DANH MỤC

Không ít nhà đầu tư đã nhân 2 nhân 3 tài khoản trước đà tăng trưởng ấn tượng của nhóm cổ phiếu ngành BĐS trong thời gian dài của năm 2021. Tuy nhiên, chỉ ít ngày khi bước sang đầu năm 2022, như một hiện tượng domino thị trường bất ngờ “đỏ lửa” khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay.

Châm ngòi của đợt thoái trào lần này là việc Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC, tiếp đến là Tập đoàn Tân Hoàng Minh bất ngờ tuyên bố bỏ cọc lô đất trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm… Bảng giá chứng khoán nhuộm màu đỏ quạch xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, từ cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng đến cổ phiếu ngân hàng cũng chịu chung số phận hẩm hiu.

Cơn sóng thần màu đỏ của chứng khoán trong những ngày đầu năm 2022 khiến hàng trăm nghìn nhà đầu tư bất lực nhìn tài khoản “bốc hơi”.

Tan giấc mộng làm giàu: Nhà đầu tư bất lực nhìn tài khoản “không cánh mà bay” - 2
Tan giấc mộng làm giàu: Nhà đầu tư bất lực nhìn tài khoản “không cánh mà bay” - 3

Anh Dũng (33 tuổi) –một nhà đầu tư F0 cho biết anh chỉ mới tham gia mua bán chứng khoán được nửa năm tuy nhiên cũng đang tính sẽ "rời cuộc chơi" bởi những cú sốc gặp phải trong những phiên giao dịch “đỏ lửa” gần đây.

Theo anh Dũng, bản thân đang có 8 mã cổ phiếu ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bất động sản, tài chính, bán lẻ,…. “Cứ nghĩ bỏ trứng nhiều rổ sẽ an toàn, nhưng nào ngờ mấy phiên gần đây ngành nào cũng giảm, nhiều mã giảm sàn lại còn trắng bên mua. Bán thì lỗ, mà tiếp tục giữ thì có khi còn lỗ nhiều hơn" – anh Dũng cho hay.

Anh Dũng tâm sự, vì không có kiến thức về kinh tế hay đầu tư nên anh chủ yếu mua theo tư vấn của môi giới và tham gia các hội nhóm. Không chỉ anh mà nhiều người quen của anh cũng đang "sốc" khi thị trường đảo chiều các phiên gần đây, đặc biệt là những người lỡ "lên tàu" nhóm cổ phiếu "họ FLC".

Tan giấc mộng làm giàu: Nhà đầu tư bất lực nhìn tài khoản “không cánh mà bay” - 4

Sự cố Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu như chú thiên nga đen thay đổi tâm lý nhà đầu tư từ phấn khích sang hoang mang, các cổ phiếu này bị "chồng chất" bán giá sàn hàng chục triệu đơn vị trong mỗi phiên nhưng không thể khớp do mất thanh khoản.

Tính đến ngày 17/1, giao dịch trên HNX, ART ghi nhận giảm 38% xuống còn 10.100 đồng/cp; KLF "bốc hơi" 21% xuống còn 6.400 đồng/cổ phiếu; ROS giảm 23% xuống còn 10.500 đồng/cổ phiếu. Trong khi trên sàn HoSE với biên độ hẹp hơn, FLC giảm 17% sau 10 phiên xuống 15.000 đồng/cổ phiếu, HAI giảm 12% xuống 6.910 đồng/cổ phiếu, còn AMD giảm 12% xuống 7.180 đồng/cp, (so với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021),…

"Đầu tư cả năm, ngày nào cũng xem bảng điện nhưng cuối cùng không lãi được đồng nào. Cơ hội kiếm lời từ chứng khoán rất cao, nhưng có lẽ không dành cho tất cả mọi người, tôi là một trong số đó”, anh Dũng buồn bã nói thêm.

Thực sự, cú quay xe bất ngờ của nhóm cổ phiếu họ FLC và bất động sản gây ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày cận Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thị trường chứng kiến sự tháo chạy của hàng loạt nhà đầu tư, gây ra cú sập mạnh hơn 43 điểm trên thị trường trong phiên giao dịch 17/1. Với cú giảm sâu này, phiên giao dịch trở thành một ngày "thứ hai đen tối" nữa của chứng khoán Việt dưới áp lực bán tràn lan tại nhiều nhóm cổ phiếu.

