Mô hình VNEN: Nơi dừng, nơi nhân rộng

Trong khi nhiều địa phương xin dừng thực hiện mô hình trường học mới thì tại TP HCM, rất nhiều trường tiểu học lại muốn thực hiện và nhân rộng

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc áp dụng mô hình trường học mới (VNEN). Trong đó, Bộ GD-ĐT nghiêm túc rút kinh nghiệm và thừa nhận việc áp dụng VNEN chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp không ít khó khăn. Trước đó, nhiều địa phương trong cả nước đã quyết định dừng hẳn việc nhân rộng mô hình này.

Kinh phí chỉ hỗ trợ được 1.447 trường

Theo công văn của Bộ GD-ĐT, kết quả 3 năm thử nghiệm cho thấy mô hình VNEN có nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình này chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp nhiều khó khăn.

Mô hình VNEN: Nơi dừng, nơi nhân rộng - 1

Một trường tiểu học tại TP HCM áp dụng mô hình trường học mới trong việc sắp xếp lớp học Ảnh: Tấn Thạnh

Mặt khác, trong những năm đầu triển khai VNEN, một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng. Cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc. Việc triển khai nóng vội dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.

Dự án triển khai thí điểm VNEN tại Việt Nam được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD giai đoạn 2011-2015. Năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm mô hình VNEN tại 24 trường học thuộc 12 huyện ở 6 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum và Đắk Lắk). Đến nay, cả nước có 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS đã tổ chức thực hiện mô hình này. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, kinh phí dự án chỉ bảo đảm hỗ trợ cho 1.447 trường tiểu học tham gia thí điểm. Trường nào muốn làm thêm thì phải tự lo kinh phí, dự án chỉ hỗ trợ trong công tác tập huấn giáo viên.

Tại TP HCM, 3 năm qua, đã có 62 trường với 494 lớp triển khai mô hình VNEN và tiếp tục nhân rộng trên tinh thần tự nguyện, phù hợp. Các trường thực hiện việc trang trí lớp theo VNEN, tổ chức xây dựng nội quy, lớp học tự quản.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, đánh giá trong giảng dạy, giáo viên thường xuyên cho lớp hoạt động và phát huy làm việc theo nhóm một cách phù hợp. Học sinh phát huy tốt vai trò của nhóm trưởng để giúp đỡ các bạn khác.

TP HCM áp dụng tinh hoa, tiến bộ?

Nếu cho rằng sĩ số là điều khó khăn nhất khi triển khai VNEN thì tại sao TP HCM sẽ nhân rộng còn một số tỉnh, thành khác lại kiến nghị tạm dừng thực hiện mô hình này? Trong khi đó, rõ ràng TP HCM với đặc thù của một thành phố lớn không hề có lợi thế về sĩ số học sinh.

Lý giải điều này, một chuyên gia giáo dục cho rằng có một bộ phận không nhỏ giáo viên rất ngại đổi mới. Với họ, cái gì đã thực hiện lâu nay thì cứ thế mà làm. Hơn nữa, cần làm rõ có hay không các địa phương kiến nghị tạm dừng là vì hết nguồn kinh phí tài trợ khi triển khai VNEN?

Theo ThS Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM, từng tham gia thẩm định và triển khai VNEN những ngày đầu tại TP - cần hiểu khái niệm vận dụng và áp dụng. Áp dụng nghĩa là bê nguyên xi nhưng với VNEN, chỉ học tập những tinh hoa, tiến bộ của nó. Tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là không bê y nguyên một mô hình áp dụng lên tất cả vùng miền. Muốn vậy, hiệu trưởng phải quan sát, lắng nghe, học tập và luôn tìm hiểu, phát hiện để điều chỉnh, bổ sung. “Ngành GD-ĐT phát động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng nhân vật trung tâm lớp học là học trò. Trong khi đó, VNEN cũng tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm theo hướng dẫn của giáo viên. Đó là điểm tích cực của mô hình này” - ThS Điệp nhận xét.

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho hay trong năm học mới, phòng sẽ yêu cầu trường tiểu học nào trong quận có thể áp dụng được tinh thần hay của mô hình VNEN thì áp dụng. “Chẳng hạn, việc tổ chức và trang trí lớp học, xây dựng góc học tập, tổ tự quản... là những yếu tố có thể áp dụng để tạo nên môi trường thân thiện, tích cực cho học sinh” - ông Huy nhìn nhận.

Sách giáo khoa hạn chế sáng tạo

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP HCM), cho rằng học sinh được học theo nhóm, trang trí lớp học với nhiều góc học tập phong phú như góc khoa học, góc tiếng Việt, góc toán… là những điều rất tốt của VNEN nên nhà trường vẫn triển khai ở 2 lớp khối 3 và 5. Tham gia lớp học này, học sinh khá mạnh dạn phát biểu, tổ chức tự quản tốt và có trách nhiệm hơn khi em nào cũng được giao một nhiệm vụ trong tổ.

Điều băn khoăn chỉ là sách giáo khoa của mô hình rập khuôn, lặp đi lặp lại. Nếu giáo viên chỉ căn cứ vào đó mà dạy thì sẽ rất máy móc, hạn chế tư duy sáng tạo. Vì thế, nhà trường không sử dụng sách giáo khoa của mô hình này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN