Những đầu tàu lèo lái thị trường logistics Việt Nam

Ngành logistics trong nước đang chứng kiến sự phát triển ấn tượng và bứt phá của các doanh nghiệp lớn, với quy mô vươn tầm quốc tế, đánh dấu VN trên bản đồ logistics thế giới.

Logistics Việt phát triển theo cấp số nhân

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics trong nước những năm gần đây đạt khoảng 14% – 16%, có quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm (tương đương 17-18% GDP của cả nước). Trong khi đó, theo công bố của Ngân hàng thế giới (World Bank), Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước điều tra về chỉ số hoạt động logistics năm 2018, tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016. Các con số trên cho thấy sự chuyển dịch trọng tâm của logistics thế giới về các thị trường đang phát triển tại châu Á, trong đó Việt Nam là điểm đến giao thương đắc địa, với hàng loạt thế mạnh về kinh nghiệm, quản lý vận hành, hạ tầng kỹ thuật...

Đóng góp vào bức tranh đầy triển vọng của ngành logistics trong nước là khoảng 3.000 doanh nghiệp nội kinh doanh dưới nhiều hình thức. Trong đó, đáng chú ý là không chỉ có công của các doanh nghiệp nhà nước mà còn là các doanh nghiệp tư nhân với bề dày kinh nghiệm lâu năm cùng sự chuyển mình thần tốc trong những năm gần đây, cả về quy mô và công nghệ.

Dẫn đầu khối doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) - nhà khai thác cảng container chuyên nghiệp, hiện đại và lớn nhất Việt Nam với các dịch vụ khai thác cảng biển đa dạng và vận tải đa phương thức. Hiện nay SNP là nhà khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 90% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước.

Trong khi đó, các doanh nghiệp logistics tư nhân cũng đang ngày càng chứng minh được vai trò của mình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, điển hình là Công ty Cổ phần Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (Indo Trans Logistics Corporation - ITL Corp), hình thành từ những năm đầu mở cửa. Hiện nay doanh nghiệp này đã phát triển mạng lưới hoạt động ra khắp các tỉnh thành trong nước, 6 quốc gia Đông Nam Á, với những thương vụ hợp tác, liên doanh bền vững cùng các tập đoàn logistics lớn thế giới như Keppel Telecommunication & Transportation (J.V ITL Keppel); Ceva Logistics, Mitsubishi Logistics và gần đây UPS Supply Chain. Năm vừa qua, ITL đã đạt mức tăng trưởng gần 50% so với 2017. Đây là mức tăng kỷ lục trong nhiều năm qua của doanh nghiệp này, cao hơn gấp 3 lần mức tăng trung bình của ngành logsitics.

Những đầu tàu lèo lái thị trường logistics Việt Nam - 1

Năm 2018 - ITL đạt mức tăng trưởng kỉ lục, tăng gần 50% so với năm 2017

Hợp tác nhằm mục tiêu hợp lực, gia tăng giá trị cho chuỗi cung ứng

2019 được đánh dấu là năm bước ngoặt của cả ICD Tân Cảng Sóng Thần – Thành viên của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và ITL, khi hai doanh nghiệp này tiến tới ký kết liên danh. Đây cũng là hợp tác đáng chú ý nhất của ngành logistics vì cái bắt tay giữa doanh nghiệp chủ chốt trong khối nhà nước với doanh nghiệp tư nhân nhằm mục tiêu hợp lực, gia tăng giá trị cho chuỗi cung ứng trong nước và khu vực, thông qua việc đầu tư xây dựng khu phức hợp logistics tại tỉnh Bình Dương có quy mô lớn hàng đầu Đông Nam Á.

Những đầu tàu lèo lái thị trường logistics Việt Nam - 2

Cắt băng khánh thành khu phức hợp logistics liên danh giữa ITL và Tân Cảng Sóng Thần

Khu phức hợp logistics ITL-ICD Tân Cảng Sóng Thần với diện tích hơn 60,000 m2 mặt bằng mái nằm tại vị trí chiến lược trong trung tâm logistics khu vực phía Nam, được định hướng trở thành nơi cung cấp chuỗi các dịch vụ logistics tích hợp, bao gồm: cho thuê và quản lý kho bãi, vận chuyển đường sắt tại ga Sóng Thần, vận chuyển đường bộ, chuyển phát nhanh, khai quan và giao nhận quốc tế…nhằm hướng đến mục tiêu “một cổng, trọn vẹn dịch vụ”, tiết kiệm tối đa thời gian, công sức và chi phí cho các doanh nghiệp.

Bà Amanda Rasmussen – Giám đốc vận hành của Tập đoàn ITL chia sẻ: “ITL có thế mạnh về quy trình, mô hình vận hành, nền tảng công nghệ, và khả năng kết nối hợp tác với các tập đoàn logistics lớn trên toàn cầu. Trong khi đó, SNP rất mạnh về cơ sở hạ tầng, với hệ thống các cảng, kho bãi nằm ở các vị trí chiến lược. SNP có giá trị lõi, chúng tôi có giá trị gia tăng, đó là các lợi thế cạnh tranh đặc biệt giúp cả hai doanh nghiệp có thể cùng nhau mang đến cho thị trường những dịch vụ độc đáo, tối ưu hoá, kết nối chặt chẽ.”

Những đầu tàu lèo lái thị trường logistics Việt Nam - 3

Bà Amanda Rasmussen – Giám đốc vận hành của Tập đoàn ITL

Trong khi đó, giới quan sát nhận định, sự ra đời của khu phức hợp logistics ITL-ICD Tân Cảng Sóng Thần sẽ tạo điểm nhấn cho ngành kho vận, góp phần thúc đẩy giao thương và kinh tế. Và nỗ lực hợp tác liên danh của ITL với doanh nghiệp chủ chốt Nhà nước, đã và đang chứng minh cho quyết tâm thực hiện đến cùng mục tiêu dẫn đầu của ITL, đóng góp vào sự phát triển của ngành logistics nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Mai ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN