Năm học mới, quyết xử lạm thu

Trong năm học mới 2013-2014, Bộ GD-ĐT cấm dạy chữ cho trẻ mầm non, khuyến khích không chấm điểm học sinh lớp 1 và khẳng định kiên quyết xử lý việc thu chi sai quy định.

Lạm thu đầu năm, cấm dạy chữ cho trẻ mẫu giáo là đề tài nóng trong cuộc họp báo chuẩn bị cho năm học mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức chiều 28/8 tại Hà Nội.

Bảo đảm “3 công khai”

Năm học 2013-2014, cả nước có khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên. Trong đó, nhà trẻ 4,1 triệu em, học sinh mẫu giáo 601.000 em, tiểu học hơn 7,4 triệu em, THCS hơn 4,9 triệu em, THPT hơn 2,7 triệu em và ở hệ trung cấp, cao đẳng, đại học là hơn 2,7 triệu em.

Ông Lê Khánh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD-ĐT, cho biết tỉ lệ chi hiện nay ở các cơ sở giáo dục phổ thông là 80% cho lương giáo viên, cán bộ và 20% cho các hoạt động của nhà trường. Thực tế, cả nước chỉ có 17 địa phương đảm bảo tỉ lệ này. Nhiều địa phương đang phải chi với tỉ lệ 95/5, tức là dành hầu như toàn bộ kinh phí để chi lương cho giáo viên. Vì vậy, nhiều trường phải nghĩ ra nhiều khoản thu để có thêm chi phí hoạt động.

Trước băn khoăn của các phóng viên về giải pháp hạn chế tình trạng lạm thu trong nhà trường hiện nay, ông Tuấn cho hay các văn bản pháp lý về thu chi hiện đã tương đối đầy đủ. Trong tổng kết năm học cũng như chỉ thị năm học mới, Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh việc này, đồng thời yêu cầu các trường phải đảm bảo “3 công khai”.

Ông Tuấn nhấn mạnh: “Trong phối hợp quản lý nhà nước về GD-ĐT, chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra giám sát việc thu chi”. Ông khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết xử lý việc thu chi sai quy định và mong muốn các bậc phụ huynh phát hiện, thông báo kịp thời đến các cơ quan quản lý để chấn chỉnh tình trạng này.

Khuyến khích nhận xét học sinh

Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2013-2014, các trường không dạy chữ cho trẻ mẫu giáo. Tuy nhiên, thực tế không ít trường vẫn đang tổ chức thi tuyển vào lớp 1 khiến các phụ huynh lo lắng dạy chữ trước cho con. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, chương trình lớp 1 khá nặng khiến học sinh không học trước sẽ thua kém bạn bè và giáo viên phàn nàn làm ảnh hưởng đến thành tích của lớp.

Năm học mới, quyết xử lạm thu - 1

Bộ GD-ĐT khuyến khích giáo viên đánh giá chứ không cho điểm học sinh lớp 1

Bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học, khẳng định đây là việc làm thiếu khoa học, ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ cũng như khiến học sinh chủ quan. “Nói chương trình lớp 1 nặng là không đúng. Nhiều nơi, kể cả học sinh vùng dân tộc thiểu số, khi vào lớp 1, chất lượng vẫn bình thường. Việc một số trường kiểm tra các chỉ số của học sinh không phải là thi đầu vào” - bà Thắm lý giải.

Đổi mới quan trọng trong năm học 2013-2014 là Bộ GD-ĐT thay đổi cách kiểm tra đánh giá đối với học sinh, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Theo đó, Bộ GD-ĐT khuyến khích giáo viên đánh giá bằng nhận xét thay vì cho điểm đối với học sinh lớp 1. Bà Thắm cho rằng điều đó  sẽ giúp học sinh yêu thích việc học tập. Để tránh tạo áp lực, giáo viên không được chê trách học sinh trong bất cứ hoàn cảnh nào.

“Trong quá trình dạy, giáo viên sẽ đánh giá học sinh trên nhiều yếu tố. Nhiều nước trên thế giới không cho điểm mà đánh giá đến lớp 9. Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn với các trường trong năm học” - bà Thắm nêu rõ.

Hỗ trợ học sinh vùng khó khăn

Theo Bộ GD-ĐT, từ ngày 1/9, học sinh các trường ở những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ được hỗ trợ 15 kg gạo/em/ tháng. Học sinh THPT sẽ được hỗ trợ chi phí ăn, ở trong quá trình học tập với mức tiền ăn/tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung. Học sinh phải thuê nhà được hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương tối thiểu chung.

Nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn có gia đình chuyển đi cùng sẽ được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung. Giáo viên hết thời hạn công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn mà chưa thực hiện được việc luân chuyển thì vẫn được hưởng phụ cấp thu hút...

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yến Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN