Những “căn hộ ổ chuột” của sinh viên

Người ta vẫn thường nói, đời sinh viên cái gì cũng khổ. Nhưng không ai nghĩ giữa lòng thủ đô, một bộ phận không nhỏ sinh viên phải sống trong những khu trọ “ổ chuột”, mất vệ sinh, thiếu an ninh...

Dạo quanh các khu vực có đông sinh viên sinh sống như Cổ Nhuế, Phùng Khoang, Triều Khúc, Hà Đông... mới thấy hết được cảnh “nơi ở không phải nhà mình” của những sinh viên tỉnh lẻ. Với những sinh viên nghèo, việc tìm những khu nhà “ổ chuột” được xem là khả thi nhất đối với túi tiền “còm” hằng tháng. Dột nát, ẩm thấp, cạnh ao tù nước đọng, xung quanh cây cỏ dại um tùm... là những hình ảnh miêu tả về những “căn hộ” của sinh viên mà không nhiều người tin giữa thành phố thanh lịch, hiện đại. Đấy là chưa kể nguồn nước sinh hoạt vẫn còn là nước giếng khoan phải chịu ô nhiễm môi trường.

Những “căn hộ ổ chuột” của sinh viên - 1

Khu nhà trọ của sinh viên Đại học Mỏ - Địa chất

Tìm đến một khu nhà trọ của sinh viên khu vực Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm, Hà Nội) - địa bàn của sinh viên -  hai trường Đại học Mỏ - Địa chất và Học viện Tài chính mới thực mục sở thị những nỗi khổ của sinh viên. Đó là những dãy nhà xây tạm bợ giữa những khu đất bỏ hoang, cây dại mọc tùm lum, bên cạnh là con kênh nhỏ ô nhiễm nặng thường xuyên bốc mùi hôi. Những sinh viên trọ trong khu vực này cho biết: Một phần không tìm được nhà trọ, thêm nữa là giá cũng hợp lý nên ở khổ một chút cũng không sao.

Bên cạnh đó là tình trạng an ninh luôn trong tình trạng tự quản, nên đây là khu vực đặt trong tầm ngắm của những đối tượng trộm cắp, nghiện hút tăm tia. Nhiều sinh viên cho biết, việc mất điện thoại hay những đồ dùng lặt vặt là chuyện như cơm bữa, thậm chí đã có sinh viên mất cả laptop, xe đạp.

Những “căn hộ ổ chuột” của sinh viên - 2

Khu ký túc xá Học viện Tài chính tuy là nhà cao tầng, nhưng bên trong rất chật chội

Ngay cả khu ký túc xá, niềm mơ ước của nhiều sinh viên đang phải sống ở nơi “ao tù nước đọng” cũng không có được điều kiện tốt nhất. Nhiều nơi đã xuống cấp, tình trạng thiếu nước, ẩm thấp cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện sinh hoạt hằng ngày của nhiều sinh viên. Hơn nữa, đây còn là nơi có số lượng đông sinh viên, nên lại càng bất cập. Nguyễn Thị Hà - sinh viên năm thứ 3 ngành kế toán (Học viện Tài chính) -  chia sẻ: “Ở khu vực này, ký túc xá được xem là sang rồi, dù thi thoảng mất nước, ở phòng con gái nhiều đồ nên phòng chật và ẩm thấp, nhưng mình sẽ ở hết 4 năm đại học. Giờ tìm nhà bên ngoài khó, vệ sinh và an ninh không đảm bảo”.

Xem ra, sinh viên mọi thời đều có chung cái khổ, mà khổ về nơi ở sẽ dẫn đến khổ đủ đường. Những mái nhà ổ chuột vẫn rất có giá với sinh viên nghèo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Huỳnh (Báo Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN