Mỹ: Báo động tình trạng SV bán dâm trả học phí
Veona không nhớ cuộc gặp đầu tiên của cô với tư cách gái bán dâm, nhưng cô rất nhớ cái cảm giác chờ điện thoại gọi lại của những nhà hàng ăn nhanh hay các cửa hàng nơi cô từng nộp hồ sơ xin việc nhưng thất bại.
“Đó không phải là công việc vui thú gì” – cô sinh viên ngành kiến trúc ĐH Bang Morgan chia sẻ. “Nhưng khi bạn nộp đơn cho tất cả các công việc mà không ai gọi lại, cảm giác sẽ giống như ‘Chà, tôi phải làm việc đó thôi!'”.
Hàng ngàn sinh viên đại học, cao đẳng da đen trên khắp nước Mỹ biết rõ những khó khăn của việc kiếm tiền đi học. Những khoản cho vay, trợ cấp và học bổng chỉ hỗ trợ số ít sinh viên trong việc chi trả mức học phí ngày càng tăng cao. Trong khi đó, nhiều sinh viên phải cân bằng giữa việc học ở trường và công việc toàn thời gian, bán thời gian.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp không hề suy giảm trên toàn nước Mỹ khiến những công việc trả lương theo giờ đang được giới sinh viên săn đuổi. Từ đó dẫn đến việc một số sinh viên phải tìm tới những cách kiếm tiền bất hợp pháp vì mục đích học tập.
Will Arenas, tốt nghiệp ĐH Virginia năm 2009, hiện đang là một nhà làm phim độc lập hiểu rõ những khó khăn trong việc cân bằng giữa học tập và làm việc.
Arenas từng phải làm những công việc toàn thời gian như bán hàng, bảo vệ, làm việc trong rạp chiếu phim để trả học phí. “Bạn bỏ lỡ tất cả những hoạt động xã hội và kỉ niệm thời đại học khi bạn đi làm. Bạn không có thời gian để kết bạn. Và nếu bạn có thể tìm được một công việc, thì bạn cũng không có nhiều kinh nghiệm. Nó có thể gây thất vọng”.
Veona bắt đầu bán dâm sau khi làm việc như một vũ công ở trung tâm thành phố Baltimore. Những khách hàng quen tiếp cận cô và yêu cầu có những buổi biểu diễn riêng. Tính đến nay, Veona đã làm việc trong ngành công nghiệp tình dục được 3 năm – một công việc giúp cô kiếm khoảng hơn 1.500 USD mỗi ngày. Cô làm mọi thứ từ việc đi theo đàn ông trong những buổi hẹn hò, đi chơi tới việc giúp họ thỏa mãn tình dục.
“Với tôi, đó không phải là một công việc tệ vì nhiều khách hàng của tôi không muốn có sex. Nhiều người chỉ cần ai đó để đi cùng họ, giúp họ được chú ý. Nhưng với những người muốn thứ khác thì đó là công việc”.
Mùa hè năm ngoái, Cục Thống kê Lao động Mỹ đưa tin, có 28% người trẻ da đen từ 16 tới 24 tuổi hiện đang thất nghiệp – cao hơn SV gốc Tây Ban Nha 10% và gần gấp đôi SV da trắng. Với trung bình nợ quốc gia của sinh viên dao động trong khoảng 28.000 USD và với 5 trường đại học dành cho SV da đen nằm trong danh sách 20 trường có SV nợ cao nhất quốc gia thì những hỗ trợ từ cha mẹ (trong trường hợp này là từ mẹ Veona) là không đủ để trả nợ. Số tiền hỗ trợ từ phụ huynh cũng không đủ để trả học phí, sách vở và sinh hoạt phí.
Hồi đầu tháng này, Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết giá sách giáo trình đại học hiện cao hơn 812% so với cách đây gần 3 thập kỉ.
Bán dâm không phải là một lựa chọn việc làm lý tưởng đối với Veona, nhưng nó thực sự là một lựa chọn hấp dẫn khi trước mắt cô là ước mơ sở hữu một công ty kiến trúc và kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, cô tiếp tục ứng tuyển những công việc hợp pháp và nộp hồ sơ xin học bổng. Veona chia sẻ, cô chưa bao giờ cảm thấy bị đe dọa khi làm công việc này, nhưng lại luôn lo lắng về nguy cơ bị cảnh sát bắt và giam giữ.
Tuy vậy, bán dâm cũng không phải là cách kiếm tiền duy nhất của những SV túng bấn. CNN từng đưa tin những SV thiếu tiền phải bán máu và bán trứng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn.
“Chúng ta không nên đánh giá một cô gái trẻ chọn cách này để kiếm tiền hoàn thành giấc mơ đại học… Chúng ta hãy đánh giá hoàn cảnh đã không thể cho cô ấy một sự lựa chọn tốt hơn” - hiệu trưởng ĐH Paul Quinn, ông Michael Sorrell nói.
Veora nói rằng bán dâm không phải là một công việc mà người ta có thể tự hào hay một sự lựa chọn hàng đầu để kiếm tiền, mà là công việc chỉ dành cho những người đang đứng bên bờ vực phải chọn giữa việc ở lại trường hay đi về nhà. Đó là một con đường mà một chuyên gia tâm lý nói rằng rất nguy hiểm để bắt đầu và khó khăn để kết thúc.
“Việc chấp nhận sa ngã để kiếm tiền có thể gây nghiện” – Tiến sĩ La Keita D. Carter, nhà tâm lý học kiêm giáo sư đại học ở Baltimore nhận định. Ông cho rằng thói quen này rất khó từ bỏ bởi trong bối cảnh kinh tế như hiện này, về cơ bản, nó sẽ là một quyết định mạo hiểm đối với tình hình tài chính cá nhân.
“Thật khó để khuyên người khác nên làm gì, nhưng nếu có ai đó không muốn học đại học vì họ nghĩ rằng họ không thể chi trả học phí thì luôn có những việc mà bạn có thể làm để điều đó không xảy ra” – Veona chia sẻ. “Tôi đang làm cái việc mà tôi phải làm để điều đó không xảy ra và nếu tôi phải chọn lại, tôi sẽ vẫn chọn nó”.