Trẻ hay trì hoãn, lười làm bài tập về nhà, cha mẹ nên làm gì?
Trẻ lề mề, lười học là nỗi trăn trở của nhiều bậc phụ huynh, vậy làm thế nào để giải quyết tình trạng này?
Con bạn có lề mề, đợi mẹ nhắc mới chịu ngồi vào bàn học không? Con bạn có vừa làm bài tập vừa xem TV không? Con bạn có vừa học vừa ngáp, làm có chút bài tập nhưng ngồi cả buổi vẫn chưa làm xong không?
Có lẽ đây là những tình huống thường gặp ở nhiều gia đình có con cái lười học, hay trì hoãn, thiếu ý thức trong việc học. Trước khi giải quyết vấn đề làm thế nào để trẻ trở nên siêng học hơn, cha mẹ cần phải hiểu rõ một số vấn đề.
Trẻ học tiểu học và trung học sẽ có mức độ chủ động trong học tập khác nhau. Nếu để trẻ tiếp tục tình trạng lười học kéo dài cho tới những năm trung học, rất khó để thay đổi khi mọi thứ đã thành thói quen.
Vì thế, ngay từ những năm tháng học tiểu học, cha mẹ cần chịu khó rèn con vào nề nếp và tự ý thức về việc học, có như vậy những tháng ngày về sau sẽ không phải đau đầu về chuyện học của con nữa.
Những vấn đề trong việc học của trẻ khiến cha mẹ phiền lòng
Thông thường, cha mẹ có con cái rơi vào 3 trường hợp sau:
- Trẻ hay trì hoãn.
- Hiệu quả học tập thấp.
- Trẻ không biết ước tính thời gian hoàn thành mỗi bài tập.
Trong một số nguyên nhân gây ra những điều này, ngoài bản thân trẻ thì cha mẹ cần chú ý tới môi trường học, nếu nhà lúc nào cũng ồn ào, rất khó để trẻ có thể tập trung học.
Ví dụ trong một số gia đình có 2 con, bé đầu học tiểu học, bé út học mẫu giáo. Vì bé út còn nhỏ nên thường nghịch ngợm, khóc lóc, gây ồn ào trong nhà, điều này làm ảnh hưởng tới việc học của anh chị mình. Gia đình có nhiều người cũng không thể tránh khỏi việc họ nói chuyện, tán gẫu.
Trong trường hợp này, cha mẹ cần phải có sự thay đổi về môi trường. Mấu chốt của vấn đề là tìm một nơi yên tĩnh, hoặc lựa khung giờ học ít ồn ào nhất để trẻ học. Tùy theo từng gia đình mà có sự sắp xếp thời gian cho phù hợp. Cha mẹ cũng có thể để trẻ có phòng riêng, khóa cửa hoặc dẫn trẻ nhỏ ra ngoài chơi để anh chị học.
Tóm lại, chỉ cần tạo ra môi trường yên tĩnh thích hợp cho trẻ học, chúng sẽ tập trung hơn rất nhiều.
Sau khi có một môi trường thích hợp để học, cha mẹ tiếp tục rèn luyện thói quen tốt trong việc học cho con mình. Những điều sau đây cần được cha mẹ chú ý:
1. Trẻ cần ước tình thời gian hoàn thành mỗi bài tập, sử dụng đồng hồ bấm giờ để xem thử liệu mình có thể làm xong trước giờ hay không. Điều này có thể cải thiện được sự tập trung tốt. Cha mẹ có thể áp dụng phương pháp Pomodoro (phương pháp quả cà chua học 25 phút nghỉ 5 phút) để tăng mức độ tập trung học).
2. Lên kế hoạch học tập trước, xem trước bài giảng trong sách giáo khoa. Đối với bài tập về nhà, nên làm bài dễ trước khó sau để không bị nản chí.
3. Điều chỉnh kế hoạch học phù hợp theo tình hình, khi nào nên ưu tiên việc học Toán hơn là tiếng Anh.
4. Cha hoặc mẹ luôn đồng hành bên cạnh con trong quá trình học. Trong giai đoạn con học tập, cha mẹ không được dùng điện thoại, thay vào đó là đọc sách và giải đáp thắc mắc khi con cần.
5. Cuối tuần cũng cần phải học, trẻ hoàn thành một nửa bài tập vào tối thứ 6, sáng thứ 7 chơi, tối thứ 7 làm nốt và chủ nhật chơi cả ngày.
6. Sau khi trẻ làm xong việc của mình, hãy để chúng làm những điều bản thân thích, dù có đọc truyện tranh cha mẹ cũng không can thiệp.
Học tập là một quá trình phản chiếu, rất khó để trẻ học một mình. Cha mẹ không chỉ kèm con học mà còn nên là tấm gương để con cái noi theo. Vai trò của cha mẹ là đồng hành, làm gương và cùng thảo luận giải quyết các vấn đề với con mình.
Trong giai đoạn tiểu học, cha mẹ không nên đề cao vai trò chỉ huy của mình mà cần quan tâm tới cảm xúc của trẻ nhiều hơn. Đừng buộc tội con cái về mặt đạo đức và coi thường về mặt trí tuệ. Như Albert Einstein từng nói: “Đừng đánh giá con cá bằng khả năng leo cây”, khi đánh giá khả năng của bất cứ ai, đặc biệt là trẻ con.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tre-hay-tri-hoan-luoi-lam-bai-tap-ve-nha-cha-me-nen-lam-gi-d566633.h...
Việc cha mẹ giao tiếp với con cái rất quan trọng nhưng cũng cần phải biết cách nói chuyện để đạt được hiệu quả cao nhất.