Tiếng trống, tiếng kẻng gọi chữ

Vào mỗi buổi tối, đúng 19 giờ, những tiếng trống, tiếng kẻng vang lên ở nhiều vùng quê để nhắc nhở con em tự học bài ở nhà.

Đi vào nền nếp

Đồng hồ điểm 19 giờ, ông Trần Đình Mến ở khu phố 7, thị trấn Gio Linh (Quảng Trị) vung tay đánh liền 3 hồi, 3 tiếng trống báo hiệu cho lớp trẻ trong khu phố ngồi vào bàn học tại nhà. “Bây giờ bọn trẻ đã ngồi vào bàn học hết rồi đó, chúng nó mà nghe tiếng trống của tôi y như là bộ đội nghe quân lệnh vậy…” - ông Mến kể với chúng tôi. Nghe mãi thành thói quen, trẻ ở đây tùy độ tuổi ngồi tự học khoảng 1-2 giờ đồng hồ. Tuy thời gian không nhiều nhưng diễn ra đều đặn nên thành tích học tập của trẻ rất tiến bộ.

Tiếng trống, tiếng kẻng gọi chữ - 1

Sau khi nghe tiếng trống, học sinh ở khu phố 7, thị trấn Gio Linh, Quảng Trị bắt đầu buổi học tại nhà.

Cách “gọi học” tại làng Gia Môn, xã Gio Phong, huyện Gio Linh cũng diễn ra tương tự, nhưng chỉ khác là thay trống bằng kẻng. Người tình nguyện làm công việc “gọi học” trong thôn là bà Lê Thị Huyên, năm nay 61 tuổi.

“Mặc dầu công việc gia đình, đồng áng rất bận rộn, nhưng bỏ một chút thời gian để gọi các cháu vào học đúng giờ là tui mừng lắm”. Tiếng kẻng mới vang lên ở thôn Gia Môn 2 năm nay nhưng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong sự học. Toàn thôn có gần 100 em học sinh thì trên 60 em đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến.

“So với những năm trước thì 2 năm trở lại đây tỷ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng cũng như tỷ lệ học sinh khá giỏi trong thôn tăng lên rất nhiều. Những người đánh trống, kẻng khuyến học như tui cũng thấy rất mừng”- bà Huyên nói.

14 năm có tiếng kẻng

Đó là “tiếng kẻng học bài” ở xã Chiến Thắng (An Lão, Hải Phòng), được duy trì từ năm 1999 đến nay. Thôn nào cũng có kẻng báo giờ học bài vào lúc 19 giờ và đã trở thành một hiệu lệnh quen thuộc không thể thiếu được trong nếp sinh hoạt của bọn trẻ.

“Tiếng trống khuyến học” qua một thời gian triển khai đã tạo được chuyển biến tích cực, ý thức tự giác học tập ở nhà của các em học sinh được nâng cao”.

Ông Ngô Thanh Hải - Trưởng phòng Giáo dục huyện Gio Linh

Em Nguyễn Thị Dịu – lớp 7, cho biết: “Trừ thứ 7, Chủ nhật, còn thì ngày nào cũng như ngày nào cứ nghe tiếng kẻng là chúng cháu tự giác học bài. Bố mẹ cháu đi làm xa rất yên tâm khi thấy con cháu học hành chăm chỉ”.

Việc chấp hành hiệu lệnh ở đây cũng có “chế tài”. Nếu phát hiện em nào không chấp hành học 3 lần liên tiếp sẽ bị phê bình trên hệ thống loa truyền thanh của xã.

Hội Khuyến học xã phân công hội viên đi kiểm tra, nhà nào mở ti vi, không có bàn ghế cho con học tập đều bị thôn nhắc nhở. Thấy được hiệu quả của phong trào “tiếng kẻng học tập” nên phụ huynh nào cũng tự nguyện hưởng ứng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vĩnh Định - Bùi Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN