Chuyện gì đang xảy ra với kinh tế Mỹ?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Kinh tế Mỹ không hoàn toàn khỏe mạnh, thậm chí còn ở hai trạng thái đối nghịch, theo nhận xét của Tổng thống Joe Biden và đối thủ Donald Trump.

Các doanh nghiệp Mỹ đang cần tuyển hàng triệu nhân sự. Tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức thấp nhất nhiều thập kỷ. Nếu chỉ nhìn vào các số liệu này, kinh tế Mỹ đang rất tốt. Vì các thời kỳ thất nghiệp thấp thường đi kèm với mức độ thịnh vượng cao.

Tuy nhiên, nhiều số liệu khác không vẽ ra bức tranh tươi sáng như vậy. Ví dụ, ngày càng nhiều người Mỹ, đặc biệt là giới trẻ, gánh nợ thẻ tín dụng lớn vì chi tiêu cá nhân.

Gần đây, Mỹ nhận nhiều báo cáo. Nhưng tin tốt nào cũng đi kèm các dấu hiệu khiến giới kinh tế học chùn chân. "Nền kinh tế không mạnh khỏe hoàn toàn. Nhìn thì sôi động, nhưng vẫn có nhiều điều đáng ngại", Gregory Daco - kinh tế trưởng tại EY nhận định.

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ cũng có quan điểm trái ngược. Tổng thống Joe Biden nói rằng dù còn nhiều việc phải làm, nền kinh tế vẫn đang bùng nổ và chưa bao giờ tươi sáng như hiện tại. Trong khi đó, ông Donald Trump chỉ thấy "nền kinh tế đang lao dốc" và lộn xộn.

Những điểm sáng

Các thông báo tuyển dụng cắm dọc một con đường ở New Hampshire (Mỹ). Ảnh: Reuters

Các thông báo tuyển dụng cắm dọc một con đường ở New Hampshire (Mỹ). Ảnh: Reuters

Các số liệu trên thị trường lao động Mỹ thời gian qua luôn đem lại cảm giác lạc quan về nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện tại, doanh nghiệp Mỹ cần tuyển 8,5 triệu lao động. Con số này vượt xa thời tiền đại dịch. Trong khi đó, chỉ có 6,5 triệu người thất nghiệp. Trên lý thuyết, số việc làm đang nhiều hơn số người cần tìm việc.

Số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ cũng cho thấy lương trung bình giờ của người Mỹ tăng 22% so với trước đại dịch. Mức tăng này đang chậm lại, nhưng vẫn cao hơn lạm phát (gần 4%).

Đây là tin tốt với người tiêu dùng. Vì thu nhập của họ thực sự đang tăng.

Các thách thức

Dù lạm phát đã giảm đáng kể so với đỉnh năm 2022, số liệu này vẫn gần gấp đôi mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Việc này khiến cuộc chiến chống lạm phát của Fed kéo dài hơn dự kiến.

Lạm phát Mỹ tăng tốc trở lại từ đầu năm nay, sau thời gian dài hạ nhiệt. Đồ thị: CNN

Lạm phát Mỹ tăng tốc trở lại từ đầu năm nay, sau thời gian dài hạ nhiệt. Đồ thị: CNN

Diễn biến trên khiến nhiều quan chức Fed ngạc nhiên. Thành viên Hội đồng Thống đốc Fed Christopher Waller từng cho rằng nền kinh tế đã sẵn sàng cho việc giảm lãi. "Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm đã dội gáo nước lạnh vào triển vọng này. Cả số liệu lạm phát và hoạt động kinh tế đều nóng hơn dự báo", ông cho biết trong một sự kiện tuần trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã hạ nhiệt một chút. "Nếu là một giáo viên, tôi chấm điểm C+ cho báo cáo lạm phát tháng 4. Không tệ, nhưng cũng chẳng xuất sắc", ông nói.

Tuy nhiên, hai khảo sát gần đây của Fed đều cho thấy người tiêu dùng dự báo lạm phát năm nay tăng tốc. Khi lạm phát kỳ vọng tăng, doanh nghiệp cũng sẽ tính toán việc này vào giá cả sản phẩm, dịch vụ. Điều này càng kéo lạm phát lên cao.

Tiêu dùng - lực đẩy chính cho GDP Mỹ - cũng đang đi xuống. Doanh số bán lẻ tháng 4 thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, cho thấy người dân đang thắt chặt chi tiêu. Hàng loạt hãng bán lẻ Mỹ gần đây đã phải hạ giá sản phẩm để hút người mua.

"Đây là vấn đề đáng theo dõi. Nhưng tiêu dùng yếu một phần còn do người dân đã chi tiêu mạnh tay các tháng trước đó", David Alcaly - chiến lược gia tại Lazard nhận định.

Daco cũng coi doanh số bán lẻ là tín hiệu người tiêu dùng "đang thận trọng hơn, nhưng không đồng nghĩa đang tiết kiệm". Tuy nhiên, nếu tiêu dùng giảm mạnh nữa, nền kinh tế sẽ chịu tác động tiêu cực.

Tín hiệu tiêu cực đáng chú ý nhất với Mỹ hiện tại là mức nợ của người dân đang tăng cao. Một trong những lý do tiêu dùng tại đây vẫn sôi động, dù cả lạm phát và lãi suất đều cao nhất hàng thập kỷ, là người dân tích lũy được số tiền lớn trong đại dịch.

Tuy nhiên, các khoản này đã được tiêu hết. Nhiều người phải tìm đến thẻ tín dụng để chi trả cho cuộc sống hàng ngày. Một số thậm chí không thanh toán đúng hạn.

Báo cáo gần đây của Fed New York cho thấy tỷ lệ chậm thanh toán dư nợ thẻ tín dụng hiện lên cao nhất kể từ năm 2012.

"Mức nợ tiêu dùng và tỷ lệ chậm thanh toán ngày càng cao. Nếu việc này còn tiếp diễn, đây không chỉ là vấn đề cá nhân nữa, mà sẽ có tác động vĩ mô, đòi hỏi giới chức sát sao hơn", Sung Won Sohn - kinh tế trưởng tại SS Economics cho biết. Khi người dân ngày càng mất nhiều tiền trả nợ, họ sẽ phải giảm chi cho việc khác.

Việc bị chậm thanh toán cũng sẽ buộc các ngân hàng giảm cho vay các khoản rủi ro, hoặc nâng lãi. Tác động tổng hợp của chính sách này "có thể kéo tụt cả nền kinh tế, thậm chí dẫn đến suy thoái", Sung kết luận.

Nguồn: [Link nguồn]

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của 10 địa phương này chiếm 74,7% số dự án mới và 75,2% số vốn đầu tư của cả nước trong 5 tháng, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,52 tỷ USD, Hà Nội đứng vị trí thứ 2 với gần 1,14 tỷ USD. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Thu (theo CNN, Reuters) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN