Làm ơn học người Nhật
Người dân Nhật Bản như bước vào ngày hội lớn khi thủ đô Tokyo của nước này giành quyền đăng cai Olympic năm 2020, để trở thành thành phố châu Á đầu tiên hai lần đăng cai Thế vận hội mùa hè.
Chiến thắng của Tokyo trước Istanbul và Madrid không có gì đáng ngạc nhiên bởi dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, kinh tế Nhật đã có những bước phục hồi đáng kể, mà đây luôn là yếu tố được đánh giá cao nhất khi các thành viên ban chấp hành IOC (uỷ ban Olympic quốc tế) bầu chọn thành phố đăng cai Olympic.
Trong khi đó, dù thể thao Tây Ban Nha đang thống trị cả thế giới, từ bóng đá, quần vợt, bóng rổ cho tới xe đạp, song thủ đô Madrid của nước này vẫn thất bại lần thứ ba liên tiếp. Ai cũng hiểu, kinh tế Tây Ban Nha thuộc hàng yếu nhất trong khu vực đồng euro hiện nay, việc đăng cai Olympic chỉ tổ rước thêm gánh nặng cho xứ sở môn đấu bò tót.
Philip Craven (phải) chủ tịch uỷ ban Paralympic quốc tế, chúc mừng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau khi Tokyo được công bố là nơi tổ chức Olympic 2020. Ảnh: Reuters
Thổ Nhĩ Kỳ có thể khá khẩm hơn Tây Ban Nha, nhờ thế mà Istanbul đã thắng Madrid ở loạt play-off sau vòng bỏ phiếu đầu tiên. Tuy vậy, thành phố nằm giữa châu Âu và châu Á này đã không thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia Hồi giáo đầu tiên tổ chức ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Cuộc chiến đang leo thang ở nước láng giềng Syria đã tước đi cơ hội chiến thắng của người Thổ. Với Nhật, có lẽ dư luận vẫn còn hồ nghi về di chứng từ vụ khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima. Nhưng trong cuộc bầu chọn của IOC ở Buenos Aires, đích thân Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có mặt để cam đoan về độ an toàn sau sự cố điện hạt nhân ở Fukushima, đồng thời nhấn mạnh rằng vài ngày trước đó Nhật đã thông qua gói giải pháp khẩn cấp trị giá tới 47 tỉ yen để xử lý ô nhiễm. Nghĩa là người Nhật đã có sự chuẩn bị quá chu đáo cho Olympic. Ngay cả khi gặp phải những khó khăn thì họ cũng biết cách vượt qua nó.
Và tới lúc ấy, Olympic sẽ trở thành cơ hội để họ quảng bá sức mạnh cũng như tinh thần Nhật Bản, là dịp thu hút khách du lịch, tạo thêm công ăn việc làm, chứ không phải là để chuốc lấy gánh nặng về kinh tế như nhiều quốc gia khác từng hứng chịu.
Việc Tokyo giành quyền đăng cai Olympic 2020, thế mới thấy người Nhật tiến xa tới mức nào từ việc lên kế hoạch, chuẩn bị và thực hiện. Học hỏi họ (đừng nói tới chuyện bắt kịp) là điều cần làm, nhưng phải là học cách tư duy, thậm chí cực đoan hơn nữa là tẩy não. Còn không thì cũng chẳng khác nào chuyện xách giày đi Nhật để ngồi ghế dự bị.