Thi tốt nghiệp THPT: Tăng tiết, ráo riết dò bài

Xác định việc tự học của học sinh rất quan trọng nên Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các trường THPT liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để theo dõi sát sao việc học của con.

“Quan điểm của sở là không nhồi nhét kiến thức mà tập trung hướng dẫn học sinh học ngay từ đầu năm, tổ chức ôn thi hiệu quả và tránh gây áp lực cho học sinh”- ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho phóng viên biết như vậy.

Ôn đúng đối tượng, đúng trình độ

Ông Nguyễn Tánh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn), cho biết ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp, nhà trường đã chủ động tăng 1 tiết/tuần đối với các môn thi. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên ôn tập đúng đối tượng, đúng trình độ. Từng lớp sẽ có các chương trình ôn tập khác nhau, do giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các giáo viên bộ môn linh hoạt xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể.

Theo ông Phan Khôi, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang), do trường tuyển sinh đầu vào thấp lại nằm ở địa bàn kinh tế khó khăn nên nhà trường thường xuyên theo dõi sát sao học sinh lớp 12. Sau khi biết cụ thể các môn thi, nhà trường đã tăng cường phụ đạo mỗi tuần một buổi cho học sinh. Ngoài ra, trường còn tổ chức ôn tập vào ban đêm cho học sinh nội trú. Một biện pháp nữa mà ông Khôi chia sẻ là tăng cường dò bài vào đầu mỗi tiết học nhằm giúp học sinh ý thức việc tự học ở nhà, nắm vững kiến thức của bài học.

Tại Trường THPT Ngô Quyền (quận Sơn Trà), trường có đầu vào thấp nhất TP Đà Nẵng, nhà trường cũng lên kế hoạch ôn thi cho học sinh rất kỹ. Ông Nguyễn Thanh Phương, hiệu trưởng, cho biết từ tuần thứ 32, trường bắt đầu ôn thi và mỗi lớp tăng từ 10-13 tiết tùy theo phân ban. Trong khi ôn, trường cũng chỉ đạo giáo viên tăng cường dò bài ở các môn văn, sử, địa và giải bài tập ở các môn tự nhiên. Ban giám hiệu cũng như các tổ trưởng có môn thi tổ chức dự giờ thường xuyên để kiểm tra việc giảng dạy của giáo viên.

Khuyến khích tự học

Theo ông Nguyễn Minh Hùng, năm học 2010-2011, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của TP Đà Nẵng là 96,7%. Năm nay, xác định việc tự học của học sinh rất quan trọng nên sở đã chỉ đạo các trường THPT liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để theo dõi sát sao việc học của con.

Thi tốt nghiệp THPT: Tăng tiết, ráo riết dò bài - 1

Học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền (TP Đà Nẵng) trong giờ ôn tập tại trường

Cụ thể, Trường THPT Ngũ Hành Sơn đã tổ chức họp phụ huynh học sinh ngay sau khi công bố môn thi. Trong cuộc họp, nhà trường cung cấp lịch học cho phụ huynh, đồng thời kêu gọi hợp tác với nhà trường thường xuyên kiểm tra việc học của con. Đối với những học sinh bỏ học ôn thi, trường sẽ báo cho phụ huynh để có biện pháp kịp thời.

Ở các trường THPT Ngô Quyền, Phạm Phú Thứ cũng chủ động cho giáo viên liên hệ thường xuyên với phụ huynh. Theo lãnh đạo nhiều trường, biện pháp này vừa giúp nhà trường nhẹ gánh hơn trong việc quản lý học sinh vừa có thể theo dõi kỹ từng trường hợp. Trường THPT Ngô Quyền trong cuộc họp với phụ huynh cũng đưa ra kế hoạch ôn thi, đề cương ôn thi để phụ huynh nắm và nhắc nhở học sinh tự học. Mô hình “đôi bạn cùng tiến” cũng được nhiều trường áp dụng.

Ông Nguyễn Tánh chia sẻ rằng trong quá trình ôn thi, giáo viên sẽ phân nhóm học sinh. Mỗi nhóm thường gồm 4 học sinh, trong đó có 2 học sinh khá trở lên kèm cặp 2 học sinh học lực yếu, dưới sự hỗ trợ của giáo viên. Mô hình nhóm này vừa chủ động được việc học tập ngay tại lớp và cả ngoài giờ học. “Các em cũng tự dò bài cho nhau và trao đổi bài, giúp đỡ nhau để cùng có được kết quả thi tốt nhất” - ông Tánh cho hay.

Không thi thử

Năm nay, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng không tổ chức thi thử theo quy mô toàn TP mà để các trường tự chủ. Ông Nguyễn Minh Hùng nói việc thi thử vừa tốn kém lại gây áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, đối với học sinh yếu, thi thử sẽ giúp các em làm quen với dạng đề và hình thức thi. Vì vậy, trong lần kiểm tra học kỳ II, sở đã ra đề thi đối với các môn thi tốt nghiệp và tổ chức chấm các môn trắc nghiệm bằng máy ngay tại sở. Sau đó, sở tổng hợp kết quả gửi về từng trường, đặc biệt sẽ chú trọng vào những sai sót nhằm giúp học sinh rút kinh nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bích Vân ([Tên nguồn])
Thi tốt nghiệp THPT 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN