Hòn đảo ở tận cùng thế giới

Cụ bà Mama Aka lớn tuổi nhất đảo Palmerston mất 4 ngày để đến đảo khác khám răng và phải chờ tới 6 tháng mới có tàu về nhà

Là một phần của quốc đảo Cook (nằm ở phía Nam Thái Bình Dương), Palmerston được mệnh danh hòn đảo ở tận cùng thế giới. Rạn san hô bao quanh Palmerston nhô cao nên máy bay không hạ cánh được trong khi khoảng cách quá xa hạ gục bất cứ chiếc trực thăng bình thường nào. Do đó, biển là lối vào duy nhất của Palmerston.

Không xài tiền

Trên đảo Palmerston có khá nhiều tiện nghi nhưng điện và internet chỉ le lói vài giờ một ngày, còn sóng điện thoại… may mắn lắm mới bắt được. Đảo không có cửa hàng nào. Nhà vệ sinh chỉ có 2 cái dùng chung và nước mưa được trữ làm nước uống.

Hòn đảo ở tận cùng thế giới - 1

1/3 cư dân trên đảo Palmerston là trẻ em. Ảnh: BBC

Đặc biệt, dân đảo không xài tiền với nhau mà chỉ dùng để mua các mặt hàng tiếp tế đến từ thế giới bên ngoài. “Chúng tôi làm việc cùng nhau, yêu thương và chia sẻ mọi thứ với nhau. Ví dụ, khi hết gạo hay bột, tôi có thể gõ cửa nhà hàng xóm, hễ có là họ đưa ngay” - ông Bob Marsters, người đứng đầu 1 trong 3 gia đình trên đảo, nói. Ông cũng là thị trưởng của đảo.

Quan trọng bậc nhất trong khẩu phần của dân Palmerston là cá. Đây cũng là nguồn xuất khẩu duy nhất. Theo thông lệ, tàu tiếp tế ghé đảo 2 lần/năm, chở theo gạo và nhiên liệu rồi rời đi với 1-2 tấn cá vẹt. Nhưng nguồn cá đang giảm dần - người anh trai tên Bill của ông Bob Marsters cho biết.

Đảo chỉ có 1 cảnh sát tên là Edward và có lẽ đây là viên cảnh sát rảnh rỗi nhất thế giới. Có lần khách thăm đảo hỏi Edward sẽ có chuyện gì xảy ra nếu ai đó trộm một quả dừa, ông cười to: “Tôi có chất đầy một xe đẩy dừa rồi đẩy vòng quanh đảo cũng không ai hỏi xin đâu”.

Dần bỏ đi

Nằm giữa biển khơi, Palmerston hứng trọn mọi cơn bão đi qua. Do đó, dân đảo phải cột nhà cửa vào cây cối xung quanh. Trung tâm đời sống cộng đồng trên đảo là nhà thờ nằm bên trục đường chính dài chưa tới 100 m.

Trên đảo Palmerston, ngày dài và giờ làm việc ngắn. Mỗi buổi chiều tan trường, học sinh rủ nhau đi bơi hay chơi bóng chuyền. Cánh đàn ông tụ tập quanh chiếc tivi duy nhất để xem điểm tin bóng bầu dục. Phụ nữ ngả lưng trên võng và cười đùa với nhau.

Nhiều người xem sự lánh đời của hòn đảo là điểm hấp dẫn. Ngược lại, đó là lý do ra đi của nhiều cư dân nơi đây. Khoảng giữa năm 1950 và 1970, dân số trên đảo được chừng 300 người nhưng nay còn đúng 62. 1/3 trong số này là trẻ em. Đang nuôi giấc mơ làm luật sư, nữ sinh 16 tuổi Shekinah Marsters bộc bạch: “Trước đây, em muốn đến New Zealand học đại học nhưng nay em biết có cả cơ hội ở Mỹ như Trường ĐH Harvard. Ở đây không thấy chán nhưng em không có động lực. Bơi lội, câu cá, chơi guitar, nói chuyện - tất cả chỉ có thế”.

Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác đau đớn hơn: ra đi để mở rộng cơ hội tìm bạn đời thay vì kết hôn cận huyết lòng vòng với anh chị em họ. Như Bill, ông có 6 người con với người vợ thứ nhất mà không biết đó là chị em họ do bà được đem cho từ nhỏ. “Đứa con áp út của chúng tôi phát bệnh lúc 6 tháng tuổi. Chúng tôi đưa nó đến New Zealand nhưng bác sĩ bó tay. Trên đảo không còn ai khác nên hôn nhân nội tộc cứ thế tiếp diễn” - Bill nói.

Ông tổ của đảo

Định cư đầu tiên trên hòn đảo là một người Anh tên William Marsters. Ông đến Palmerston vào năm 1863 cùng vợ và 2 người họ hàng của bà. Sau khi được Nữ hoàng Anh Victoria trao quyền sở hữu hòn đảo, Marsters lấy luôn 2 người phụ nữ kia và sinh ra 23 người con. Trước khi qua đời vào năm 1899, ông chia hòn đảo làm 3 phần cho 3 bà vợ và giờ đây hầu hết cư dân của Palmerston đều là hậu duệ của Marsters.

Do đảo Palmerston nằm quá hẻo lánh nên những việc đơn giản như đi khám răng cũng cực kỳ gian nan. Cụ bà Mama Aka, người cao niên nhất đảo (92 tuổi), mất tới 4 ngày để đến gặp nha sĩ ở Rarotonga - thủ phủ quần đảo Cooks. Khám thì nhanh song cụ phải chờ tới 6 tháng mới có tàu về nhà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mỹ Nhung (Người lao động)
Chuyện lạ Thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN