Phụ huynh lo vì ngày nghỉ Tết chỉ bằng một nửa của con

Sự kiện: Giáo dục

Tết Nguyên đán Canh Tý năm nay, học sinh được nghỉ học liên tiếp từ 8 đến 16 ngày (tùy từng địa phương) khiến không ít bậc phụ huynh lo cảnh vừa đi làm, vừa phải bố trí trông con vì thời gian nghỉ của bố mẹ chỉ bằng một nửa so với lịch nghỉ Tết của con.

Dịp nghỉ Tết, phụ huynh hãy để học sinh được nghỉ ngơi, tìm hiểu nét đẹp văn hóa Tết truyền thống. Ảnh minh họa: Q.Anh

Dịp nghỉ Tết, phụ huynh hãy để học sinh được nghỉ ngơi, tìm hiểu nét đẹp văn hóa Tết truyền thống. Ảnh minh họa: Q.Anh

Học sinh nghỉ Tết nhiều nhất 16 ngày

Thời điểm này, nhiều địa phương cũng có kế hoạch nghỉ Tết Canh Tý 2020 đối với học sinh phổ thông, mầm non. Theo đó, nghỉ Tết năm nay một số địa phương có thời gian nghỉ phổ biến là 8 - 10 ngày, cao nhất ở thời điểm hiện tại là 16 ngày. Cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT được nghỉ Tết 8 ngày liên tục, từ thứ Tư ngày 22/01/2020 đến hết thứ Tư ngày 29/01/2020. Tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý).

Nếu học sinh Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phía Bắc có số ngày nghỉ Tết Canh Tý 2020 đối với học sinh chỉ khoảng 8 - 10 ngày thì tại các tỉnh khu vực phía Nam lại có số ngày nghỉ nhiều hơn. Tiêu biểu như tại Bình Thuận, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận đã vừa ban hành hướng dẫn nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đối với học sinh. Theo đó, đối với học sinh mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên nghỉ từ ngày 20/1/2020 đến hết ngày 1/2/2020 (tức từ ngày 26 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết ngày mùng 8 tháng giêng năm Canh Tý). Như vậy, học sinh được nghỉ liền 13 ngày.

Còn tại An Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu… có số ngày nghỉ Tết liên tiếp đối với học sinh là 14 ngày. Đặc biệt, dịp Tết năm nay, TP HCM tiếp tục là nơi học sinh có số ngày nghỉ dài nhất cả nước. Theo hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 của Sở GD&ĐT TP HCM, những trường không giảng dạy ngày thứ 7, học sinh được nghỉ Tết 16 ngày, từ 18/1/2020 (24 tháng Chạp) đến hết ngày 2/2/2020 (mùng 9 Tết). Học sinh sẽ trở lại trường vào ngày 3/2/2020 (mùng 10 Tết). Những trường có giảng dạy ngày thứ 7, học sinh được nghỉ tết 15 ngày, từ 19/1/2020 (25 tháng chạp) đến hết ngày 2/2/2020 (mùng 9 Tết).

Sở dĩ các địa phương có số ngày nghỉ Tết khác nhau đó là theo quy định của Bộ GD&ĐT, Chương trình giáo dục cấp phổ thông do Sở GD&ĐT xây dựng nên lịch nghỉ lễ, Tết sẽ do các Sở đề xuất trình UBND các tỉnh, thành phê duyệt. Việc xây dựng lịch dựa trên quy định lịch nghỉ Tết chung do Chính phủ quy định, cụ thể dựa trên lịch nghỉ Tết do Bộ LĐ-TB&XH công bố. Các Sở GD&ĐT địa phương quy định số ngày nghỉ dựa trên lịch nghỉ Tết Nguyên đán chung. Do đó, ngành Giáo dục các tỉnh, thành đã có lịch nghỉ Tết Âm lịch với số ngày nghỉ rất khác nhau.

Trong khi học sinh được nghỉ từ 8 - 16 ngày, đối với phụ huynh, đa số cán bộ, công chức chỉ được nghỉ khoảng 7 ngày. Theo Công văn số 4544 thông báo lịch nghỉ Tết của Bộ LĐ -TB&XH ban hành ngày 25/10/2019, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi là công chức, viên chức) nghỉ Tết Nguyên đán 2020 liền 7 ngày, từ thứ Năm, ngày 23/1 đến hết thứ Tư, ngày 29/1 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý).

Con nghỉ dài ngày, cha mẹ lo cách quản con

Năm nay, Hà Nội có số ngày nghỉ Tết đối với học sinh mầm non, phổ thông là tương đối thấp so với các năm trước. Tuy nhiên, với nhiều phụ huynh con được nghỉ dài ngày trong khi bố mẹ đi trực, làm việc vẫn là mối lo tìm chỗ gửi con. "Cứ đến dịp Tết, vợ chồng tôi lại tìm mọi cách để tìm chỗ gửi con đang học mầm non vì nhà trường nghỉ Tết, trong khi vẫn đi làm ở công ty. Dịp này, vợ chồng tôi làm đến tận chiều 30 Tết. Nên cũng phải dự tính gửi dịch vụ theo ngày ở cơ sở tư, thậm chí là gửi tại nhà cô giáo "nói khó" để cô nhận trông giúp. Đi làm dịp này số tiền trực không đủ để đi gửi con trong mấy ngày giáp Tết", chị Lê Vân (Linh Đàm, Hà Nội) tâm sự.

Còn tại TP HCM, lý do của việc thành phố hàng năm đều có lịch nghỉ Tết đối với học sinh dài nhất cả nước là do thành phố có nhiều người nhập cư, dịp Tết cần thêm nhiều thời gian để về quê ăn Tết, bên cạnh đó là giảm sức ép về đi lại vào dịp Tết do mua vé tàu, xe khó khăn. Dịp này nhiều gia đình vui mừng vì con được nghỉ Tết dài ngày, có cơ hội về quê, thăm hỏi người thân, đi chơi… Nhưng với một số phụ huynh, con nghỉ Tết lên đến 16 ngày, gấp đôi ngày nghỉ của bố mẹ cũng là một khó khăn trong quản lý con trong những ngày đi làm.

Chia sẻ mối lo chuyện con được nghỉ Tết dài ngày, anh Lê Hữu Công (đường Cao Thắng, TP.HCM) có con học tiểu học cho biết: "Con được nghỉ Tết 16 ngày, còn vợ chồng tôi được nghỉ chỉ 7 ngày, nên dịp trước và sau Tết đều vất vả trong việc trông nom, quản lý con thành ra con được nghỉ ở nhà, hai vợ chồng phải trực camera xem con đang làm gì ở nhà. Nghỉ dài ngày cũng thêm nỗi lo đó là con ở nhà mải chơi, xem hoạt hình suốt ngày không ngó ngàng gì đến sách vở mà quên kiến thức".

Đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh vào dịp Tết, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho biết: "Dịp nghỉ Tết, vai trò của gia đình là rất quan trọng vì giáo viên, nhà trường chỉ phổ biến, nhắc nhở học sinh chỉ trong dịp trước và sau Tết. Những ngày nghỉ Tết, phụ huynh cần theo sát con, để tránh con sa đà vào xem hoạt hình nhiều, thậm chí vướng vào tệ nạn xã hội như cấp THPT chẳng hạn. Phụ huynh hãy để con em mình có một dịp Tết hết sức ý nghĩa, không nên ép con phải học nhiều, hãy cùng con tham gia dọn dẹp, trang trí nhà cửa, về quê thăm hỏi họ hàng, tới các điểm di tích lịch sử văn hóa, tìm hiểu những nét đẹp của Tết Cổ truyền".

Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân năm 2020. Theo chỉ đạo của Bộ, các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tổ chức ký cam kết với cha mẹ học sinh về việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức tham gia giao thông cho học sinh; không giao mô tô, xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông...

Nguồn: [Link nguồn]

9 chiêu để trẻ khỏi ”chúi mũi” vào ti vi, điện thoại, ipad trong dịp nghỉ tết

Ai cũng biết cho con dùng nhiều thiết bị điện tử không có lợi nhưng tết nhất, bố mẹ bận túi bụi, không cho chơi thì...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN