Thi THPT quốc gia: Cải tiến thế nào?

Sau các vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào để bịt những lỗ hổng của kỳ thi THPT quốc gia

Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, cho rằng không thể bỏ thi tốt nghiệp THPT nhưng cần đơn giản kỳ thi này để tập trung cho 1 kỳ thi ĐH.

Địa phương chỉ nên coi thi

Theo bà Bùi Thị An, đã học là phải thi, các em học hết 12 năm thì phải thi để đánh giá kiến thức, tổng kết lại quá trình học tập. Còn tổ chức thi như thế nào, đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

"Làm sao để bảo mật, công bằng, minh bạch, ra đề thi phải đúng mức độ. Bộ GD-ĐT phân cấp cho ai là việc của bộ nhưng bộ phải chịu trách nhiệm chính trước Đảng, trước Chính phủ, trước nhân dân" - bà An nói.

Chuyên gia này nhấn mạnh nếu làm tốt kỳ thi tốt nghiệp thì vẫn có thể xem xét lấy điểm vào ĐH. Còn chuyện các trường ĐH muốn chọn lọc thêm thì có thể tổ chức thi cụm. Tuy nhiên, nếu chúng ta lựa chọn con người tốt và sử dụng camera giám sát coi thi, chấm thi thì có thể hạn chế được rất nhiều tiêu cực.

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu 2 trong 1 là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. "Khoảng 500 trường ĐH, CĐ không thể tổ chức 500 cuộc thi, rất tốn kém và không an toàn cho thí sinh cũng như cho các phụ huynh đi thi cùng" - GS Dũng nói.

Ông Dũng cho rằng mục đích tốt nhưng cách làm thì chưa tốt, vẫn còn sơ hở trong đề thi và quản lý công nghệ. Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT từ sang năm trở đi không để lặp lại những "lỗ hổng" như vừa qua. Việc khắc phục bằng biện pháp là phải có những người phản biện đầy đủ về đề thi. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT không để các địa phương chấm thi nữa và dùng cáp quang chuyển toàn bộ dữ liệu bài thi về bộ chấm. Kể cả các bài thi tự luận cũng có thể quét được…

"Tóm lại, các địa phương chỉ coi thi, không chấm thi, như vậy thì sơ hở rất khó xảy ra và sẽ khách quan hơn" - GS Dũng nhấn mạnh.

Bộ chủ trì chấm thi trắc nghiệm

Thạc sĩ Trương Tiến Sỹ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng kỳ thi THPT quốc gia trong 2 năm đầu thực hiện tốt, nghiêm túc bởi trường ĐH chủ trì ở các khâu và địa phương chỉ tham gia với vai trò phối hợp tổ chức.

Nếu trong 2 năm tới không quay về cách làm như 2 năm đầu thì trường ĐH bắt buộc phải chủ trì ở khâu quản lý đề thi, tổ chức thi, chấm thi. Sở GD-ĐT địa phương chỉ tham gia chủ trì ở khâu cơ sở vật chất, cử giáo viên tham gia coi thi; tuyệt đối không được tiếp cận với đề thi, bài thi của thí sinh. Việc chấm thi có thể giao về cho các trường ĐH hoặc lập các trung tâm chấm thi. Ở những khâu quan trọng đó, sở không tham gia thì không thể có tiêu cực xảy ra.

Dưới góc độ chuyên môn, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm, cho rằng để kỳ thi THPT quốc gia an toàn hơn, cần làm tốt nhiều nội dung. Cụ thể, về công tác tổ chức hội đồng thi, địa phương vẫn chủ trì, trường ĐH sẽ làm trưởng ban coi thi, kinh phí tổ chức vẫn do địa phương chịu trách nhiệm. Bộ hỗ trợ kinh phí để các trường ĐH đi làm nhiệm vụ.

Về công tác coi thi, trường ĐH đảm nhận vai trò điểm trưởng, điểm phó chuyên môn, thư ký và cán bộ giám sát. Điểm phó cơ sở vật chất, hậu cần và cán bộ coi thi do địa phương bố trí. Công tác in sao đề thi sẽ tổ chức tập trung như thời kỳ thi ba chung hoặc như năm 2015. Lực lượng công an hỗ trợ trường ĐH bảo quản đề thi và vận chuyển về các điểm thi.

Ông Sơn góp ý bài tự luận sẽ được chạy phách theo phần mềm. Cách chạy phách sẽ do bộ quyết định riêng cho từng địa phương và tổ chức theo hình thức tách bạch tổ dồn túi và tổ ghi phách, đồng thời file mã phách cần bảo mật bằng cách ghi nhận việc truy cập hoặc đặt mã để giao quyền truy cập cho người duy nhất. Sau khi chấm xong, sở GD-ĐT sẽ nhận điểm trắc nghiệm và ghép tự luận để công bố. 

Về chấm thi, cần tổ chức chấm trắc nghiệm tập trung tại các điểm do bộ chỉ định. Bộ sẽ triệu tập cán bộ từ các trường ĐH hoặc sở GD-ĐT để làm nhiệm vụ. Sau khi thi xong, bài thi được bàn giao về các đơn vị chấm này.

Điểm chung kỳ lạ giữa gian lận điểm Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình

Trước khi bị phát hiện gian lận trong thi cử, cả ba lãnh đạo ngành giáo dục của Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đều khẳng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh - Huy Lân ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN