Vẽ đẹp, sinh viên Việt lên tạp chí Mỹ

Sự kiện: Sinh viên

Võ Quốc Vẹn (SN 1994, sinh viên ĐH Công nghệ TPHCM, quê Tiền Giang) được nhiều người biết đến với những bức vẽ truyền thần sắc nét trông như ảnh chụp. Mới đây, Vẹn được Art People, tạp chí nghệ thuật uy tín của Mỹ phỏng vấn và giới thiệu tranh.

Vẽ đẹp, sinh viên Việt lên tạp chí Mỹ - 1

Sinh viên Võ Quốc Vẹn vẽ MC Phan Anh hướng về miền Trung

Trang web của Art People vừa có bài viết giới thiệu tranh của họa sĩ 22 tuổi Võ Quốc Vẹn. Art People giới thiệu về Vẹn: “Chàng trai quê Tiền Giang có năng khiếu vẽ tranh truyền thần bằng màu nước, cafe và bút chì. Võ Quốc Vẹn có niềm đam mê vẽ tranh từ rất nhỏ (7 tuổi). Mặc dù công việc học tập bận rộn, nhưng anh vẫn duy trì đam mê này mỗi khi rảnh rỗi”.

Tranh sắc nét như ảnh

Vẹn chia sẻ: “Mình bất ngờ khi được phóng viên của tạp chí Art People liên lạc phỏng vấn qua Facebook trước khi họ đăng tải thông tin”. Trước đó, Vẹn được đông đảo bạn trẻ biết đến với những bức tranh đủ thể loại. Đặc biệt những bức tranh nửa vẽ, nửa ảnh chất liệu đẹp hút hồn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. 

“Để một bức tranh có hồn, theo Vẹn, tác giả khi cầm bút phải có cảm xúc để có thể truyền vào tác phẩm. Vì thế khi nhìn vào những bức tranh truyền thần, người xem sẽ cảm nhận được không chỉ cảm xúc mà cả tâm hồn người vẽ”. 

Sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM Võ Quốc Vẹn 

Vẹn có sở thích vẽ tranh chân dung. Nhiều bức tranh của họa sĩ 9X này được nhiều báo mạng trong và ngoài nước nhắc tới, như tranh vẽ Hoa hậu Phạm Hương, Hoa hậu Đặng Thu Thảo, ca sỹ Mỹ Tâm, Đông Nhi, Midu… Gần đây nhất là bức tranh MC Phan Anh hướng về miền Trung. Ngoài ra, Vẹn còn vẽ manga, vẽ truyền thần bằng các chất liệu khác nhau như chì, bút bi, chì màu, màu nước... Những bức vẽ của Vẹn đều toát lên được thần thái của nhân vật. Trước đó, nhiều tác phẩm của Vẹn cũng được diễn đàn tranh vẽ đình đám Drawing Pencil của Indonesia giới thiệu với hơn 11 triệu like trên page chia sẻ.

Những bức tranh chân dung của Vẹn ngày càng giống thật và sinh động đến nỗi nhiều người thường nhầm đó là ảnh chụp. “Tôi lấy ý tưởng vẽ tranh từ thật và ảo, nên khi vẽ xong các bức vẽ bằng cách đo đạc cho chính xác, tôi ghép giữa tranh vẽ và ảnh chụp lại với nhau, xem mức độ chính xác của mình vẽ thế nào”, Vẹn nói.

Về con đường bén duyên với hội họa, Vẹn kể: “Vào học đại học, biết đến mạng xã hội cũng là lúc mình biết đến nghệ thuật nhiều hơn. Ban đầu mình gặp khá nhiều khó khăn khi cố tập vẽ và vẽ theo cách riêng, nhưng chính điều đó giúp bản thân định hình phong cách và biết đến khả năng của bản thân nhiều hơn”.

Vẽ đẹp, sinh viên Việt lên tạp chí Mỹ - 2

Họa sĩ tự họa Võ Quốc Vẹn

Nét sáng tạo riêng

Hiện, Vẹn theo học chuyên ngành thiết kế nội thất. Vẹn nói mình mê vẽ tranh từ bé, chưa qua bất kỳ trường lớp nào về hội họa. Kiến thức chủ yếu Vẹn học qua internet như ở các diễn đàn hội họa, trang mạng, youTube… Theo Vẹn, một bức tranh chân dung đẹp, điều cần nhất là phải có cảm xúc cũng như sự tỉ mỉ đến chính xác của người vẽ. Những bức tranh đầu tiên, Vẹn miệt mài học vẽ chì, tập vẽ đôi mắt của những em bé từ  1 đến 3 tuổi. “Mình tập vẽ đôi mắt mất một thời gian khá dài. Bởi khi vẽ được đôi bắt ưng ý, mình mới tự tin để vẽ các bộ phận khác trên cơ thể. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là điểm có khả năng truyền thần cho bức tranh”, Vẹn nói.

Sau gần 4 năm đến với hội họa, Vẹn sở hữu hơn 500 bức vẽ. Trong gần 4 năm học đại học, Vẹn nhận vẽ chân dung, vẽ tường cho khách có nhu cầu. Trung bình mỗi tháng, Vẹn kiếm được từ 3-5 triệu đồng. “Mình thường dành thời gian rỗi về đêm để có thể tập trung vẽ được những thứ mình muốn. Ban đầu mình nhận vẽ thuê để có tiền mua dụng cụ, bút vẽ, giấy. Về sau được nhiều người biết đến nên đông khách hơn”, Vẹn kể.

Ông Trần Vũ Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, cho biết, so với loại hình vẽ tranh truyền thần truyền thống, Võ Quốc Vẹn có những sáng tạo riêng mới, hiện đại. Chàng trai này sử dụng kĩ thuật màu nước khá tốt và cơ bản. Vẹn dùng vết loang của màu nước vào phá hình đi, dùng cà phê vẩy lên tạo màu, hay việc để một nửa ảnh, một nửa tranh rất đáng khen ngợi. Có thể thấy, nếu như trước đây mỹ thuật cổ điển theo xu hướng quan sát thực tế để vẽ thì Vẹn đã biết cách làm khác đi. “Một người trẻ như Quốc Vẹn được ca ngợi trên tạp chí nghệ thuật Art People của Mỹ rất có thể trở thành hiện tượng. Báo chí nước ngoài họ có tiêu chí đánh giá riêng để vinh danh hay xếp loại những tác phẩm nghệ thuật”, ông Hoàng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Lộc (Tiền Phong)
Sinh viên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN