Rút –nộp hồ sơ: Không tỉnh táo, thí sinh sẽ trượt đại học

Phó Trưởng phòng Đào tạo- ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, nhiều thí sinh đủ điểm đỗ ở trường Kinh tế Quốc dân nhưng do các em không tỉnh táo, kiên trì, rút hồ sơ nộp vào trường khác, cuối cùng lại trượt.

Còn hai ngày nữa là hết thời hạn rút- nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1 vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), lãnh đạo một số trường đang lo ngại ngày mai (19.8), lượng thí sinh dồn dập đến rút- nộp hồ sơ sẽ gây tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, nhiều trường sẽ có nguy cơ tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

Rút –nộp hồ sơ: Không tỉnh táo, thí sinh sẽ trượt đại học - 1

Thí sinh rút - nộp hồ sơ tại ĐH Kinh tế Quốc dân

Trao đổi với phóng viên, ông Mạc Văn Tạo- Phó Trưởng phòng Đào tạo- ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, với lượng thí sinh rút hồ sơ như hai ngày nay, trường có thể đối diện nguy cơ tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

Lãnh đạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân lý giải, những thí sinh có điểm thuộc top trên, có thể đã trúng tuyển ở một số trường khác như ĐH Ngoại Thương nên sẽ không học ở Kinh tế Quốc dân. Trong khi đó, thí sinh ở ngưỡng điểm trung bình, hiện đang hoang mang, nhiễu loạn trước quá nhiều thông tin tuyển sinh. Hơn nữa, thí sinh cũng có tâm lý đám đông, ào ào rút hồ sơ sau đó lại ào ào nộp hồ sơ. (Trong ngày hôm qua, trường Đại học Kinh tế Quốc dân có hơn 600 hồ sơ được rút ra).

Phó Trưởng phòng Đào tạo- ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, nhiều thí sinh đủ điểm đỗ ở trường Kinh tế Quốc dân nhưng do các em không kiên trì, rút hồ sơ nộp vào trường khác, cuối cùng lại trượt.

Bên cạnh đó, theo ông Tạo, tính đến trưa ngày 18.8, theo bảng điểm của ĐH Kinh tế Quốc dân, điểm của những ngành top trên không có sự biến động nhiều, nhưng điểm của những ngành top giữa và top cuối có xu hướng thấp. Điều này cho thấy thí sinh thuộc nhóm điểm trung bình đang có sự lúng túng.

Cũng theo ông Tạo, ngày mai 19.8, lượng thí sinh đến rút hồ sơ còn tăng mạnh. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý việc rút hồ sơ vào ngày áp chót dễ gặp phải những rủi ro nhất định.

"Nếu thí sinh đồng loạt rút hồ sơ vào một thời điểm nhưng cơ sở đào tạo không bố trí kịp nhân lực dẫn tới ùn ứ hồ sơ, đó còn chưa kể, khi thí sinh rút xong, còn phải di chuyển đến cơ sở khác để nộp. Nếu ở nơi nộp hồ sơ tình trạng cũng ùn ứ, thí sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn", ông Tạo nói.

Cùng nỗi lo như lãnh đạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Trần Mạnh Dũng- Trưởng phòng Đào tạo- Học viện Ngân hàng cho biết, do chiều nay nhiều trường ĐH sẽ công bố điểm trúng tuyển tạm thời, khi ấy thí sinh sẽ có cơ sở để đưa ra quyết định cuối cùng. Do vậy trong khoảng thời gian từ nay tới hết ngày mai, cán bộ đào tạo của trường sẽ phải "căng như dây đàn" để phục vụ việc rút- nộp hồ sơ của thí sinh. Tuy nhiên, thí sinh phải kiên trì, không nên hùa theo tâm lý đám đông, ào ào rút hồ sơ sẽ có nguy cơ trượt đại học.

Tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, PGS-TS Nguyễn Hữu Lập, người phát ngôn của Học viện cho biết, mỗi ngày có khoảng 300 em đến rút hồ sơ do điểm chuẩn dự kiến vào trường hiện nay tương đối cao. Nhiều em điểm thấp phải rút hồ sơ.

Chỉ tiêu của trường Học Viện Bưu chính Viễn thông ở hai cơ sở là 4.000 thí sinh. Hàng ngày, trường đều công bố điểm trong chỉ tiêu để các em nắm. Mức điểm chuẩn vào trường tăng cao so với những ngày đầu. Có ngành điểm chuẩn tăng 3 điểm so với điểm chuẩn những ngày đầu. Ngành thấp nhất của trường hiện lấy 20 điểm.

Còn tại Đại học Hà Nội, thầy Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng đào tạo cho biết, trường có 3.500 hồ sơ nộp vào, chỉ tiêu của trường 1.900 em. Do hồ sơ rút ra - nộp vào liên tục nên sẽ biến động theo ngày, thậm chí theo giờ. Điểm chuẩn vào trường là 25 điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN