Môn Văn hiện nay có đáng bị “ly dị”?
Mới đây, để nói về thực trạng dạy và học môn Ngữ văn hiện nay ở các trường học Việt Nam, một nữ sinh đang du học ở Hà Lan là Lê Uyên Phương đã gây “bão mạng” bởi lá đơn “ly dị môn Ngữ Văn”. Đã có nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình, thậm chí không ít ý kiến cho rằng nếu bỏ môn Văn trong kỳ thi quốc gia, cũng sẽ khiến các thí sinh vui mừng không kém gì với việc bỏ môn Sử trước đó.
Dạy và học môn Ngữ văn trong các trường phổ thông hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Ảnh minh họa: Chí Cường
Đơn “ly dị” khiến nhiều người suy ngẫm
Trải qua 4 năm du học, không chỉ cảm nhận từ bản thân mà còn lắng nghe chia sẻ của bạn bè, cuối cùng Lê Uyên Phương, du học sinh ngành Tài chính tại Hà Lan vừa “dũng cảm” viết lá đơn “ly dị với môn Ngữ văn”. Bằng lối viết hóm hỉnh, Uyên Phương chỉ ra thực trạng của việc dạy và học Văn trong trường phổ thông và đưa ra những mong muốn của mình với môn Ngữ văn. Trên trang Facebook cá nhân, Lê Uyên Phương viết rằng: “Em tên là Phương, du học sinh đang trầy trật để thi đậu mấy môn cuối và tìm việc. Còn nửa kia của em là ngữ văn. Bọn em đã bên nhau được 12 năm, mà tạm xa rời vì bây giờ em đã có nhiều bạn khác thú vị hơn. Nguyên nhân khiến cho em viết lách, giao tiếp và phản biện vô cùng kém so với những đứa bạn đến từ các nước khác”.
Nêu rõ lý do, Uyên Phương chỉ ra những bất cập như “tính gia trưởng” là lối mòn trong cách viết văn, khiến học sinh không thể sáng tạo đối với cách nhìn nhận, viết bài của mình. Tiếp đến là “mơ mộng”, được ví như chuyện “100 con mèo thì tới 99 con có đôi mắt như hòn bi ve”. Cuối cùng, theo Uyên Phương điểm khiến em phải “ly dị” môn Văn đó là “không chịu tiếp thu cái mới”, trong khi trên lớp các thầy cô miệt mài yêu cầu học sinh học các tác phẩm “kinh điển” thì thực tế các em lại thích facebook, khiến công sức của giáo viên lãng phí vì chương trình không còn đáp ứng thị hiếu của giới trẻ hiện nay.
Cuối cùng, điểm quan trọng nhất trong lá đơn “ly dị môn Văn” đó là mong muốn của cô du học sinh Hà Lan: “Hãy dạy em cách để viết một lá đơn xin việc. Hãy dạy cho em được nêu cảm nghĩ thật của mình về một vấn đề trong xã hội và cả lớp được cùng nhau phản biện để bảo vệ ý kiến của mình. Hãy dạy em cách quảng bá bản thân để gây được sự chú ý của các công ty. Hãy dạy cách viết một đoạn lời thoại quảng cáo cho một sản phẩm. Hãy dạy em cách viết một lá thư tình thật ấn tượng”.
Theo Uyên Phương, việc viết lá đơn “ly dị môn Ngữ Văn” là xuất phát từ câu chuyện có thật từ bản thân khi đi du học nhận thấy có nhiều điểm kém so với các bạn, dựa trên bản thân và tham khảo ý kiến từ một số bạn bè, Uyên Phương đã rút ra nguyên nhân đó là do môn Ngữ Văn có quá nhiều kiến thức hàn lâm, trong khi cái mà học sinh cần lại có phần rất cơ bản, được áp dụng nhiều trong cuộc sống.
Góp ý thật, nhưng hơi… cực đoan
Không bất ngờ với cách đánh giá của nữ sinh Uyên Phương, thầy Đặng Ngọc Khương - Giáo viên luyện thi môn Ngữ Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, nội dung bài viết đơn “ly dị môn Văn” không hoàn toàn mới, không gây bất ngờ trong cách nhìn nhận đánh giá về môn Văn nói chung cũng như cách học Văn, dạy Văn ở Việt Nam. Cũng theo thầy Khương, nhiều năm nay chúng ta đã nói đến những hạn chế, yếu kém, lỗi thời trong cách học và cách dạy nặng tính khuôn mẫu, áp đặt, giết chết tính sáng tạo của môn Văn trong nhà trường Việt Nam.
Dù đồng tình với một số nhận xét của nữ sinh đang du học, song theo thầy Đặng Ngọc Khương: “Thực tế, do áp lực từ cơ chế thi cử chúng ta vẫn chậm thay đổi trong nội dung chương trình, cách thức giảng dạy và quan điểm đánh giá. Tuy nhiên, nói phải “li dị môn Văn” sau 12 năm học phổ thông ở Việt Nam là cực đoan. Theo tôi, để dạy và học tốt môn Ngữ văn, bằng tính chủ động sáng tạo của mình, trong khuôn khổ nhất định học sinh vẫn có thể sáng tạo, vẫn được phép nói lên những cảm xúc thật, vẫn có thể rèn luyện được nhiều kĩ năng thông qua học Văn”.
Từng nhiều năm dạy môn Ngữ văn THPT, thầy Đặng Đình Đại (nay là Hiệu trưởng trường THPT Wellspring Mùa Xuân-Hà Nội) đánh giá: “Môn Ngữ văn hiện nay đã có nhiều sự cải tiến so với trước đây, đặc biệt là có phần đọc – hiểu văn bản, nghị luận xã hội. Học sinh cũng được thực hành nhiều về cách viết văn bản, nêu nhận định, bình luận trong một đoạn văn. Điều này cần thiết cho sau này khi các em viết về văn bản. Ngoài ra, đề thi Văn cũng ra theo hướng “mở” điều này không chỉ các em khối C cảm thấy thích thú mà ngay cả các em khối khác cũng cảm thấy hứng thú bởi dễ học, dễ “chém” khi làm bài, chỉ cần các em nắm được kiến thức là hoàn toàn có thể đạt điểm trung bình, thậm chí điểm trung bình khá ở kỳ thi THPT Quốc gia”.
Sau khi bức đơn “ly dị” của nữ sinh Lê Uyên Phương (đang du học tại Hà Lan) được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cũng đồng tình thực tế dạy và học Ngữ văn hiện nay còn mang nặng tính hàn lâm, tập trung khám phá thế giới nghệ thuật của các tác phẩm văn chương, phương pháp. Học sinh còn ít cơ hội tự do khám phá, tự suy nghĩ và nói lên cái riêng của chính mình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng nhận xét cần phải “ly dị môn Văn” sau 12 năm học có phần “tiêu cực” bởi môn Ngữ văn đã có nhiều điều chỉnh, bổ sung so với trước đây. |
Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền đề kiểm tra giữa học kỳ môn Văn được dư luận đánh giá rất nhân văn lại có...