Bỏ trần lãi suất huy động kỳ hạn dài

Cuối chiều 8/6, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định hạ trần lãi suất huy động, cho vay và giảm một loạt lãi suất điều hành, nhằm hiện thực hóa cam kết của Thống đốc trước Quốc hội. Tiền gửi từ 12 tháng sẽ không khống chế lãi suất.

Theo Thông tư 19 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình ký chiều nay, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 2% một năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 9% một năm.

Riêng Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 9,5% một năm.

Đáng chú ý, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Điều này cũng có nghĩa, lãi suất tiền gửi dài hạn có thể cao hơn mức trần quy định, tùy thuộc vào thương lượng giữa khách hàng và ngân hàng.

Tiền gửi bao gồm các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cá nhân theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng).

Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Thông tư 19 có hiệu lực thi hành, sẽ được thực hiện cho đến hết thời hạn. Trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Thông tư này.

Bỏ trần lãi suất huy động kỳ hạn dài - 1

Giao dịch tại nhiều ngân hàng trở nên sôi động do người gửi tiền lo lắng lãi suất sẽ giảm nhanh và liên tục. (Ảnh minh họa).

Cũng theo thông báo mới của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 13% một năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 14% một năm. Lãi suất cho vay áp dụng đối với các hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Về mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán, Thống đốc NHNN quy định các mức lần lượt là 11%, 9% và 12% một năm.

Tất cả các thông tư trên có hiệu lực từ ngày 11/6 tới.

Thông tin về việc hạ lãi suất huy động, lãi cho vay và điều hành đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát biểu trước Quốc hội vào hôm (7/6) và ngay chiều 8/7 đã có văn bản chính thức. Thông tin phát đi từ Thống đốc khiến các điểm giao dịch tại nhiều ngân hàng trở nên sôi động trong ngày 8/6, chủ yếu do người gửi tiền lo lắng khi lãi suất giảm nhanh và liên tục.

4 ngày trước khi quyết định hạ trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, từ 7/6, Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Viecombank) đã điều chỉnh lãi huy động cao nhất còn 10,5% một năm áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng. Các kỳ hạn khác, mức lãi suất chỉ dao động quanh 8-10% một năm. Cụ thể, kỳ hạn 2, 3 tháng được áp dụng lãi suất 10% một năm trong khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 6-24 tháng chỉ còn 9,5% một năm. Thấp nhất là lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3, 4 và 5 năm chỉ còn 8% một năm.

Còn tại Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) lãi suất niêm yết cũng thấp hơn so với trần 11%. Cụ thể, 10,8% một năm là lãi suất tối đa nhà băng này áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng, lĩnh lãi tháng hoặc cuối kỳ. Với các khoản gửi khác từ 2 đến 36 tháng, lãi suất dao động 9,3% đến 11% một năm. Một số kỳ hạn khác vẫn bằng với trần huy động 11%, nhưng đa phần đều thấp hơn nếu khách gửi tiền lĩnh lãi hàng tháng.

Đây là lần đầu tiên sau hơn một năm áp dụng, trần lãi suất huy động với kỳ hạn dài được gỡ bỏ. Và sau nhiều đợt giảm liên tiếp, lãi suất huy động cũng như cho vay đang tiệm cận mức thấp của năm 2009. Khi đó, lãi suất cho vay tiền đồng chỉ 10,5% một năm. Nếu vay theo chương trình hỗ trợ 4% lãi suất của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp năm đó đã được hưởng mức trên dưới 7% một năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lao động
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN