Đại học xét tuyển sớm giữa những e ngại về 'công bằng'
Các đại học xét tuyển sớm giúp thí sinh nhiều lựa chọn, chủ động, giảm áp lực đè nặng ở kỳ thi tốt nghiệp, nhưng hình thức tuyển sinh này còn các bất cập sẽ được Bộ Giáo dục xem xét tới đây.
Thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ vào tháng 6, xét tuyển dựa trên điểm thi diễn ra sau trung tuần tháng 7. Tuy nhiên đến cuối tháng 3, hàng chục đại học đã nhận hồ sơ xét tuyển với nhiều phương thức như điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế.
Đại học Nguyễn Tất Thành, Quốc tế Hồng Bàng, Kinh tế - Tài chính TP HCM hay Quốc tế Sài Gòn đưa ra điểm học bạ từ 16,5 đến 18. Đại học Thương mại lấy điểm sàn học bạ từ 25. Đại học Ngoại thương yêu cầu điểm trung bình 5 học kỳ của ba môn trong tổ hợp từ 8,5 trở lên.
Cách tính điểm của các trường khác nhau, có trường lấy trung bình 3 kỳ, có trường 5 kỳ; xét theo tổ hợp khối hoặc theo trung bình nhiều môn.
Một số trường như Đại học Gia Định thậm chí đã công bố kết quả đợt một.
Năm học vừa rồi có 214 trên 322, tức hai phần ba tổng số trường đại học, xét tuyển sớm, không dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.
Số thí sinh trúng tuyển sớm là hơn 375.500 em, trong đó sử dụng kết quả này làm nguyện vọng 1 là 147.400, chiếm gần 40%.
Hiện nay các trường đại học được chủ động về thời gian và hình thức tuyển sinh, không bắt buộc phải lấy điểm tốt nghiệp để quyết định đầu vào.
Trưởng phòng Đào tạo của một đại học có tiếng tại Hà Nội, lý giải việc các trường đều tổ chức tuyển sinh sớm: "Theo lý thuyết trò chơi, khi cơ chế cho phép, nếu các trường làm mà mình không làm thì mình bị thiệt và phải theo sau. Vì vậy, trường nào cũng làm".
Theo ông, việc xét tuyển sớm có một số ưu điểm rõ ràng.
Với thí sinh, các phương thức xét tuyển sớm cung cấp thêm nhiều lựa chọn vào đại học.
Về phía trường, đây là cách giúp nhiều trường chủ động nguồn tuyển bởi nếu chỉ dựa vào dữ liệu chung của Bộ, các trường chỉ có thể xét bằng điểm thi tốt nghiệp hay học bạ thay vì khoảng 20 phương thức như hiện nay. Các trường có xu hướng tuyển bằng đa dạng phương thức để tận dụng nhiều nguồn dữ liệu như học bạ, kết quả học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế, phỏng vấn, thi năng khiếu.
"Các trường sẽ chọn được thí sinh giỏi, phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo - điều mà kết quả thi tốt nghiệp dù đáng tin cậy cũng chưa làm được do độ phân hóa chưa tốt", ông nói.
Cùng quan điểm, TS Trịnh Văn Toàn, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Điện lực, cho rằng xét tuyển sớm là chủ trương tốt, có lợi cho thí sinh, tạo tâm lý thoải mái, giảm áp lực thi cử khi không chỉ có một lựa chọn duy nhất dựa vào điểm thi tốt nghiệp. Các trường chủ động tìm kiếm được những thí sinh phù hợp với yêu cầu.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Tuy nhiên, giới quản lý và hội đoàn cũng chỉ ra những bất cập từ xét tuyển sớm.
Vị trưởng phòng đào tạo ở Hà Nội phản đối nếu trường xét tuyển quá sớm như từ tháng 1, bởi lúc đó học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 trong khi kiến thức bậc THPT chủ yếu rơi vào năm học này. Kỳ II lớp 12 cũng là thời gian học sinh tích lũy thành tích để xét tuyển sớm như giải học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế. Vì vậy nếu xét tuyển quá sớm, nguồn dữ liệu có thể không đầy đủ.
TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng phương thức xét sớm hiện nay không đủ sự so sánh đáng tin cậy. Chẳng hạn, dùng học bạ, ông cho cũng là không công bằng bởi chất lượng đào tạo ở trường phổ thông hiện không được kiểm định, kết quả học bạ ở từng trường, địa phương không đạt đến một chuẩn chung.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận các đại học chưa có cơ sở phân tích đối sánh, chưa có cơ sở khoa học khi sử dụng các phương thức xét tuyển sớm.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn hôm 15/3 nêu vấn đề "thiếu công bằng" khi các trường đưa chỉ tiêu xét tuyển sớm, tạo ra độ ảo nhất định, khó có căn cứ để xác minh.
Ông ví dụ trường có 100 chỉ tiêu, ấn định 60 cho xét tuyển sớm nhưng căn cứ nào để đưa ra con số 60 thì không biết. Một tình huống khác là trường chưa dự báo được tỷ lệ ảo, nên dù chỉ có 100 chỉ tiêu, trường công bố xét tuyển sớm 200 để trừ hao. Đến cuối cùng, trường tuyển đủ 100 bằng phương thức sớm, dẫn đến không còn chỉ tiêu cho phương thức khác.
"Đây là hiện tượng rất nhức nhối trong một số năm qua, xuất hiện không chỉ ở một mà rất nhiều trường, dẫn tới có trường số lượng tuyển thực vượt chỉ tiêu rất nhiều", ông Sơn nói. "Các trường được phép tự chủ nhưng không có nghĩa là tự do", ông khẳng định.
Thời gian tới, Bộ sẽ có một một chuyên đề riêng bàn bạc về xét tuyển sớm để có những điều chỉnh từ năm 2025.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều trường đại học top đầu sử dụng phương thức xét học bạ THPT để xét tuyển, nhưng kèm theo nhiều điều kiện như kết quả học tập cũng như giải học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia.