Trường "khoán trắng" chương trình thạc sĩ cho tư nhân, học viên lo ngay ngáy

Sự kiện: Sau đại học

Việc ĐH Tài chính - Marketing “khoán trắng” chương trình thạc sỹ ngành Quản trị Kinh doanh cho một đơn vị tư nhân đào tạo khiến cho hàng trăm học viên chương trình này cảm thấy hoang mang vì không biết bằng cấp này cuối cùng liệu có được công nhận?

Băn khoăn này của học viên cũng là có cơ sở bởi trước đó nhiều chương trình liên kết đào tạo trái phép đã bị Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) không công nhận dẫn đến tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Lo không được công nhận bằng cấp

Theo ghi nhận của Dân Việt, sau khi thông tin chương trình liên kết đào tạo bậc thạc sỹ ngành Quản trị Kinh doanh của Trường ĐH Tài chính - Marketing với ĐH HELP (Malaysia) được Bộ Tài chính kết luận là… “khoán trắng” cho Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính TP.HCM triển khai, nhiều học viên cảm thấy hoang mang vì không biết bắng cấp được công nhận như thế nào.

Trường "khoán trắng" chương trình thạc sĩ cho tư nhân, học viên lo ngay ngáy - 1

Trường ĐH Tài chính - Marketing (Ảnh minh họa)

Theo M, một học viên của chương trình: “Tôi không biết thông tin này, chỉ biết là chương trình được Bộ GD-ĐT cho phép. Nếu sau này Bộ GD-ĐT xác định giáo viên giảng dạy không phải là của ĐH Tài chính - Marketing hoặc ĐH Help mà là của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính TP.HCM thì có công nhận kết quả hay không?”.

Lo lắng của M cũng là của nhiều học viên khác khi biết chương trình này phần lớn là do Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính TP.HCM thực hiện và thụ hưởng tới 85% nguồn thu.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT đối với chương trình này khá “nghiêm”: ứng viên có bằng ĐH, đạt điểm tiếng Anh IELTS 6.0; ngôn ngữ giảng dạy tiếng Anh; giảng viên phải là của ĐH Tài chính - Marketing và ĐH Help có trình độ chuyên môn và năng lực ngoại ngữ đạt yêu cầu; Địa điểm đào tạo tại ĐH Tài chính - Marketing…

Ở một góc độ khác, ngay sau khi Dân Việt phản ánh vụ việc, ông Bùi Đức Tâm, Phó trưởng khoa Tài chính - Marketing của trường đã cung cấp thêm thông tin. Theo ông Tâm: “Tôi và một đồng nghiệp đã tận mắt thấy và đọc được bản hợp đồng ngầm giữa 3 bên. Bản thân tôi thấy vụ việc này rất nghiêm trọng nên đã nhiều lần gửi thư đến lãnh đạo của Bộ Tài chính yêu cầu kiểm tra. Sau này khi bản hợp đồng 3 bên được công bố, tôi thấy có nhiều nội dung được sửa chữa khác hẳn”.

Cụ thể, ông Tâm dẫn chứng: “Trong bản hợp đồng trước tôi đọc được thì nhà trường chỉ nhận 7,5% hoa hồng (học phí trên mỗi đầu sinh viên, trị giá 9.900USD/học viên) chứ không phải là 15% hoa hồng như kết luận của Bộ Tài chính. Ngoài ra, việc “khoán trắng” chương trình cho Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính TP.HCM là hoàn toàn sai và trái ngược với quyết định của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, do chỉ nhận 7,5% là gây tổn thất rất nhiều cho nhà trường cũng giảng viên nhà trường vì không được trực tiếp giảng dạy”.

“Ngoài ra, việc thu học phí bằng ngoại tệ lại do Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính TP.HCM - một đơn vị tư nhân đứng ra phụ trách liệu rằng có vi phạm pháp luật về công tác quản lý tài chính và quản lý ngoại tệ của quốc gia?”, ông Tâm đặt vấn đề.

Bộ GD-ĐT sẽ vào cuộc

Liên quan đến thông tin mà Dân Việt phản ánh, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) đã có ý kiến phản hồi.

Theo ông Vang: “Chúng tôi đã nhận được thông tin và đã yêu cầu Trường ĐH Tài chính - Marketing báo cáo vụ việc. Hiện tại chúng tôi đã có thông tin báo cáo sơ bộ về vụ việc từ phía nhà trường. Thực chất đây là việc làm sai phạm của quyền hiệu trưởng trước đó là ông Lương Minh Cừ và hiện tại nhà trường báo cáo là đang tìm cách khắc phục bằng cách lấy lại chương trình từ phía Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính TP.HCM”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề với ông Vang rằng: Liệu bằng cấp của học viên có bị ảnh hưởng hay không vì thực tế Trường ĐH Tài chính - Marketing “bán cái” chương trình cho Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính TP.HCM mà không tham gia tuyển sinh, giảng dạy… theo như thỏa thuận trên giấy phép với Bộ GD-ĐT thì ông Vang khẳng định: “Chúng tôi sẽ tổ chức đoàn kiểm tra đến trường để tìm hiểu những thông tin này trong thời gian sớm nhất để đảm bảo quyền lợi cho người học”.

“Trước đó tôi cho rằng Trường này cũng đã phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính TP.HCM để triển khai chương trình chứ không nghĩ là trường lại “khoán” cho Viện này thực hiện và lấy về 15% hoa hồng”, ông Vang cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hải (Dân Việt)
Sau đại học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN