Không giảm phí BHYT học đường

Lãnh đạo BHXH Việt Nam khẳng định BHYT học sinh, sinh viên hiện đã thu ở mức thấp nhất nên sẽ không giảm trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động hôm 17-9, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, cho rằng việc điều chỉnh mức đóng BHYT học sinh, sinh viên (HS-SV) nhằm đạt mức thống nhất giữa các nhóm đối tượng do ngân sách hỗ trợ, qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Không giảm phí BHYT học đường - 1

Mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5% - Ảnh: TẤN THẠNH

Luật cho phép điều chỉnh mức thu tới 6% lương cơ sở với nhóm HS-SV. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Luật BHYT, nhiều ý kiến đề nghị mức thu của đối tượng này là 5,1% mức lương cơ sở (hơn 700.000 đồng/12 tháng), nếu được miễn giảm 30% còn xấp xỉ 500.000 đồng.

Nhưng sau khi đã tính toán, cân nhắc điều kiện kinh tế - xã hội cũng như “sức chịu đựng” của người dân, theo ông Sơn, BHXH quyết định thu ở mức thấp nhất là 4,5% lương cơ sở (sau khi giảm 30% còn gần 440.000 đồng).

“Mức đóng này vẫn được giữ nguyên chứ không có chuyện thay đổi vì trong thời gian tới, giá dịch vụ y tế sẽ tăng” - ông Sơn nhấn mạnh.

Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT cho rằng tham gia BHYT là trách nhiệm của người làm cha làm mẹ, “không thể so đo rằng anh bỏ ra hơn 500.000 đồng mua BHYT cho con là nhiều quá vì không bao giờ dùng; chừng đó tiền để chăm sóc sức khỏe cho con cả năm là không đắt”.

Ông Sơn lập luận: “Thực tế, HS-SV đang được hưởng các quyền lợi về chăm sóc y tế, trong đó trước hết được chăm sóc sức khỏe ban đầu ở ngay trường học. Ngoài ra, con không ốm, không cần dùng đến thẻ BHYT là mừng, sao lại thấy lãng phí?”.

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, nhấn mạnh BHYT HS-SV, BHYT nói chung, là nhu cầu an sinh thiết yếu nên phải bắt buộc. Người đứng đầu BHXH Việt Nam dẫn chứng ở các nước, mức đóng BHYT rất cao. Chẳng hạn như ở Úc phải đóng 2.000 USD/năm. Ở các nước láng giềng, như Trung Quốc, cũng đóng tới 11% mức lương cơ bản, Thái Lan là 15%... Do đó, mức đóng của Việt Nam không cao.

Ngoài ra, chính sách của nhà nước đã hỗ trợ các nhóm khó khăn như: Miễn đóng BHYT cho con em người nghèo, quân nhân, công an...; giảm tối thiểu 70% cho người cận nghèo. Như vậy, đối tượng nào phải đóng BHYT? Đó là con em những gia đình bình thường, không phải là gia đình nghèo và chỉ đóng với mức 70% (tương đương với 424.000 đồng).

Bà Minh cho rằng mức đóng BHYT phù hợp sẽ giúp nâng cao cơ sở vật chất của nơi khám chữa bệnh. Hiện nay, do đầu tư y tế của Việt Nam chưa cao nên bệnh viện chật chội, nằm ghép 3-4 người; phòng khám, bệnh viện, trang thiết bị còn sơ sài, thiếu thốn. “Trình độ bác sĩ của Việt Nam rất giỏi, ngang tầm thế giới trong khi nhiều người dân lại phải ra nước ngoài điều trị để được phục vụ, được ở bệnh viện khang trang với chi phí đắt gấp 5-10 lần” - bà Minh chia sẻ.

"Ở các nước, mức đóng BHYT rất cao. Nhiều gia đình cũng rất khó khăn nhưng khi vào học, họ phải tuân thủ theo đất nước của họ mà chẳng kêu ca gì”.

Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN