Life of Pi: Niềm tin giữa bão tố cuộc đời
Có trong tay một câu chuyện hoàn mỹ, ngỡ tưởng việc chuyển thể tác phẩm Life of Pi lên màn ảnh sẽ chẳng mấy khó khăn. Vậy mà sau 11 năm nung nấu, chuyển đổi vài ba đạo diễn nhà nghề, bộ phim Life of Pi mới được ra đời với công nghệ 3D tân tiến (phát hành tại Việt Nam từ ngày 14/12).
Và thật bất ngờ khi mà cuốn sách từng được mệnh danh là “không thể làm phim” đã trở nên sống động và đầy cuốn hút dưới bàn tay chèo chống của đạo diễn Lý An.
Nội dung chính của Life of Pi bắt đầu khi cha của Pi quyết định đưa cả gia đình cùng những con vật trong sở thú của ông vượt biển sang Canada. Thật không may, con tàu bị nhấn chìm bởi một cơn bão lớn. Pi là người sống sót duy nhất trên con thuyền cứu hộ cùng với một con hổ Bengal tên Richard Parker. Một mình giữa đại dương, Pi phải tìm cách để làm bạn và sống sót cùng người bạn hoang dã này.
Bộ phim 3D khiến nhiều khán giả tin tưởng vào nhiều thứ trong cuộc đời này
Khi hai người bắt đầu lênh đênh trên Thái Bình Dương, chú hổ hung dữ chính là kẻ thù của cậu trên biển. Nhưng khi cả hai học được cách cùng tồn tại, Richard Parker trở thành niềm hy vọng lớn nhất của Pi trong cuộc hành trình tìm đường về nhà.
Hai kẻ trôi dạt phải đối diện với những thử thách không thể tưởng tượng được, bao gồm cả sự hùng vĩ cùng cơn thịnh nộ của thiên nhiên giáng xuống. Những hiểm nguy và cái đẹp tiềm ẩn của đại dương đã hoà quyện với nhau để tạo ra một bức tranh sinh tồn của Pi đầy mạnh mẽ và rúng động lòng người.
Tương tự như nguyên mẫu văn học của nhà văn Yan Martel, câu chuyện chiếm thời lượng nhiều nhất trong phim Life of Pi là cuộc hành trình dài 227 ngày lênh đênh trên biển của cậu bé 16 tuổi tên Pi.
Thông qua khả năng xử lý tình huống tinh tế của Lý An, chúng ta thấy được mọi khoảnh khắc hỷ nộ ái ố, từ lạc quan tới bi quan, từ hài hước tới não nề của Pi cùng chú hổ Bengal trên chiếc thuyền cứu sinh nhỏ bé của họ. Qua đó, chúng ta thấy được sự nhanh nhạy vượt qua trở ngại và công cuộc chiến thắng tự nhiên của con người trong những thời khắc khốn khó nhất.
Sử dụng hệ thống camera Pace, đã từng được sử dụng cho Avatar, bộ phim ngập tràn những hình ảnh hết sức tinh xảo và đẹp lung linh, như cảnh đàn cá bay, chú cá voi lao lên mặt nước…
Bên cạnh đó, Life of Pi còn đem đến khán giả một trải nghiệm 3D đúng nghĩa, khiến khán giả thực sự hoà nhập vào câu chuyện trong phim, giúp ta thấu hiểu và dần dần cảm thông cho những khó khăn của nhân vật chính. Vào những giờ khắc trôi nổi đó, chỉ một phút bất cẩn là mất mạng, chỉ một chút yếu lòng là sẽ mất niềm tin và thành công lớn nhất của Pi chính là không mất đi hy vọng vào cuộc sống.
Pi dù trải qua nhiều sóng gió nhưng chưa bao giờ mất đi niềm tin vào cuộc sống
Dù được mệnh danh là cuốn sách “không thể làm phim” bởi hệ thống hình ảnh ẩn dụ dày đặc và câu chuyện đòi hỏi trí tưởng tưởng cao về niềm tin con người, Life of Pi vẫn bị đạo diễn Lý An chinh phục nhờ việc xử lý màu sắc trong từng khuôn hình kết hợp cùng các hình ảnh độc đáo.
Những hình ảnh sặc sỡ, mịn màng của đoạn giới thiệu sở thú nhà Pi hoàn toàn khác với cái sắc xám xanh của đại dương khi dậy sóng, lại hoàn toàn không cùng tông với cái sự nhờn nhợt, chết chóc trên hòn đảo hoang. Tất cả chúng tạo ra sắc màu cuộc sống, phản ánh rõ ràng tâm lý bất ổn của nhân vật Pi trên đại dương, và hành trình quay lại bản chất gốc của cậu ở 10 giây cuối phim.
Bộ phim Life of Pi còn là một thành công đáng ngưỡng mộ trong cách kể truyện độc đáo và có tính khơi gợi cao. Sau khi hoàn thành tuyến truyện về 227 ngày lênh đênh trên đại dương của Pi, khán giả lại được nghe một câu chuyện khác do Pi kể cho hai điều tra viên người Nhật.
Câu chuyện thứ hai này thực tế hơn, nhưng cũng khó chấp nhận hơn bởi sự độc ác của con người trong đó. Việc lồng ghép hai câu chuyện vào cuối phim tạo ra một bộ phim có tính tự định đoạt, làm khán giả tự chọn cho mình một câu chuyện để tin tưởng, không phải là chưa từng có. Thế nhưng, để đạt cái ngưỡng mê hoặc và truyền cảm hứng mạnh mẽ như Life of Pi thì thật sự hiếm có.
Bộ phim đòi hỏi trí tưởng tưởng cao về niềm tin con người
Life of Pi không đem đến cho bạn một câu chuyện đơn giản, không có một đoạn kết dễ hiểu, mà nó thúc giục bạn tự chọn cho mình một thứ để tin tưởng. Bạn tin vào câu chuyện Pi lênh đênh cùng chú hổ Bengal với những khoảnh khắc đẹp mê hồn, hay tin vào câu chuyện 4 người sống sót xung đột với nhau đến lúc chỉ còn lại mỗi Pi, bạn tin vào trí tưởng tượng con người hay sự chân thực trong câu chuyện đều không thành vấn đề. Bộ phim chấp nhận mọi niềm tin của bạn, nhưng hãy nhớ tới lời của người cha của Pi trong phim: “Tin vào nhiều thứ cùng một lúc, chứng tỏ con không tin điều gì cả.”