Tranh chấp quyền tác giả giáo trình

TS Nguyễn Văn Tiến, nguyên giảng viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, vừa tố trường này vi phạm bản quyền đối với cuốn giáo trình Thủ tục hải quan mà ông là đồng tác giả.

Giáo trình Thủ tục hải quan đã được Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, đồng thời là chủ sở hữu ngày 13-9-2011. Tuy nhiên, năm 2013, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại tái bản giáo trình này, bán cho sinh viên mà không có ý kiến của tác giả là chủ sở hữu. TS Nguyễn Văn Tiến, đồng tác giả giáo trình, cho rằng việc làm của Trường CĐ Kinh tế đối ngoại không những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn ảnh hưởng tới uy tín khoa học của ông vì giáo trình có một số nội dung cần bổ sung, chỉnh sửa.

Tác giả và trường đều giành quyền sở hữu

TS Lê Phú Hào - Trưởng Phòng Quản lý khoa học và Nghiên cứu phát triển, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại - khẳng định tác giả chỉ có quyền sở hữu trí tuệ, còn chủ sở hữu quyền tác giả thuộc về trường. Bởi lẽ, trên cuốn giáo trình vẫn ghi tên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại; giáo trình là sản phẩm khoa học được trường tài trợ nghiên cứu, tác giả hưởng 50% lợi nhuận xuất bản.

Tranh chấp quyền tác giả giáo trình - 1

Giáo trình mà TS Nguyễn Văn Tiến cho là Trường CĐ Kinh tế đối ngoại đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi tái bản mà không xin phép tác giả

Dẫn điều 23 về quyền lợi và kinh phí hoạt động nghiên cứu khoa học được ghi trong Quy chế Hoạt động nghiên cứu khoa học Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, TS Hào nhấn mạnh: “Kết quả, sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chủ đề tài theo Luật Sở hữu trí tuệ của pháp luật Việt Nam. Trường được quyền sử dụng kết quả, sản phẩm của các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho lợi ích chung của toàn trường”.

Ông Hào cũng cho biết nếu tác giả là chủ sở hữu thì không thể có tên trường ghi trên giáo trình và khi đó, giáo trình khó mà bán được. Về việc có những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung thì tác giả có trách nhiệm thông báo, thực hiện.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Tiến cho rằng nghiên cứu khoa học là nghĩa vụ của bất kỳ giảng viên nào để được đánh giá là hoàn thành nghĩa vụ. Sản phẩm có thể là giáo trình hoặc bài báo được đăng trên tạp chí khoa học uy tín... Trong những trường hợp này, không thể nói bài báo thuộc sở hữu của trường. Đối với giáo trình Thủ tục hải quan, đây không phải là sản phẩm khoa học được thực hiện theo đơn đặt hàng của trường nên không thuộc quyền sở hữu của trường.

TS Tiến cho biết cách đây vài ngày, trường có gọi điện thoại thông báo ông lên lãnh nhuận bút 800.000 đồng.

Nhà trường mới có quyền xuất bản giáo trình

TS Lê Thị Nam Giang - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ Trường ĐH Luật TP HCM, Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ TP - cho rằng vấn đề cốt lõi nhất để giải quyết tình huống này là phải xác định được ai là chủ sở hữu quyền tác giả đối với giáo trình Thủ tục hải quan.

Theo TS Giang, điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định các quyền sao chép tác phẩm (trong trường hợp này là tái bản tác phẩm), phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. Có hai tình huống có thể xảy ra trong trường hợp này. Thứ nhất, nếu các tác giả - TS Nguyễn Văn Tiến, ThS Nguyễn Viết Bằng - viết giáo trình theo nhiệm vụ mà Trường CĐ Kinh tế đối ngoại giao hoặc giữa nhà trường và các tác giả có giao kết hợp đồng về sáng tạo tác phẩm, nếu không có thỏa thuận khác giữa các bên thì theo điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ, nhà trường là chủ sở hữu quyền tác giả. Do đó, chỉ nhà trường mới có quyền tái bản, phân phối tác phẩm, còn các tác giả chỉ được hưởng quyền nhân thân không gắn liền với tài sản. Trong trường hợp này, nhà trường không vi phạm các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Ngược lại, các tác giả là người vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ nếu không được sự đồng ý của nhà trường mà đăng ký quyền tác giả với tư cách chủ sở hữu. Nhà trường có quyền yêu cầu Cục Bản quyền hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Thứ hai, nếu các tác giả tự viết giáo trình, không theo nhiệm vụ được trường giao, cũng không có hợp đồng với nhà trường thì họ đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Trong trường hợp này, nhà trường đã có hành vi vi phạm quyền tác giả. Song, trong tình huống này thì bản thân các tác giả cũng không đúng khi sử dụng tên của nhà trường trên trang bìa, làm người đọc ngộ nhận đây là giáo trình do nhà trường xuất bản.

Theo quan điểm cá nhân, TS Giang cho rằng nếu đã là giáo trình thì chỉ nhà trường mới có quyền xuất bản. Còn sách của cá nhân thì không nên xem là giáo trình.

Cần có văn bản rõ ràng

TS Lê Thị Nam Giang cho biết tranh chấp về quyền tác giả giáo trình trong các trường ĐH đang có xu hướng gia tăng khi mà các tác giả cũng như cơ sở giáo dục ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bản quyền.

Giải pháp tốt nhất để có sự rõ ràng hơn là các trường ĐH, CĐ nên ban hành quy chế về quản lý tài sản trí tuệ trong cơ sở đào tạo của mình. Trong đó, phải xác định được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được tạo ra trong hoạt động của nhà trường - không chỉ với tác phẩm do giảng viên tạo ra mà cả tác phẩm của người học, không chỉ đối với giáo trình mà còn đối với hệ thống các bài tham luận hội thảo, bài đăng tạp chí của nhà trường, các công trình nghiên cứu khoa học... Cũng cần quy định về việc phân chia lợi nhuận nói riêng, về quyền và nghĩa vụ của nhà trường, giảng viên, người học trong việc sử dụng các tác phẩm này.

Nếu chưa ban hành được quy chế này thì trước mắt, khi giao nhiệm vụ viết giáo trình hay thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, nhà trường cần có văn bản rõ ràng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lâm/Người lao động ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN