Top 3 điểm cao vào ĐH Y Hà Nội bị buộc thôi học

Top 3 thí sinh có điểm thi vào ĐH Y Hà Nội là người Sơn La được nâng 15,3 điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018. Thông báo chính thức của ĐH Y Hà Nội, sau khi nhận được kết quả của Sở GD&ĐT Sơn La gửi xuống, trường đã chính thức có căn cứ để buộc thôi học sinh viên này.

Top 3 điểm cao vào ĐH Y Hà Nội bị buộc thôi học - 1

Cuộc gặp gỡ báo chí lúc nửa đêm của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT tại Sơn La những ngày trung tuần tháng 7/2018. Ảnh: Nghiêm Huê

Thí sinh V.H.L đỗ Y đa khoa điểm cao chót vót thứ 3 toàn trường với 28,4 điểm. Trong đó, điểm thi môn Toán là 9.4 điểm, môn Hóa học là 9.5 điểm và môn Sinh học là 9.5 điểm. Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT vừa qua, điểm lần lượt của sinh viên này là Toán 5.6 điểm, Hóa 3.4 điểm, Sinh 4 điểm. Như vậy, sinh viên này được tăng khống 15,3 điểm. Trong đó, môn được tăng nhiều nhất là Hóa học, 6,1 điểm.

Sau khi nhận được thông tin chính thức từ các Sở GD&ĐT Hòa Bình, Sơn La, hội đồng tuyển sinh của trường đã họp và đi đến quyết định buộc thôi học 2 sinh viên năm thứ nhất, do có điểm thi thẩm định thấp, không đạt điểm chuẩn trúng tuyển vào trường. Ngoài V.H.L thì một sinh viên khác của Sơn La đã trúng tuyển vào ngành Y đa khoa, phân hiệu Thanh Hóa của ĐH Y Hà Nội đã bị buộc thôi học. Đó là sinh viên duy nhất của Sơn La trúng tuyển vào Y đa khoa của phân hiệu này. 

Như vậy, có ba sinh viên học Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội đã bị loại khỏi “cuộc chơi” do gian lận thi cử, trong đó có 2 sinh viên đến từ Sơn La và 1 sinh viên đến từ Hòa Bình.

ĐH Thương mại cho biết, sau khi trường gửi công văn, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã có công văn trả lời. Kết quả có 1 thí sinh của Hòa Bình đã trúng tuyển vào ĐH Thương Mại năm 2018, nhưng kết quả thẩm định thì thí sinh này không đủ điểm trúng tuyển vào trường.

Còn tại trường ĐH Ngoại thương, lãnh đạo phòng Đào tạo cho biết, trong số 3 sinh viên Hòa Bình trúng tuyển do nâng điểm thì có 2 sinh viên khi trả về điểm thực không đủ điểm đỗ. Chính vì vậy, 2 sinh viên này sẽ bị buộc thôi học và thu hồi quyết định trúng tuyển trước đó. Còn 1 sinh viên khi trả về điểm thực vẫn đủ điểm trúng tuyển nên được học bình thường.

“Cần hủy kết quả thi đối với những thí sinh gian lận”

Liên quan trực tiếp đến các thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều ý kiến không đồng tình với cách xử lý hiện nay. TS Đỗ Ngọc Quyên cho rằng, vụ gian lận điểm thi này để phân minh rạch ròi về tư duy quản lý và pháp luật thì có 3 nội dung cần giải quyết.

Thứ nhất, trả về điểm thật cho thí sinh như trước khi chưa sửa. Và phải khẳng định đây là gian lận và vi phạm quy chế thi.

Thứ hai, bất kể điểm thật là bao nhiêu, nhưng vì gian lận nên Hội đồng thi quốc gia cần hủy kết quả thi, dẫn đến hủy công nhận tốt nghiệp. Thứ ba, bất kể điểm thật để xét tuyển sinh ĐH là bao nhiêu, các trường ĐH  cần hủy kết quả tuyển sinh đối với thí sinh trong trường hợp này.

Tuy nhiên, TS. Ngọc Quyên cũng đưa ra những “kịch bản” có thể xảy ra hiện nay. Trong đó có việc sinh viên bị hủy kết quả và đuổi học tâm phục khẩu phục vì họ (sinh viên, phụ huynh, người liên quan) thực sự đã có gian lận (có sinh viên đã tự xin thôi học trước khi bị đuổi).

Còn nếu sinh viên bị đuổi học cho rằng mình bị oan do họ không gian lận. Trong trường hợp này họ có quyền kháng cáo, khiếu nại... và tất cả các tuyên bố như “tôi/con tôi bị hãm hại bằng cách sửa điểm” đều phải được điều tra và có kết luận điều tra của cơ quan chức năng. Nhà trường không làm việc này. Khi có kết quả điều tra, thí sinh có thể mang kết quả đến trường, đề nghị trường xem xét, xử lý... Lúc này là trách nhiệm của trường, cần đưa ra quyết định cho học tiếp hay không.

Trong thời gian điều tra, có thể trường vẫn cho sinh viên dính cáo buộc theo học tạm thời, cho đến lúc có kết quả điều tra.

“Tất cả các trường hợp điểm thật đạt điểm chuẩn cũng không thể nghiễm nhiên được coi là không có gian lận hay loại trừ động cơ gian lận. Tất cả các lập luận “tôi bị sửa điểm với mục đích hãm hại” khi chưa có kết luận điều tra đều chỉ là thuyết âm mưu, và không thể là căn cứ để trường cho tiếp tục theo học.” - TS. Quyên nêu quan điểm.

Trong khi đó, về phía Bộ GD&ĐT, đại diện của Bộ khẳng định, những thí sinh gian lận điểm thi vừa qua, có thí sinh dễ dàng bị buộc thôi học nhưng cũng có thí sinh khó xử lý và chưa có phương án xử lý ngay. Đó là những thí sinh khi trả về điểm thực vẫn đủ điều kiện điểm trúng tuyển vào trường ĐH đang theo học, hay những thí sinh không dùng tổ hợp được nâng để xét tuyển.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, sở dĩ đến giờ Bộ và các trường đều loay hoay với việc xử lý là do quy chế không có điều khoản quy định xử lý vi phạm ở khâu chấm thi. Các vi phạm mà Bộ đưa ra để xử lý đều nằm ở khâu tổ chức thi và đều là “phạt trực tiếp”. Chính vì thế, những thí sinh được nâng điểm ở khâu chấm thi không có điều khoản nào trong quy chế thi THPT quốc gia 2018 quy định.

Chỉ có duy nhất một chiếc phao có thể “bám vào” để xử lý, đó là chấm thẩm định và trả kết quả thực cho thí sinh. Ngoài ra, hiện không có bất cứ một chế tài nào để xử lý thí sinh gian lận điểm thi.

Lộ diện thí sinh Hoà Bình 'gian lận' đỗ ĐH Thương mại, Ngoại thương

Theo thông tin phóng viên nhận được thì tại trường ĐH Thương Mại và trường ĐH Ngoại thương có thí sinh được nâng điểm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Gian lận thi cử ở Hà Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN