Giành HCV Olympic, VĐV "bỏ túi" bao nhiêu?

Thứ Năm, ngày 09/08/2012 00:04 AM (GMT+7)
Chia sẻ

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, ngoài phần thưởng chung của BTC thì các nước đều treo thưởng riêng cho các VĐV tham dự Thế vận hội Olympic London 2012.

Nguyên tắc treo thưởng là… không theo nguyên tắc nào cả. Số tiền thưởng cho VĐV đoạt huy chương Olympic phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: năng lực tài chính, khát khao của mỗi nước, trình độ VĐV… Tuy nhiên, không phải cứ quốc gia nào giàu là VĐV sẽ được treo thưởng cao.

Một ví dụ điển hình là nước chủ nhà Anh. Tờ Daily Telegraph cho biết, Hiệp hội Olympic V ương quốc Anh (BOA) cũng như chính phủ Anh không đưa ra hứa hẹn tiền bạc nào với các VĐV. Thoả thuận tài chính duy nhất là BTC sẽ chi 10.000 bảng cho một số VĐV đoạt HCV để in hình lên con tem Royal Mail. Lý lẽ của BOA rất đơn giản: Sự tận tâm, cống hiến và niềm tự hào dân tộc mới là động lực cho các VĐV thi đấu chứ không phải tiền bạc.

Chắc chắn không phải quốc gia nào cũng chung quan điểm trên. Hay nói chính xác hơn, các quốc gia khác đều có phần thưởng cho các VĐV, nhiều ít khác nhau. Điều nhiên, Trung Quốc và Mỹ, 2 cường quốc thể thao dẫn đầu thế giới hiện nay gây “sốc” khi tiền treo thưởng… thấp đến bất ngờ.

Giành HCV Olympic, VĐV "bỏ túi" bao nhiêu? - 1

Mỗi quốc gia lại có cách treo thưởng khác nhau

Cụ thể, VĐV đoạt huy chương Vàng, Bạc, Đồng sẽ lần lượt nhận được số tiền là 25.000 USD, 15.000 USD và 10.000 USD. Trung Quốc khá hơn, khi VĐV đoạt HCV nhận được 350.000 NDT (khoảng 51.000 USD). Một nước khác nổi tiếng giàu nhưng tiền thưởng thấp là Australia, VĐV đoạt HCV được thưởng 20.000 USD. Với Mỹ và Trung Quốc, có thể đoán là việc thường xuyên thống trị trên bảng tổng sắp huy chương khiến cho việc giành HCV với hai nước này không còn ở mức khát khao như các quốc gia khác, nhưng Úc thì… hơi lạ.

Nếu so với 3 nước trên, độ “chịu chơi” của Việt Nam rõ ràng vượt xa. Tổng số tiền thưởng cho VĐV giành HCV của Việt Nam có thể lên tới 2 tỷ đồng (khoảng 100.000 USD) với hai VĐV Taekwondo Lê Huỳnh Châu và Chu Hoàng Diệu Linh. Các môn khác, tiền thưởng cho HCV là khoảng 1 tỷ đồng.

Trong cuộc đua tiền thưởng trên, một điểm thấy rõ là các quốc gia châu Á tỏ ra trội hơn hẳn. Philippines treo thưởng hơn 340 nghìn USD cho chiếc HCV Olympic. Thái Lan thấp hơn một chút, “chỉ” 300.000 USD (10 triệu bath). VĐV đoạt HCV ở Olympic Bắc Kinh 2008 của Thái Lan, ngoài khoản tiền thưởng khổng lồ còn được hưởng thụ nhiều chế độ đãi ngộ khác. VĐV đoạt HCV “mèng” hơn một chút cũng nhận được 6 triệu bath (khoảng 160 nghìn USD). HCĐ là 4 triệu bath (140 nghìn USD).

Đứng thứ nhì trong số các quốc gia thưởng lớn ở châu Á là Maylaysia, với 307 nghìn USD cho VĐV đoạt HCV. Mặc dù treo thưởng lớn như vậy, như ở Thế vận hội Olympic lần này, Thái Lan, Malaysia và Philippines đều chưa giành được HCV mà chỉ mới được HCB và HCĐ. Tương tự, Việt Nam cũng đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, đứng trước nguy cơ trắng tay rời Thế vận hội.

Vượt trội hơn tất cả các nước trên, Singapore là nước dẫn đầu về treo thưởng ở Olympic. VĐV Singapore đoạt HCV Olympic sẽ được nhận 708 nghìn USD (1 triệu đô la Singapore). Đây là con số trong mơ với bất kỳ VĐV nào trên thế giới. So với Singapore, Nhật Bản khiêm tốn hơn khi treo thưởng 100 nghìn USD cho VĐV đoạt HCV.

Nga treo thưởng 100 nghìn USD cho VĐV đoạt HCV Olympic. Con số này thấp hơn gấp đôi so với VĐV đoạt HCB của Kazakhstan, khoảng 200 nghìn USD. VĐV đoạt HCV của Kazakhstan sẽ được nhận 250 nghìn USD. Với nhiều nước, ngoài tiền thưởng, VĐV còn có thể nhận thêm các khoản khác như nhà cửa, công việc…

Chia sẻ
Theo An Nhiên (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN