Tiết lộ bất ngờ về cách dùng tài liệu của sinh viên

Sự kiện: Giáo dục

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Đại học Thương mại với trên 100 sinh viên về nhu cầu học và tình hình sử dụng tài liệu, kết quả thu được khá bất ngờ.

Tiết lộ bất ngờ về cách dùng tài liệu của sinh viên - 1

Giáo trình, tài liệu photo tràn lan tại các tiệm photocopy.

Tại hội thảo quốc gia về đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo ĐH trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm do trường ĐH Thương mại tổ chức hôm qua, 28/2, TS. Phạm Anh Tuấn, giảng viên của trường đã đưa ra kết quả nghiên cứu khá thú vị liên quan đến nhu cầu và tình hình học, sử dụng tài liệu của sinh viên.

'Lười' tìm tài liệu

Theo TS. Phạm Anh Tuấn, cuộc khảo sát được tiến hành thực hiện với 150 sinh viên, kết quả thu được 105 phiếu. Kết quả cho thấy có tới 80% sinh viên chỉ bắt đầu tìm kiếm tài liệu vào buổi học sau đó. Thậm chí, tỷ lệ học mà không quan tâm học liệu cho tới giữa môn học lên tới 31.4 %, trong đó có tới 6.6% sinh viên trả lời rằng họ chỉ tìm kiếm học liệu trước khi thi hết học phần.

Kết quả cũng cho thấy 75,2% sinh viên được hỏi cho biết chủ yếu phụ thuộc vào các giảng viên trong việc tìm nguồn tài liệu. Nguồn tài liệu thứ hai được sinh viên chú trọng là từ internet. 

Về nguyên nhân dẫn tới việc sinh viên ưu tiên sử dụng các sách, giáo trình tài liệu photo hơn là mua hoặc thuê các bản in chính thống, có bản quyền,  theo TS. Phạm Anh Tuấn, số đông sinh viên không hề có ý thức ảnh hưởng về vấn đề sở hữu trí tuệ hay các chuẩn mực đạo đức. 

Sách photo giá rẻ, tội gì dùng sách gốc!

“Phần lớn sinh viên được hỏi đã chia sẻ thẳng thắn về  lý do họ thích sử dụng tài liệu photo đó là sự so sánh về chi phí bỏ ra” – TS. Phạm Anh Tuấn nói.  

Chỉ có chưa tới 8% cho biết nguyên nhân là do không có giáo trình, tài liệu in chính thống. 12% bị hấp dẫn do sự tiện dụng dễ mang theo của các tài liệu photo thu nhỏ, gần 1/3 sinh viên trả lời việc sử dụng tài liệu photo là do thói quen, hơn 50% sinh viên cho rằng chính việc ngại đi tìm tài liệu chính thống trong khi tài liệu photo lại quá nhiều, quá dễ tiếp cận (ngay tại khu vực cổng trường và lân cận) đã dẫn họ tới các cửa hàng photo thay vì lên thư viện.

Hơn 50% sinh viên cho rằng chính việc ngại đi tìm tài liệu chính thống trong khi tài liệu photo lại quá nhiều, quá dễ tiếp cận ngay tại khu vực cổng trường và lân cận đã dẫn họ tới các cửa hàng photo thay vì lên thư viện.

TS. Phạm Anh Tuấn

Một cuộc khảo sát của phóng viên gần đây ở các điểm photocopy gần các trường đại học như Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, Đại học Công nghiệp TPHCM, Đại học Nguyễn Tất Thành, làng Đại học Quốc gia TPHCM... cũng cho thấy, có rất nhiều sách giáo trình photo được bày bán hoặc cửa hàng sẵn sàng photo bất kỳ sách nào mà sinh viên có nhu cầu...

Các cơ sở photocopy cũng cho hay họ không bị kiểm tra hay phạt. Vì thế, nhiều tiệm mọc lên trong khuôn viên khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM. Nhiều cơ sở nằm trong khuôn viên trường đại học hay ký túc xá cũng thoải mái photo giáo trình cho sinh viên khi có yêu cầu.

Trong khi đó, quanh khu vực quận Cầu Giấy - nơi tập trung nhiều trường Đại học - Cao đẳng và Học viện tại Hà Nội có tới hàng chục cửa hàng photocopy nằm san sát nhau. Ở đây, sách photo có rất nhiều loại nhưng chủ yếu là giáo trình và sách chuyên ngành. Sách photocopy được tính giá theo số lượng trang sách. 

Theo đó, sách sẽ có giá trung bình từ 300 - 500 đồng/trang khổ A4. Bởi vậy, giá sách sao chép luôn rẻ hơn giá sách gốc rất nhiều lần. Thậm chí, những cuốn sách chung về lý luận và cơ sở ngành được photo copy sẵn, chất thành đống, bày bán một cách công khai. 

Nếu như một cuốn sách gốc dày cả trăm trang với giá thành nhà xuất bản bán ra khoảng 60.000 đồng/quyển, nếu photo copy với số lượng nhiều (cho cả một lớp hoặc khóa) giá thành sẽ giảm đi gấp 3, nghĩa là chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng/quyển, tùy cửa hàng. 

Qua cuộc khảo sát, TS. Phạm Anh Tuấn cho hay có tới 88,6% sinh viên trả lời chấp nhận chi trả gói dịch vụ cung cấp học liệu chính thức, chính thống nếu mức giá giao động từ 20.000đ đến 35.000đ cho một học phần. Mức giá từ 35.000đ – 50.000đ có 53.3% sinh viên chấp nhận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN