Olympic 2012: Mặt trái tấm huy chương
HCV Olympic là giấc mơ, niềm vinh dự của không chỉ một VĐV mà còn cả quốc gia. Những cuộc tranh giành HCV luôn tạo nên sự hấp dẫn cho các kỳ Thế vận hội. Nhưng điều đó chỉ đúng với những cuộc tranh giành lành mạnh, đề cao tinh thần thể thao.
Tại Thế vận hội năm 1936 tổ chức ở Berlin, VĐV đua xe đạp Toni Merkens (Đức) cố tình chơi xấu đối thủ Arie van Vliet trong chặng nước rút để về đích đầu tiên. Kết quả Merkens đoạt HCV còn Van Vlite chỉ có HCB. BTC sau đó phát hiện ra hành vi của Merkens nên quyết định phạt VĐV người Đức 100 điểm đồng thời tước luôn HCV.
Mới đây tại Olympic Bắc Kinh 2008, VĐV chạy cự ly trung bình Rashid Ramzi (Bahrain) cũng bị tước HCV vì bị phát hiện sử dụng doping.
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ gian lận điển hình trong lịch sử Olympic. Vì mục tiêu HCV, không ít VĐV đã bất chấp mọi thủ đoạn để có được thành tích phi thường. Từ việc dùng doping, chơi xấu đối thủ, giả dạng giới tính hoặc thậm chí là hủy hoại chính đồng đội của mình. Trước thềm Olympic 1994, VĐV trượt băng nghệ thuật Nancy Kerrigan bị chấn thương nặng ở đầu gối sau khi đồng đội của cô trong ĐT Mỹ là Tonya Harding nhờ chồng hành hung Kerrigan. Âm mưu thâm độc của Harding đã không thành công khi Kerrigan nỗ lực hồi phục để giành HCB tại Thế vận hội 1994.
Rõ ràng, vẫn tồn tại một cuộc đua “đen tối” đến những chiếc HCV. Và đó là một phần tất yếu trong lịch sử Thế vận hội nói riêng cũng như thể thao nói chung. Không chỉ các VĐV chơi xấu mà ngay cả các đoàn thể thao, đặc biệt là các quốc gia chủ nhà cũng thường sử dụng “chiêu bẩn” hòng nâng cao thành tích. Có thể bằng cách “nhét” thêm môn thể thao sở trường, hoặc tác động đến giới trọng tài.
HCV trong thể thao, suy cho cùng cũng giống như một thành quả trong cuộc sống. Và để đạt được nó thì không phải ai cũng chọn con đường chân chính. Đó là mặt trái của những tấm huy chương.