Thi lớp 10: Bám sát sách giáo khoa

Trước những đổi mới của đề thi vào lớp 10 tại TP HCM năm nay, nhiều thầy cô lưu ý học sinh cần bám sát sách giáo khoa và rèn luyện các kỹ năng khi tiếp cận đề.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM khẳng định đề thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ. Trong đó, những câu hỏi mở, sử dụng kiến thức vận dụng vào thực tiễn được tăng cường. Trong 3 môn, môn tiếng Anh sẽ tăng cường phần từ vựng, không còn đặt nặng ngữ pháp. Môn văn sẽ có mức độ khó, dễ ở từng câu hỏi. Môn toán sẽ tiếp tục có những câu hỏi từ thực tế cuộc sống, đòi hỏi học sinh (HS) phải quan sát và vận dụng. Trước sự đổi mới này, các giáo viên đã có một số lưu ý với HS để ôn thi tốt hơn.

Toán: Chắt lọc thông tin đắt giá

Thầy Nguyễn Anh Hoàng và thầy Nguyễn Đức Tấn, giáo viên toán Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho biết đối với môn toán, HS cần nắm vững lý thuyết mà giáo viên đã ôn tập trên lớp, tham khảo các đề ôn tập, đặc biệt là các đề thi vào lớp 10 những năm gần đây.

Thi lớp 10: Bám sát sách giáo khoa - 1

Học sinh TP HCM xác nhận niêm phong đề thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2016. Ảnh: Tấn Thạnh

Theo thầy Nguyễn Anh Hoàng, đề thi năm nay sẽ tiếp tục đổi mới nhưng không thay đổi nhiều so với các năm trước. HS cần nắm vững cấu trúc đề, các bài toán giải phương trình bậc hai, các bài toán yêu cầu phải thông qua những phép biến đổi đại số để đưa phương trình đã cho về phương trình bậc hai để giải.

Ngoài ra, HS cần lưu ý bài toán thực tế, phương trình bậc nhất, bài toán tổng tỉ… Những bài toán này chỉ cần kiến thức bậc tiểu học để giải quyết. Ở phần đại số, HS lưu ý các bài toán về hệ thức vi-et như những đề thi năm trước. Bài toán vẽ đồ thị hàm số: Xác định các giá trị M để đường thẳng và parabol giao nhau ở điểm nào đó.

Thầy Nguyễn Đức Tấn lưu ý với bài toán về thực tế, cần đọc kỹ đề, phải loại những thông tin thừa, giữ lại thông tin đắt giá. Những bài toán này thường dài dòng nhưng không phải là khó giải. Trong khi đó, những câu hỏi phân loại trình độ HS chủ yếu nằm ở câu C, D - giống như những năm trước, yêu cầu HS hiểu, nắm bắt vững lý thuyết.

Theo thầy Nguyễn Anh Hoàng, Sở GD-ĐT TP HCM đã công bố đề thi mẫu nên dự đoán cấu trúc đề thi toán sắp tới cũng sẽ tương tự. “Đề thi trong những năm gần đây đã đổi mới, đó là xen lẫn những câu hỏi liên hệ thực tế, vận dụng lý thuyết để giải quyết các tình huống trong thực tiễn. Nếu làm tốt những câu hỏi này thì số điểm có thể đạt được đến 1,75” - thầy Hoàng nhận định.

Ngữ văn: Chú ý lập luận, cảm thụ

Đối với môn ngữ văn, nhiều thầy cô lưu ý cấu trúc đề thi vẫn như những năm gần đây. Cụ thể, cấu trúc đề gồm 2 phần: đọc hiểu (3 điểm) và tạo lập văn bản (7 điểm, gồm viết văn bản nghị luận xã hội 3 điểm và văn bản nghị luận văn học 4 điểm). Đề thi sẽ đánh giá, phân loại HS theo các mức năng lực. Ở mỗi nội dung đều có những yêu cầu cao dành cho HS khá giỏi.

Theo ThS Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP HCM, đề thi hướng đến việc kiểm tra các năng lực cơ bản mà môn ngữ văn đã trang bị cho HS: năng lực đọc hiểu, năng lực sử dụng ngôn ngữ (để trình bày một vấn đề, để thuyết phục người khác…), năng lực cảm thụ tác phẩm văn học…

Ở phần đọc hiểu, văn bản được chọn có thể thuộc các thể loại khác nhau (văn bản nghị luận xã hội, văn bản văn học, văn bản nhật dụng…). Hệ thống câu hỏi đặt ra theo các cấp độ tư duy từ dễ đến khó (nhận diện, thông hiểu, vận dụng). Vì vậy, HS phải có năng lực đọc hiểu đa dạng các thể loại (theo chương trình ngữ văn 9); phải luyện tập trao đổi, tranh luận, tự đặt ra và giải quyết các câu hỏi khi đọc các văn bản để nâng cao năng lực đọc hiểu. Trong phần tạo lập văn bản, nội dung bàn luận ở câu nghị luận xã hội thường đa dạng, phong phú, có thể bàn về các giá trị phổ quát, cũng có thể là các vấn đề thời sự, vấn đề tuổi trẻ quan tâm…

Để làm tốt câu nghị luận xã hội, HS cần rèn luyện các kỹ năng, thao tác lập luận (đặc biệt là các thao tác lập luận giải thích, chứng minh và bình luận); cần đọc sách, báo; cần “quan sát và lắng nghe” cuộc sống... Ở câu nghị luận văn học, HS cần rèn luyện kỹ năng phân tích thơ, truyện; cần đọc sâu, nghiền ngẫm để hiểu và cảm nhận tác phẩm, rèn kỹ năng liên hệ, so sánh, khái quát…

Tiếng Anh: Không phải học ở ngoài nhiều

Đối với môn tiếng Anh, thầy Trần Hữu Thắng, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), cho rằng HS chỉ cần bám sát vào sách giáo khoa, không cần phải học bên ngoài nhiều. Theo thầy Thắng, với cấu trúc đề thi năm nay, HS học lực trung bình khá chỉ cần bám sát vào sách giáo khoa đã có thể làm được 80%, 20% còn lại là mở rộng, nâng cao, dành cho những HS giỏi (chủ yếu nằm trong phần loại từ và phần chuyển đổi câu).

Thầy Thắng lưu ý năm nay, đề thi thiên về ngữ nghĩa nhiều hơn (trong 10 câu trắc nghiệm), khác với thiên về ngữ pháp như những năm trước đây. Vì thế, HS đừng đi học lan man bên ngoài. Theo thầy Thắng, cách ra đề này là muốn HS chú tâm vào từ vựng nhiều hơn bởi khi hướng đến tiếng Anh giao tiếp thì phải cần từ vựng, tránh tình trạng HS chỉ chú tâm vào ngữ pháp. Năm nay, HS thi chuyên sẽ có thêm phần thi nghe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh (Người Lao Động)
Tuyển sinh lớp 10 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN