Mùa… lo lắng
Từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm là lúc các bậc phụ huynh bước vào mùa… lo lắng, bởi đây là khoảng thời gian lo nẫu ruột với con cái thuộc các bậc học từ lớp 1, 6, 10 đến tốt nghiệp lớp 12 và thi đại học.
Lo rớt trường công
Sở GD-ĐT TPHCM đã có thông báo sẽ giữ nguyên xét tuyển vào lớp 10 công lập tại 5 quận (gồm Thủ Đức, Bình Tân, 2, 6, 9) và 4 huyện (gồm Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ). Riêng học sinh thuộc huyện Nhà Bè và 14 quận còn lại trên địa bàn TPHCM phải thi tuyển vào lớp 10 công lập. Học sinh làm hồ sơ thi tuyển tại trường THCS đang học với 3 nguyện vọng ưu tiên, bắt đầu từ ngày 2-15/5. Số liệu từ Sở GD-ĐT TPHCM cho thấy, hiện trên toàn địa bàn thành phố có hơn 65.000 học sinh đang học lớp 9. Tuy nhiên, con số mà hệ thống trường THPT công lập tuyển mùa này (kể cả thi tuyển và xét tuyển) là 57.293 học sinh. Vì vậy sẽ có hơn 7.000 học sinh “rơi” khỏi các trường THPT công lập.
Thời buổi kinh tế khó khăn khiến nỗi lo cho con ăn học của các bậc phụ huynh tăng gấp bội. Năm nay có con thi vào lớp 10, anh Huỳnh Minh Tuấn ở Bình Thạnh không giấu được sự lo lắng: “Con trai mình mà không thi đậu vào lớp 10 trường công ở Bình Thạnh thì “căng” đây. Mà thi đậu vào quận khác thì cũng mệt, thời buổi này học gần nhà là đỡ tốn kém nhất. Học trường công mà ở xa còn thấy đuối huống chi là nó học trường tư”. Anh Tuấn cho biết thêm, mùa nhập học này anh ốm cả người vì lo, bởi con trai lớn thì vào lớp 10, còn con gái nhỏ bắt đầu lên lớp 6.
Để nhìn thấy nụ cười "hoá rồng" của con cái, bậc phụ huynh phải trải qua bao mùa... lo lắng ngay từ khi con vào lớp 1. Ảnh: TG
Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp tại TPHCM, năm học 2013-2014 có chỉ tiêu từ lớp 5 lên lớp 6 là gần 90.000 học sinh. Đối với lớp 6, tất cả trường THCS đều xét tuyển (trừ Trường chuyên Trần Đại Nghĩa) bằng tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II năm học lớp 5 của hai môn tiếng Việt và Toán. Các trường THCS phải ưu tiên xét tuyển cho học sinh thường trú trên địa bàn. Tuyển sinh lớp 6 bắt đầu từ ngày 15/6, công bố kết quả xét tuyển đồng loạt vào ngày 15/7. “Vậy là chuyện học xa hay gần là phụ thuộc vào sức học của con mình mà thôi, cũng đỡ hơn trường hợp của anh nó”, anh Tuấn thở ra. Người đàn ông tóc bạc sớm vì lo cho con cái chuyện ăn-học này, khi vào mùa thi cử của các con là đến cà phê cũng nhịn để có sức, có thời gian, có tiền mà… lo.
Lo rớt tốt nghiệp
Đầu tháng 6 tới, học sinh lớp 12 lại hồi hộp thi tốt nghiệp THPT để tìm cơ hội trở thành sinh viên trong kỳ thi đại học vào đầu tháng 7. Ngay từ thời điểm này, không ít phụ huynh ở TPHCM đã bắt đầu “thiết quân luật” với con chỉ vì lo rớt kỳ thi quan trọng này. Dịp lễ 30/4 vừa qua, vợ chồng chị Lê Kim Phụng ở quận Bình Tân hủy luôn các cuộc đi chơi, thăm thú họ hàng với lý do “để thằng Su nó học”. Chị Phụng cho biết, kết quả học tập của con trai “làng nhàng” lắm nên chị không đi chơi để “con nó cảm nhận chuyện thi tốt nghiệp quan trọng cỡ nào, gia đình quan tâm đến chuyện này ra sao để nó cố mà phấn đấu”. “Tốt nghiệp 12 mà không qua được thì khó mà định hướng nó nên người lắm. Thà rớt đại học thì còn cửa vào cao đẳng hay trường nghề, chứ rớt tốt nghiệp thì biết cho nó học tiếp cái gì, chưa tính tới chuyện nó chán chường mà hư thì khổ lắm”, chị Phụng lo trước cho cậu con trai.
Con cái được học hành đến nơi đến chốn, thành đạt là ước vọng của bất kỳ bậc phụ huynh nào. Tuy nhiên, cứ mỗi mùa thi đến lại là mùa… lo lắng của các bậc phụ huynh, mãi kéo dài năm này qua năm khác.