5 lí do không nên nhảy việc dịp cuối năm

Công việc quá áp lực, nhàm chán, mức lương thấp hoặc nhận thấy mình không có cơ hội thăng tiến... chính là các lí do để nhân viên nghỉ việc tìm kiếm chỗ làm mới. Tuy nhiên, trước khi nhảy việc bạn nên cân nhắc thật kĩ thời điểm nào là hợp lí.

Nếu bạn muốn nhảy việc nhưng lại sắp hết năm thì tốt nhất hãy chờ thêm thời gian. Vì đây không được xem là thời điểm thích hợp để nhảy việc. Nó không chỉ gây bất lợi cho bạn mà còn “làm khó” công ty nơi bạn đang làm việc. 5 lí do sau đây sẽ cho thấy rõ ràng nhất vì sao nhảy việc cuối năm được xem là thời điểm “tồi tệ”.

Cách công ty mới nhìn nhận bạn

Không lí do gì mà một nhân viên đang yên lành lại nhảy việc vào dịp cuối năm và kiếm việc mới khi mà công ty cũ hẳn nhiên đang cần người làm. Ngoại trừ việc bạn đưa ra được lí do chính đáng thuyết phục. Còn nếu không, nhà tuyển dụng sẽ nghi ngờ bạn là người thích “nhảy” việc hoặc có vấn đề mâu thuẫn không hay với công ty cũ. Điều này cũng chính là yếu tố làm bạn mất điểm. Vì thường các nhà tuyển dụng có xu hướng đánh giá thấp và thiếu tin cậy những người thích “nhảy” việc.

Ảnh hưởng đến công ty cũ

Cuối năm được xem là thời điểm nước rút cho các doanh nghiệp tăng tốc làm việc để hoàn thành xong được các hợp đồng, dự án, kế hoạch với khối lượng hàng hóa khổng lồ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Lúc này họ cần nhân sự ổn định và thạo việc để hoàn tất lượng lớn công việc. Các phòng ban kể cả bộ phận nhân sự đều không muốn có sự xáo trộn lúc này.

5 lí do không nên nhảy việc dịp cuối năm - 1

Do đó, nếu phụ trách công việc khá quan trọng, sự ra đi của bạn sẽ làm cho tình hình thêm rối rắm và mất thời gian. Do đó, nếu có ý định nhảy việc, tốt nhất hãy đợi thời điểm sau tết khi công việc phần nào hoàn tất. Đừng để sự nghỉ việc của bạn gây ảnh hưởng đến công ty cũ, đặc biệt khi mà các kế hoạch còn dang dở, các dự án cần hoàn thiện nước rút và các vấn đề bạn đảm trách chưa được giải quyết ổn thỏa.

Thưởng Tết và các chế độ đãi ngộ

Dù làm ở công ty nhỏ, bạn vẫn được nhận một khoản thưởng tết. Đó cũng chính là món quà tri ân công ty dành tặng cho nhân viên sau một năm dài làm việc. Mức thưởng này tùy theo vị trí cấp bậc hoặc thành tích làm việc, cống hiến của từng nhân viên. Ngoài ra nó còn phụ thuộc vào doanh số, quy mô doanh nghiệp...

Nếu nghỉ việc thời điểm cuối năm, tất nhiên là bạn sẽ không được nhận bất cứ khoản thưởng nào dù bạn đã làm việc cật lực cả năm dài. Do đó, hãy xem xét kĩ trước khi quyết định nhảy việc để mình không bị thiệt thòi.

Tâm lí của chính bản thân

Trường hợp bạn chưa có sự chuẩn bị kỹ về mọi mặt mà nhảy việc, đó là một sai lầm. Vì cuối năm bạn cần hoàn tất công việc cũ để tận hưởng một kì nghỉ tết vui vẻ thoải mái bên người thân và các cuộc gặp mặt tổng kết vui vẻ cùng đồng nghiệp. Nếu phải chuyển việc mới, bạn sẽ phải mất thời gian học và làm quen với môi trường công việc, đồng nghiệp mới. Có thể bạn sẽ thấy lạc lõng trong các dịp vui cuối năm khi mình chỉ là người mới.

5 lí do không nên nhảy việc dịp cuối năm - 2

Ngoài ra, cuối năm bạn cần có thời gian lo cho cả công việc song song với việc sắp xếp cho các vấn đề cá nhân để chuẩn bị đón Tết. Nếu mất quá nhiều tâm sức cho việc khởi đầu công việc mới bạn sẽ mất đi quỹ thời gian lo cho cuộc sống riêng, đặc biệt là với người đã có gia đình. Do đó, cần xem xét kĩ nếu định nhảy việc vào dịp cuối năm.

Cuối năm không phải là thời điểm vàng tuyển dụng

Ít công ty đưa ra chương trình tuyển dụng nhân sự vào cuối năm, nếu có thường chỉ do có người nghỉ cần thay tạm thời hoặc nhân viên làm việc thời vụ không ổn định. Thời điểm vàng rơi vào quý 1 hoặc quý 2 của năm, khi đó các công ty có nhu cầu tăng nhân sự sẽ đồng loạt tuyển dụng. Như vậy bạn sẽ có nhiều hơn cơ hội việc làm để lựa chọn các đơn vị mà mình yêu thích hoặc mong muốn được làm việc.

Nếu công việc gặp quá nhiều khó khăn hoặc có vấn đề xung đột không thể giải quyết, bạn cảm thấy mình không đủ sức vượt qua thì nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội mới là điều tất nhiên. Tuy nhiên cần cân nhắc kĩ thời điểm và sự được – mất. Bạn nên cân nhắc nhảy việc trong tâm thế nào để không ảnh hưởng đến công ty hiện tại cũng như không gây tổn thất cho bản thân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đặng Hảo ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN