Giá xe sẽ lại tăng?
Bộ Tài chính vừa trình phương án sửa đổi mới nhất bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô nhập khẩu, theo đó, thuế suất được sửa theo hướng tăng mạnh với xe dung tích lớn và giảm với xe nhỏ. Nhiều người cho rằng, giá xe có thể tăng nhẹ.
Điều người dân quan tâm nhất trong 2 tháng qua là cách tính thuế TTĐB đối với ô tô nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi được thu ở khâu nào, bao gồm những chi phí gì. Cuối tháng 6, Bộ Tài chính từng trình Chính phủ phương án giá tính thuế TTĐB với ô tô nhập khẩu bao gồm cả chi phí bán hàng trong nước của nhà nhập khẩu (thông qua thu thêm thuế TTĐB tại khâu nội địa khi bán ra). Khi đó, người tiêu dùng cho rằng, giá tính thuế ở đây là giá bán tới tay khách hàng.
Do đó, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối không chỉ của người tiêu dùng mà cả chính những nhà nhập khẩu, phân phối ô tô chính hãng. Bởi theo cách hiểu đó, giá tính thuế TTĐB sẽ tăng khoảng 10%, tức giá xe bán ra sẽ tăng thêm 2-4%, trái ngược với mong chờ của người dân rằng, giá xe sẽ giảm nhờ thuế nhập khẩu ô tô giảm theo cam kết hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Trong tờ trình ngày 13/8 lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, Bộ Tài chính cho biết, vẫn giữ nguyên như tờ trình trước đây, tức thu thêm tại khâu nội địa khi nhà nhập khẩu bán ra. Trên thực tế, giá tính thuế này cũng có thể là giá bán tới tay người tiêu dùng, bởi nhà nhập khẩu kiêm luôn khâu phân phối, (như: Honda Việt Nam, Trường Hải,...). Song có hãng nhập xe về lại bán hàng qua hãng phân phối, như: Toyota Việt Nam nhập Lexus nhưng bán qua 2 đơn vị: Lexus Thăng Long (Hà Nội) và Lexus Trung tâm Sài Gòn (TPHCM), hay hãng Audi, Hyundai Thành Công...
Chiều 16/8, tổng giám đốc một hãng phân phối ô tô chính hãng cho biết, với giá tính thuế TTĐB như phương án kể trên, hãng có thể tự cân đối, giảm chi phí kinh doanh, giá bán có thể sẽ không tăng so với hiện tại.
Xe dung tích càng lớn, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt càng cao. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thuế cao hơn mặt bằng khu vực
Cũng trong tờ trình này, Bộ Tài chính cho biết, đã tham khảo chính sách thuế các nước trong khu vực ASEAN. Đa số các nước láng giềng thực hiện khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB thấp hơn đối với các loại xe có dung tích xi lanh nhỏ. Một số nước áp dụng thuế TTĐB ở mức thấp đối với dòng xe tiết kiệm năng lượng, xe sử dụng năng lượng sạch.
Tuy nhiên, điều dễ thấy là mức thuế suất TTĐB ở Việt Nam cao hơn đại đa số các nước trong khu vực. “Đối với ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.0, mức thuế này ở Việt Nam cao hơn bình quân khu vực khoảng 7% và cao hơn 5% so với mức bình quân 4 nước: Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan”, Bộ Tài chính thừa nhận.
Bộ này đã trình Chính phủ nhiều phương án mức thuế suất dựa theo dung tích xi lanh, theo hướng giảm thuế với xe có công suất nhỏ, tăng thuế với xe sang có công suất lớn. Với xe có dung tích 1.0 trở xuống, sẽ áp dụng thuế suất 25% từ ngày 1/7/2016 (giảm 20% so với hiện hành) và chỉ còn 20% từ ngày 1/1/2018. Loại xe có dung tích 1.0-1.5 có lộ trình giảm còn 30% (giảm 15%) và 25% theo các mốc thời gian kể trên. Xe có dung tích 1.5 -2.0 lần lượt giảm còn 40% và 30%.
Ô tô có công suất 2.0-3.0 sẽ áp mức 60% từ ngày 1/7/2016 (tăng 10%), nhưng chỉ còn 55% từ ngày 1/1/2018. Với dòng ô tô có dung tích từ 3.0 trở lên sẽ tăng lên 75% (tăng 15%) nhưng sau đó sẽ giảm còn 70%.
Giá xe bán tải sẽ tăng mạnh
Dòng xe bán tải sẽ áp mức thuế bằng 60% so với mức thuế áp với ô tô cùng dung tích. Phần lớn dòng xe này có dung tích từ 2.0 trở lên, khi đó thuế suất dòng xe này sẽ dao động 36-45%, tức cao hơn hẳn so với mức 15% hiện tại.