Đi tìm tính đàn ông trong phim Việt

Sự kiện: Phim Việt Nam hay

Tính cách đàn ông của nam giới Việt được thể hiện qua màn ảnh ra sao? Cùng điểm lại và suy ngẫm qua những bộ phim một thời vang bóng.

Hai mươi năm trước, tôi có đọc một bài trên tạp chí Nước Nga nhan đề Những chú sư tử trong vườn thú. Nội dung bài báo nói về tính cách đàn ông của nam giới Nga đang suy giảm. Chẳng hạn, Giám đốc sẵn sàng đuổi việc một đàn ông ngang bướng nhưng giữ lại một người hiền lành, dễ bảo. Rốt cuộc, những cá tính của nam giới ngày một lụi tàn. Họ dần giống như những chú sư tử bị nhốt trong cũi. Móng vuốt bị cắt sạch.

So sánh với Mỹ (dạo đó, dư luận Nga có thói quen này), bài báo đưa ra dẫn chứng. Một công ty Mỹ sẵn sàng tiếp nhận một vận động viên bóng bầu dục đến làm trong trang phục thi đấu. Họ phân tích, chiều cao, tác phong, cách suy nghĩ của anh ta đã phả vào không khí quen thuộc ở công ty một cái gì mới mẻ, khác lạ, tác động tích cực đến các nhân viên khác.

Đi tìm tính đàn ông trong phim Việt - 1

Hai người lính Tân và An trong Đường thư

Trở lại với đề tài của Tạp chí kỳ này. Thú thật, đã lâu lắm rồi, chúng ta mới có một số chuyên đề bàn về nam tính. Bao năm, truyền thông chỉ nói về bình đẳng giới. Nữ tính cũng ít bàn. Nam tính lại càng hiếm. Những câu ca như “Đố ai bán cái dịu dàng/ Anh mua một gánh tặng nàng làm duyên” hay “Làm trai cho đáng nên trai/ Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng” vắng bóng ở nhiều nơi, nhiều lúc.

Tôi có ông bạn già, vào Nam đánh Mỹ, ra Bắc làm tình báo, đến giờ vẫn gần 70 nhưng tự nhận mình đẹp trai như Alain Delon – tài tử điện ảnh Pháp. Những năm 80 thế kỷ trước, bao người con gái con trai say mê hình ảnh đại úy Deanov trong phim Trên từng cây số của Bungari. Những nhân vật này, ngoài những phẩm chất chung như đẹp trai, dũng cảm, thông minh, lãng mạn, họ còn có một điều gì bí ẩn hết sức hấp dẫn trên gương mặt. Và sau đó, điện ảnh nước ta cũng làm xuất hiện hình ảnh nhân vật Nguyễn Thành Luân (diễn viên Chánh Tín đóng) trong bộ phim 8 tập Ván bài lật ngửa của đạo diễn Khôi Nguyên (tức đạo diễn Lê Hoàng Hoa). Dáng đi phong trần lãng tử của anh dưới cánh rừng cao su làm mê đắm không chỉ đàn bà mà cả trong mắt những người trẻ.

Đi tìm tính đàn ông trong phim Việt - 2

NSƯT Chánh Tín (bên phải) và diễn viên Thương Tín trong phim Ván bài lật ngửa

Và cũng thật kì lạ, hình như đó là vẻ đẹp đàn ông sâu sắc nhất trong phim Việt? Có lẽ, khi kết thúc chiến tranh, người ta mới có dịp nhìn lại quê hương. Từ đó xuất hiện một loạt phim đề tài hậu chiến. Những người đàn ông đối mặt với đời thường trở nên vụng dại. Và hình ảnh những người phụ nữ được tô điểm.

Đi tìm tính đàn ông trong phim Việt - 3

Phim Những người thợ xẻ

Màn ảnh Việt còn thiếu nhiều phim nói về vẻ đẹp đàn ông chân chính. Trong khi đó, giới truyền thông không ngừng quảng cáo cho những mẫu đàn ông mang hương vị nước hoa. Khán giả đang mong chờ những bộ phim làm sâu sắc hơn nữa hình ảnh đàn ông Việt. Một người cha bao dung. Một người chồng quảng đại. Một người tình lãng mạn. Một doanh nhân thông minh quyết đoán. Và một người như chúng ta hằng mong muốn.

Khi công cuộc Đổi mới bắt đầu, trên màn ảnh cũng xuất hiện một số nhân vật đàn ông khá ấn tượng. Đó là Bường (Quốc Trị) trong Những người thợ xẻ của đạo diễn Vương Đức; đó là Chiến (Đơn Dương) trong Canh bạc của Lưu Trọng Ninh. Cả hai câu chuyện đều diễn ra trong rừng núi với những hành động mạnh như cưa cây, xẻ gỗ, phóng xe tải… Song rất tiếc, những người đàn ông này lại nổi bật trong tính cách lừa đảo, buôn lậu, cờ bạc. Và kết cục đáng buồn của hai phim cũng như của các nhân vật chính đều là sự thất bại.

Đi tìm tính đàn ông trong phim Việt - 4

Cảnh trong phim Mùa len trâu

Những năm gần đây, trên màn ảnh dần xuất hiện những nhân vật mang vẻ đẹp đàn ông. Đó là hai người lính Tân và An trong phim Đường thư (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng). Lúc bình thường họ có thể xung đột với nhau, nhưng khi vào trận, họ lại sống chết cùng nhau vì nhiệm vụ. Hoặc như bốn người lính Hoàng, Thành, Thăng và Long trong Mùi cỏ cháy (đạo diễn Nguyễn Hữu Mười). Họ tinh nghịch, hồn nhiên, dũng cảm rồi ra đi đầy tiếc nuối. Đó là những phẩm chất đàn ông trong trận mạc. Nhưng có lẽ, vẻ đẹp của người con trai tên Kìm trong Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh mới lặng thầm tỏa sáng. Từ một chàng thiếu niên bình thường, sau một mùa len trâu, Kìm đã trở thành một người đàn ông có trách nhiệm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phụng Công (Thế giới điện ảnh)
Phim Việt Nam hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN