Quản không xuể nhóm trẻ gia đình tự phát
Hàng loạt vụ bạo hành trẻ liên tiếp xảy ra thời gian gần đây xuất phát từ những nhóm trẻ gia đình tự phát. Trách nhiệm quản lý, giám sát của chính quyền địa phương ra sao với nhóm đối tượng này đang là vấn đề được xã hội quan tâm.
Khó dẹp nhóm trẻ gia đình
Thời gian qua, hàng loạt các vụ bạo hành trẻ em đã liên tiếp xảy ra trên địa bàn thành phố.
Ngày 17/11, bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ dùng chân đạp vào bụng và ngực làm cháu Đỗ Nhất Long (SN 2012) tử vong.
Trước đó, năm 2010, cô giáo Trần Thị Xuân Nữ, nhóm trẻ gia đình Hoa Lan ở quận Tân Phú đã bỏ một cháu bé vào thang máy vận chuyển thức ăn để dọa vì bé không chịu ăn, khiến cháu bị thương tật, suýt chết nếu không cấp cứu kịp thời.
Mới đây nhất, vụ bạo hành trẻ tại nhóm trẻ Phương Anh (Thủ Đức) đã làm nhiều người phẫn nộ.
Hầu hết những vụ việc này đều xuất phát từ các nhóm trẻ gia đình tự phát, không đăng ký giấy phép hoạt động, ít được sự quan tâm giám sát từ phía chính quyền địa phương.
Một bé gái không chịu nuốt cơm bị bảo mẫu xốc ngược lên dúi vào thùng nước cao 1,5m (Ảnh chụp từ clip do PV Tuổi trẻ ghi lại)
Do đặc thù là thành phố lớn nhất cả nước, TP.HCM đã thu hút một lượng lớn lao động, chủ yếu là lao động trẻ đến sinh sống và làm việc. Điều này đã dẫn đến một hệ quả tất yếu khi số lượng trẻ em cũng ngày một tăng theo.
Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục & Đào tạo, đến thời điểm hiện tại, toàn TP có 870 trường mầm non (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2008). Trong đó có 419 trường công lập và 451 trường ngoài công lập (bao gồm, trường mầm non tư thục và lớp nhóm trẻ mầm non). Tổng cộng có 309.000 trẻ em đang được học tại các hệ thống trường trên, gồm: 161.000 em thuộc hệ thống công lập và 148.000 em ngoài công lập. Số nhóm trẻ gia đình hoạt động có phép cũng lên đến con số 1.268 (gấp 3 lần so với năm 2008) nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của người dân, đặc biệt là công nhân, người lao động nghèo…
Từ năm 2008, UBND TP.HCM đã có chỉ thị, trong đó yêu cầu mỗi khu chế xuất, khu công nghiệp phải giành một quỹ đất tối thiểu 5.000m2 để đầu tư xây dựng các điểm nhà trẻ phục vụ con em công nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có hai dự án tại Huyện Nhà Bè và khu chế xuất Linh Trung là hoàn thành xong. Trong đó, chỉ có dự án tại huyện Nhà Bè là đã được đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, hầu hết các trường mầm non công lập hiện nay chỉ nhận trẻ từ 16 đến 18 tháng tuổi trở lên. Các trường tư thục và lớp nhóm trẻ mầm non cũng chỉ nhận trẻ từ 12 tháng trở lên. Điều này đồng nghĩa với việc, các gia đình có trẻ từ 4 đến 12 tháng tuổi phải tự mình xoay sở. Đối với những gia đình không có ông bà nội, ngoại hay người giúp việc…, đây là một vấn đề hết sức nan giải. Không tìm được người giữ trẻ ở các điểm được cấp phép, tất yếu họ phải tìm đến những nhóm trẻ “chui”, cho dù biết sẽ có nhiều nguy hiểm, xót xa đến chừng nào.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, việc hoạt động của các nhóm trẻ “chui” không chỉ trái với quy định mà còn không có chuyên môn, nghiệp vụ về nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, khi được hỏi về quy trình kiểm tra giám sát, xử lý các nhóm trẻ gia đình, ông Sơn cho biết, theo quy định, các cơ sở giữ trẻ ngoài công lập hiện nay sẽ do UBND Phường, Xã trực tiếp cấp phép và quản lý, Sở chỉ là đơn vị đứng ra quản lý về mặt chuyên môn.
Đã có nhiều vụ bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non đã xảy ra
Mang câu chuyện quản lý trên đến gặp Phòng giáo dục đào tạo Thủ Đức, đại diện phòng giáo dục cho biết hiện phòng chỉ mới có thể quản lý những nhóm trẻ gia đình có cấp phép. Những nhóm trẻ tự phát thuộc phạm vi quản lý của Phường, chỉ bao giờ Phường giới thiệu để cấp phép thì phòng mới kiểm tra về mặt chuyên môn.
Qua sự việc bảo mẫu hành hạ các bé tại nhóm trẻ Phương Anh vừa qua, bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước thừa nhận, hiện chưa thể thống kê số nhóm trẻ tự phát trên địa bàn phường vì có những nhóm chỉ vài ba bé và khi hoạt động không báo cáo.
Nếu trong vụ việc trên, ngay từ đầu, đoàn kiểm tra của Phường kiên quyết xử lý, bắt buộc chủ cơ sở phải đóng cửa khi chưa có giấy phép hoạt động thì chắc chắn, sự việc đáng tiếc sẽ không xảy ra. Rõ ràng, với cách quản lý như hiện nay, sẽ còn rất nhiều nhóm trẻ “chui” ngang nhiên hoạt động. Và sẽ còn không ít nước mắt của những đứa trẻ thơ chưa kịp kiểu chuyện đời, nước mắt của những người cha, người mẹ thương con. Nhưng liệu có giọt nước mắt thương xót nào từ phía những người làm giáo dục?
Trẻ bị bạo hành ảnh hưởng tới tâm sinh lý
Theo Th.S, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, trẻ thường xuyên bị đánh đập, chửi bới, đối xử thô bạo sẽ dẫn đến những hệ quả vô cùng xấu.
Trong trường hợp này, trẻ thường bị sang chấn tâm lý, có những biểu hiện trầm cảm, hay lo âu, sợ hãi, cảm thấy mất an toàn, đêm ngủ thường gặp ác mộng, dễ giật mình…. Ngoài ra, trẻ còn dễ nôn ói khi ăn, đau đầu, đau bụng, thở nhanh, toát mồ hôi… khi nhắc tới những việc liên quan đến đi học
Lớn hơn một chút, việc bạo hành có thể hình thành cho trẻ những sắc thái tâm lý tiêu cực, có thể là ngang bướng, dễ cáu gắt, gây gổ đánh nhau với người khác; hoặc là ít nói, thiếu tự tin, thích chơi một mình, không dám nói kể cả việc mình thích… Tâm lý này không chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn mà còn có thể kéo dài đến khi trưởng thành, gây ảnh hưởng đến việc học tập, giao tiếp của trẻ. Một điều đáng lưu ý, không chỉ có trẻ bị bạo hành mới có tình trạng này, mà ngay cả những trẻ chứng kiến cũng sẽ có những biểu hiện tương tự.
Trẻ bị bạo hành dễ dẫn tới những sang chấn về mặt tâm sinh lý sau này
Trước những vụ bạo hành diễn ra thời gian qua, Th.S Hiếu cho rằng, “con cái chúng ta còn nhỏ, hầu như không có khả năng tự vệ. Do đó, trước khi giao con mình vào tay người khác, phụ huynh cần phải xem xét cẩn thận. Đồng thời, cũng phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra xem con mình có gì bất thường hay không. Bởi nhiều khi chỉ một vết trầy nhỏ, một câu nói vu vơ hay những cái giật mình giữa đêm khuya cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị bạo hành mà phụ huynh không hề hay biết”.
Xung quanh vụ bảo mẫu hành hạ trẻ và những bất cập nhà giữ trẻ trên địa bàn quận, chiều 17/12, đoàn công tác do ông Lê Hồng Sơn dẫn đầu đã làm việc với UBND Quận Thủ Đức. Tại buổi làm việc, ông Sơn đã chỉ đạo quận phải nhanh chóng rà soát kiểm tra lại toàn bộ các nhà giữ trẻ trên địa bàn. Những điểm giữ trẻ có phép thì kiểm tra, rà soát, những điểm giữ trẻ không phép thì phân ra để có hướng xử lý. Nếu nhóm trẻ trên 6 em nhưng không xin phép và tuyển dụng người giữ trẻ không có chuyên môn thì phải cương quyết đóng cửa. Hiện tại, Quận Thủ Đức còn có 111 nhóm trẻ không phép đang hoạt động. Riêng với nhóm trẻ tại cơ sở Phương Anh, ông Sơn yêu cầu quận lập danh sách và vận động bố mẹ các em gửi con tại những điểm giữ trẻ đã được quận cấp phép.