Tan giấc mộng làm giàu: Nhà đầu tư bất lực nhìn tài khoản “không cánh mà bay” - 5
Tan giấc mộng làm giàu: Nhà đầu tư bất lực nhìn tài khoản “không cánh mà bay” - 6

Anh Thanh, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết sau những phiên giao dịch đầu năm 2022, tài khoản anh đã giảm gần 20% vì dùng đòn bẩy margin. Anh Thanh thừa nhận nếu trong những phiên giao dịch tiếp theo thị trường không hồi phục sẽ thêm phần lo lắng bởi áp lực đòn bẩy margin đang sử dụng hiện nay.

Có thể thấy, trong những tháng cuối cùng của năm 2021, nhóm cổ phiếu liên quan tới ngành BĐS như CII, LDG, DXG, CEO, DIG, … và nhóm cổ phiếu họ FLC ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.

Sự tăng trưởng của cổ phiếu nhóm ngành BĐS được hưởng lợi đáng kể sau thông tin đấu giá đất tại Thủ Thiêm ngày 10/12. Theo đó, bốn lô đất Thủ Thiêm được đấu giá thành công hơn 37.000 tỷ đồng, trong đó lô đất 3.12 được Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ giá lên tới 24.500 tỷ đồng, tương đương 2,4 tỷ đồng mỗi mét vuông.

Tan giấc mộng làm giàu: Nhà đầu tư bất lực nhìn tài khoản “không cánh mà bay” - 7

Trước đà tăng trưởng ấn tượng của nhóm cổ phiếu ngành BĐS, không ít nhà đầu tư đã ghi nhận nhân 2 nhân 3 tài khoản khi đầu tư vào những nhóm cổ phiếu này.

Trong cơn say, nhiều nhà đầu tư không ngần ngại sử dụng đòn bẩy margin với mong muốn "liều ăn nhiều”.

Tuy nhiên, sau thời gian tăng trưởng ấn tượng nhóm cổ phiếu những doanh nghiệp liên quan đến BĐS đã hứng liên tiếp những phiên “đỏ lửa” sau động thái Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/1. Ngay sau đó một ngày là thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát đi thông báo xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm.

Thị trường chứng khoán chứng kiến hàng loạt mã cổ phiếu như CII, FLC, ROS, AMD, LDG, DXG, ABS, NBB, BCE, SCR, DIG, SAM, NHA, TDC, … kéo nhau lao dốc, thậm chí nhiều mã trắng bên mua trong nhiều phiên liên tiếp.

Tan giấc mộng làm giàu: Nhà đầu tư bất lực nhìn tài khoản “không cánh mà bay” - 8

Nếu ví đầu tư chứng khoán như một cuộc rong chơi, thì với nhiều người cuộc chơi này vẫn chưa kết thúc, thậm chí muốn kết thúc mà chẳng được. Bây giờ nếu họ bán cắt lỗ thì nặng gánh về dòng tiền và vốn mất đi cũng là kha khá. Nhất là những nhà đầu tư có sử dụng vốn vay, chứ không sử dụng vốn tự có. Đồng nghĩa họ mất cả chì và mất thêm chài, chứ cũng không còn mơ đến những con cá lợi nhuận khủng như vài tháng trước.

Theo ghi nhận, với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính bằng cách vay ký quỹ (margin) với tỉ lệ cao, trải qua những phiên thị trường nằm sàn liên tiếp này thực sự “cuốn bay” phần lớn thành quả họ có được trong cả năm “cày xới”.

Tan giấc mộng làm giàu: Nhà đầu tư bất lực nhìn tài khoản “không cánh mà bay” - 9

Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam có những biến động mạnh trong những ngày đầu năm 2022 và giáp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng nhiều nhà đầu tư và giới chuyên gia vẫn lạc quan vào kênh đầu tư này trong năm 2022.

Anh Hùng, một nhà đầu tư với 5 năm kinh nghiệm tại Hà Nội cho rằng trên thị trường chứng khoán trong nguy của người này thì lại là cơ hội của người khác. Do đó, đầu tư chứng khoán cần có kiến thức thay vì chỉ đầu tư theo sự hô hào của các hội nhóm trên mạng xã hội.

Nhà đầu tư này đánh giá, trong năm 2022, thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh giữa nhóm cổ phiếu của những doanh nghiệp làm ăn chân chính, kết quả kinh doanh tốt. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ có thể sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực của thị trường.

Tan giấc mộng làm giàu: Nhà đầu tư bất lực nhìn tài khoản “không cánh mà bay” - 10

“Những nhà đầu tư đang kẹp cổ phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh bết bát lỗ triền miên mà giá cổ phiếu được đẩy lên cao thời gian qua thì nên tìm cách bán để cơ cấu lại danh mục, tập trung vào những mã tốt, khi thị trường ổn định cổ phiếu của doanh nghiệp mạnh sẽ phục hồi đầu tiên” - Anh Hùng nhận định.

Tương tự, anh Chính - một nhà đầu tư đang lỗ nhẹ do nắm trong tay hơn 50.000 cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát và hơn 20.000 cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen vẫn tin tưởng vào đà phục hồi của những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tôn, thép tại Việt Nam. Anh Chính cũng cho biết tận dụng những cú giảm sâu của thị trường thời gian qua đã từng bước cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình, theo đó tài khoản của anh chỉ có khoảng 10% tài sản đầu tư vào nhóm ngành tăng nóng.

Nhận định của nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, “trong nguy sẽ có cơ”, sự giảm mạnh của thị trường là cơ hội cho nhà đầu tư biết kiên nhẫn chờ đợi thời điểm thị trường bùng nổ. Thực tế, nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng của dịch bệnh quý 3/2021, nhưng quý 4 lại cho thấy sự phục hồi tích cực.

Tan giấc mộng làm giàu: Nhà đầu tư bất lực nhìn tài khoản “không cánh mà bay” - 11

Theo đánh giá của ông Hoàng Anh Tuấn Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, CTCK MB (MBS), đợt giảm của thị trường là sự sàng lọc. Sau đợt giảm toàn bộ nhà đầu tư F0 trên trị trường "thăng cấp" lên F1, nhà đầu tư rút được nhiều kinh nghiệm. Họ sẽ hạn chế chơi cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu nóng, chơi theo tin đội nhóm, họ có xu hướng tự phân tích.

Nhận định về xu hướng thị trường trong năm 2022, ông Tuấn cho rằng các dòng cổ phiếu đầu cơ sẽ theo xu hướng giảm và khó hồi phục. Dòng tiền vẫn ở trong thị trường, sẽ dịch chuyển tới cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt, thị trường đón nhận dòng tiền ở cổ phiếu lớn, theo đó giúp đà giảm chững lại.

“Sau Tết thị trường sẽ tiếp tục tăng trở lại, gần như năm nào cũng vậy. Chỉ có năm 2020 thị trường giảm do COVID xuất hiện, nhưng sau đó cũng tăng trở lại và duy trì xu hướng tăng tới nay”, ông Tuấn nhận định.

Với ngành chứng khoán, vị này cho rằng đây chỉ là đợt sụt giảm ngắn hạn. Về dài hạn, tin hỗ trợ cho ngành này đó là khả năng được giao dịch T0 trong 2022. Nếu thực sự triển khai T0, chuyên gia này tin rằng sẽ là bước bùng nổ của TTCK cũng như lợi nhuận của các CTCK.

Tan giấc mộng làm giàu: Nhà đầu tư bất lực nhìn tài khoản “không cánh mà bay” - 12

Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán, trong năm 2021 nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản). Tính tới cuối 31/12, số tài khoản cá nhân trên sàn chứng khoán đạt mức hơn 4,29 triệu tài khoản, số tài khoản của nhà đầu tư tổ chức là hơn 17 ngàn tài khoản.

Tan giấc mộng làm giàu: Nhà đầu tư bất lực nhìn tài khoản “không cánh mà bay” - 13
 

Bài viết: Hồng Hương, Trung Kiên

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Chủ Nhật, ngày 23/01/2022 19:37 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Trung Kiên - Hồng Hương ([Tên nguồn])