho biết kể từ khi thiết lập các quy tắc mới, không có trường hợp bạo lực hoặc lạm dụng phụ nữ nào được báo cáo, và cũng không có vụ ly hôn nào. Ngoài ra, còn có yếu tố áp lực từ cộng đồng. Theo ông Ahmad, bất cứ ai không tuân theo luật sẽ bị hàng xóm, láng giềng tẩy chay.

“Những phong tục như của hồi môn và đám cưới xa hoa chỉ khiến cuộc sống người phụ nữ càng thêm khó khăn”, cô Iqra Altaf, 25 tuổi, một sinh viên sau đại học vừa kết hôn cho biết. “Nó dẫn đến nhiều tội ác và phân biệt đối xử với phụ nữ, đến nỗi thậm chí người ta không muốn có con gái vì những vấn đề đó. Vậy nên chúng ta phải chấm dứt vấn nạn này”. Cô Altaf cũng nói thêm cô đã yêu cầu chồng mình chi tiêu cho đám cưới họ ít hơn so với giới hạn của quy định, để làm gương cho những người khác.

Người dân trong làng cho biết họ rất vui khi thấy cộng đồng đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. “Chúng tôi rất vui khi biết rằng con gái của chúng tôi sẽ không phải đối mặt với bất cứ sự quấy rối nào. Và những ai đang chi một khoản tiền khổng lồ cho đám cưới lại đang lãng phí tiền tiết kiệm của họ, khoản tiền mà đáng lẽ có thể sử dụng vào những việc đáng giá hơn, như đảm bảo con họ sau này được giáo dục tốt”, ông Ghulam Nabi Shah, một quan chức chính phủ đã nghỉ hưu ở làng cho biết.

“Tôi đang cố gắng thuyết phục những người thân của mình ở những ngôi làng khác hãy làm đám cưới đơn giản thôi”, ông nói. “Tôi muốn thấy Kashmir thay đổi trước khi tôi rời bỏ thế giới này”.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngôi làng cổ nổi lên giữa hồ lần đầu tiên sau gần 3 thập kỷ

Một di tích khảo cổ có niên đại từ thế kỷ 12 hoặc 13 bất ngờ xuất hiện giữa hồ nước nhân tạo ở Italia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Diệp (theo theguardian.com, ngày 12/10/2021) ([Tên nguồn])
Chuyện lạ Thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN