Thi càng hoành tráng càng dễ tiêu cực

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch trao đổi với báo chí, sáng qua (5/6).

Ông Thạch nói:

Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là chấm dứt một giai đoạn giáo dục phổ thông. Còn kỳ thi đại học là để bắt đầu một giai đoạn đào tạo mới. Hai kỳ thi này cách nhau có một tháng, nhưng lại xuất hiện tình trạng tốt nghiệp loại giỏi rất nhiều, sau đó lại thi trượt trong kỳ thi đại học. Đây là một mâu thuẫn, rõ ràng có chuyện trong vấn đề thi cử.

Không chỉ “có chuyện” mà các kỳ thi quốc gia đang bị “kêu” là rất nặng nề, căng thẳng, không cần thiết cho xã hội?

Chúng tôi đã trao đổi với Bộ GD-ĐT, nhưng các anh ấy vẫn muốn tổ chức một kỳ thi quốc gia hoành tráng. Tôi nói, “mình cứ hoành tráng sẽ phải trả một cái giá!”.

Thi càng hoành tráng càng dễ tiêu cực - 1

Thí sinh trao đổi sau khi thi tốt nghiệp THPT tại hội đồng thi
trường Lý Thái Tổ, Bắc Ninh. Ảnh: Ngọc châu

Ý ông là kỳ thi này không phản ánh chính xác kết quả học tập của học sinh và gây bức xúc xã hội?

Đúng là như vậy và hơn nữa còn gây tâm lý xã hội rất nặng nề. Chúng ta cần đánh giá theo giai đoạn, giao cho các trường tự đánh giá và lúc đó chất lượng cũng căn cứ vào giáo dục của từng địa phương.

Thi càng hoành tráng càng dễ tiêu cực - 2

Ông Trịnh Ngọc Thạch

“Chúng ta càng làm quy mô, càng hoành tráng càng có nhiều tiêu cực, khó có thể đạt được chất lượng như mong muốn”.

Ông Trịnh Ngọc Thạch

Học sinh giỏi của Đắk Lắk với học sinh giỏi của Hà Nội phải khác chứ. Đây là vấn đề phân tầng chất lượng để có sự công bằng. Không thể cào bằng bằng cách đánh giá điểm 9 ở Hà Nội như điểm 9 ở vùng khác. Hai chất lượng, hai giá trị, hai trình độ của 2 nơi rõ ràng là khác nhau.

Nhưng tôi muốn nói đến đại cục, ở chỗ nó tạo ra một hệ quả rất lớn đối với xã hội. Cả đời người ta nuôi con cái ăn học, có khi chỉ vì thời tiết, mưa bão, đau ốm, tức là chỉ vì một lý do khách quan là làm hỏng toàn bộ kỳ thi của các cháu. Mà toàn thi vào mùa nóng, học sinh có thể đau ốm, dịch bệnh lắm chứ.

Vậy theo ông nên tổ chức thi như thế nào?

Tôi nghĩ, kể cả đại học cũng phải tổ chức thi kiểu khác để tuyển được đầu vào chất lượng, nhưng không gây căng thẳng thế này. Tôi vẫn cho rằng không nên có một kỳ thi chung toàn quốc, nên để các địa phương họ chủ động.

Vì đã thi chung kiểu này, dứt khoát là có tiêu cực: Phao thi, thái độ thi cử, nhìn chung là tiêu cực sẽ có. Chúng ta càng làm quy mô, càng hoành tráng, càng có nhiều tiêu cực, khó có thể đạt được chất lượng như mong muốn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Phúc (Tiền Phong)
Thi tốt nghiệp THPT 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN