Trường học tạm dọc dài biên ải

Bốn phòng học ấy được ngăn cách bằng bốn tấm bảng sơn xanh, không có gì che chắn cho lớp học thành một không gian riêng.

Những tấm hình chụp những ngôi trường tạm bợ dọc dài biên ải sau hàng chục chuyến đi được tôi để vào một folder riêng trên máy tính và đặt tên là “Nợ biên cương”.

Không thể diễn tả hết cảm xúc của chúng tôi khi đến thăm Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Trường có hai lớp 6, hai lớp 7, ba lớp 8 và hai lớp 9. Cũng đã có được vài phòng học tươm tất cho khối lớp 6 và lớp 7, còn phòng học dành cho các lớp khối 8 và 9 chỉ là một dãy dài nhà liên kế, cột kèo bằng tre nứa tạm bợ, trên mái lợp bạt nhựa màu xanh, xung quanh thông thống gió lùa vì phên chỉ là những thanh nứa đập giập che cao ngang tầm bàn học.

Bốn phòng học ấy được ngăn cách bằng bốn tấm bảng sơn xanh, không có gì che chắn cho lớp học thành một không gian riêng. Bởi thế các em học sinh ngồi “phòng” đầu cùng trong giờ học toán vẫn có thể bị rót vào tai những câu thơ của giờ giảng văn vang lên từ phòng học của lớp bên cạnh hay bài địa lý của lớp cuối dãy.

Trường học tạm dọc dài biên ải - 1

Một phòng học của điểm trường xã biên giới Sen Thượng (huyện Mường Nhé, Điện Biên) - Ảnh: L.Đ.D.

Gặp em Lỳ Chìu Pơ cùng các bạn, em nói: “Chúng em học vậy quen rồi”. Các bạn của Pơ như Pờ Sì De, Pờ Sì Mơ cũng cười ngượng nghịu khi tôi hỏi: “Thế mùa đông gió rét lùa buốt vậy làm sao các em có thể học được?”. Lỳ Khờ Mé, cô bé học lớp 8 có vẻ bạo dạn nhất, trả lời: “Cũng quen thôi mà! Nếu lạnh quá lại lấy bạt quây kín lớp che gió!”. “Nhưng mùa đông che như vậy lấy đâu ánh sáng mà học bài?”, em lại trả lời: “Cũng quen rồi mà!”.

Trước khi lên điểm trường ở Sín Thầu này, chúng tôi đã qua nhiều trường học ở Leng Su Sìn. Mấy trường học ở Sín Thầu dù che chắn bằng bạt, nứa nhưng còn có bộ bàn ghế tương đối và tấm bảng sơn xanh đúng “chuẩn”. Ở điểm trường của bản Cà Là Pá, xã biên giới Leng Su Sìn, không lớp nào có bàn ghế đàng hoàng, bảng đen chỉ là mấy tấm ván gỗ được ghép lại, ghế bàn đóng bằng gỗ tạp vá víu.

Chúng tôi hỏi: “Sao ở giữa rừng mà không có nổi gỗ đóng bàn ghế cho học sinh?”, các cô ở trường trả lời: “Nhà báo thử nhìn ra núi đồi xung quanh thì biết!”. Ừ, có thế mà chúng tôi quên mất! Bốn bề núi vây quanh trường đều là... núi trọc, không một cây xanh tỏa bóng... Lỳ Gò Hừ, chủ tịch HĐND xã Leng Su Sìn, đi cùng chúng tôi nói: “Rừng không còn cả củi, nói gì gỗ đóng bàn ghế!”.

Và trên hàng chục điểm trường biên ải này, nếu nhìn thấy những túp lều trọ học của các em học sinh tự dựng lên để ăn, ngủ, sinh hoạt, để có thể theo đuổi sự học sẽ không ai, dù giàu tưởng tượng nhất, có thể hình dung được!

Lên với một ngôi trường biên giới, nghĩ là mình đã đi được khá lắm rồi, nhưng hỏi ra đấy chỉ mới là điểm trường trung tâm, cả xã còn có hàng chục điểm trường khác. Hỏi các điểm trường cách điểm chính bao xa, các thầy không ai trả lời bằng số kilômet, chỉ nói là cách “năm giờ đi bộ”, “bảy giờ đi bộ”. Phải trả lời thế mới chính xác, vì không điểm trường nào ôtô có thể chạy tới. Đôi khi người thành phố nghe vài chục cây số rồi tính toán bằng tốc độ ôtô. Còn ở đây để thuộc mặt chữ, đọc được tờ báo, viết được tên mình, cả thầy và trò đều đi bộ, đi hàng buổi đường rừng cheo leo và hiểm trở, bò qua suối rêu trơn và thú dữ.

Và cũng vì thế mà một cân thép, một bao ximăng, một viên ngói... để lên được đây phải thuê gùi cõng cả chục cây số, nên xây một ngôi trường ấm áp cho các em thì công sức bằng xây vài ngôi trường dưới xuôi. Khó thế, nhưng làm sao có thể an lòng khi nhìn những mái trường của trò, mái ấm của thầy cô... như chúng tôi đã thấy, đã gặp?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Đức Dục (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN