“Kho thóc khuyến học” giữa rừng già
Từ việc một số em học sinh không được hưởng tiêu chuẩn bán trú, “kho thóc khuyến học“ tại các điểm trường bán trú ở Trạm Tấu (Yên Bái) ra đời. Và nay “kho thóc khuyến học” giữa rừng già ngày càng sinh sôi, chấp cánh cho biết bao ước mơ con trẻ ở nơi xa xôi nhất của tỉnh Yên Bái này.
Nậm Tung không đơn độc
Hiệu trưởng Trường Pá Hu, cô Nguyễn Thị Thu Hiền, quê ngoài thị xã Nghĩa Lộ, sinh năm 1973. Phòng làm việc của cô gọn ghẽ và ngăn nắp, có cả bộ máy tính bàn vẫn đang bật. Trời vùng cao, thoắt nóng hừng hực mà thoắt đã lạnh cắt.
Trên khoảng sân xi-măng vuông vắn, các em học sinh đang sinh hoạt nghi thức đội. Một nhóm đang lao động tập thể cùng cô Hường, Hiệu phó nhà trường xát thóc!
Máy xát đặt trong một chiếc lán vách nứa, mái lợp pro-ximăng là tài sản của gia đình ông Bí thư xã Pá Hu, Thào A Tòng. Ông bí thư xã bận quần soóc, áo lao động, đang tất bật giữa đám học sinh cổ vẫn còn đeo khăn quàng đỏ, đứng thành một dãy dài đang chuyển nhau những chậu thóc.
Những bữa cơm của học sinh điểm trường xã Trạm Tấu
Tiếng máy giòn tan. Không khí ngột ngạt vì tiếng ồn và bụi. Khoảng hơn chục bao cả thóc lẫn gạo ngồn ngộn khắp chiếc lán rộng chừng hai chục mét. Hơn chục cô trò, bác cháu… cùng mải miết làm việc.
Cô Hiệu phó người nhỏ nhắn, mặt lấm tấm mồ hôi đứng lẫn trong đám thóc gạo, khói bụi và tiếng ồn của máy nổ. Cô được Ban Giám hiệu giao nhiệm vụ “mở kho thóc” đúng lúc tôi lên Pá Hu, chừng khoảng giữa tháng 3 và phụ trách nhóm “xát gạo” là các em nam học sinh lớp lớn to cao, mạnh khỏe. Cả nhóm cô trò bắt đầu xay xát từ đầu giờ chiều.
Ba, bốn bao gạo xát xong trắng xóa, vỏ bao vẫn còn nóng hôi hổi và mùi gạo mới thơm ngậy. Gần chục bao thóc khác vẫn đang xếp chồng thành đống, được ba, bốn học sinh loay hoay tháo đầu bao và san sang các thúng, chậu, rồi “chạy dây chuyền”… Mục tiêu của cô trò cô giáo Hường, trong chiều hôm nay sẽ phải xát hết số thóc vừa được “mở kho”, vì ngày mai bác Bí thư bận việc trên xã, không có nhà, và như thế sẽ không có ai đứng máy…
Câu chuyện về “kho thóc khuyến học” nguyên là sáng kiến của ngành giáo dục huyện Trạm Tấu, huyện vừa nghèo, vừa xa “cuối bảng” của Yên Bái. Ban đầu, các đảng viên, cán bộ công chức, giáo viên gương mẫu đi đầu, mỗi người đóng góp 15 – 30kg cân gạo để thành một “kho gạo” cho các em. Kho gạo ấy, được giao cho các điểm trường tự quản, và để “chia” cho những em không được nằm trong diện tiêu chuẩn hưởng chế độ bán trú.
Ở vùng cao, chính sách “bán trú” được dành cho các cháu học sinh nhà cách xa điểm trường bán kính từ 20km trở lên, gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo nhưng chưa được hưởng chế độ nội trú (ăn, nghỉ tại trường). Mỗi cháu sẽ được hưởng chế độ một bữa cơm trưa, mức hỗ trợ bằng 45% hỗ trợ của các cháu nội trú. Tính nhanh, mỗi cháu mỗi ngày nhận dưới 10.000 đồng.
Xét theo cái tiêu chí “bán kính xa trường tối thiểu 20km”, thì rất nhiều cháu học sinh nhà “trót” nằm ở cái… vạch dưới 20km sẽ không thuộc diện được hưởng bán trú. Trong khi đó, vùng cao, bất luận ở gần trung tâm hay xa trung tâm, gần điểm trường hay xa điểm trường, nhà nào cũng nghèo, cũng đói, tháng giáp hạt vẫn còn là niềm ám ảnh chưa xóa được. Vô hình trung, “cháu 20km” thì được hưởng chế độ, còn cháu… “xấp xỉ 20km” thì chẳng có gì. Kho thóc khuyến học ra đời.
Các gia đình phụ huynh thấy phong trào thiết thực quá, đến mùa tự nguyện xin nộp, người dăm cân, người chục cân, vì họ nhận thấy ngay, kho thóc là dành cho con em mình. Không phải vận động, tuyên truyền, ngày khai giảng năm học, người người, nhà nhà lũ lượt mang thóc đến ủng hộ kho thóc của nhà trường!
Năm 2011, Trường tiểu học và trung học cơ sở bán trú Pá Hu của cô Hiền “tịnh” được 1 tấn 380kg thóc. Năm 2013, ngày 15/3, Pá Hu mở kho thóc. Nhà trường mời đại diện xã, đại diện phụ huynh học sinh đến để chứng kiến, có biên bản bàn giao đàng hoàng, ba mặt một lời cùng ký vào cái giấy “mở kho”. Thành quả của “kho thóc khuyến học” vận động từ năm 2012. Trường Pá Hu được 2 tấn 40kg, gấp gần hai lần năm trước.
“Kho thóc khuyến học” được “trưng dụng” từ một cửa hàng mậu dịch
tại chợ vùng cao xã Trạm Tấu
Và nhiều bữa cơm có thịt!
Chiều muộn. Các học sinh sau một ngày học tập, lao động chuẩn bị đến giờ cơm chiều. Khu nhà ăn của điểm Trường Pá Hú nằm góc cuối cùng gần với trường mầm non xã. Một đống củi cao gấp 2 - 3 lần chiều cao của một cháu học sinh lớp một. Bếp ăn là một ngôi nhà cấp bốn, chưa khang trang nhưng khá tươm tất. Các cháu học sinh thuộc diện nội trú, bán trú, đã được chia thành các nhóm theo lớp, cháu mang bát đũa, cháu vào lấy cơm, lấy khẩu phần ăn cho các bạn cùng ăn… Khung cảnh nhộn nhịp, vui vẻ của “bếp ăn tập thể” chưa bao giờ mất đi.
Cô Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường tâm sự: Ở Pá Hú và nhiều điểm trường khác, các thầy cô giáo cũng ở lại trường, cùng chung bếp ăn, chỉ khác chỗ ngủ. Các thầy cô ăn sau, nhường các con ăn trước. Bữa ăn của các cháu, nói không ngoa, nếu ở nhà với bố mẹ, các cháu chỉ được ăn vào những dịp lễ, Tết, chứ ngày thường, cả nhà vẫn phải ăn cơm độn, nói gì đến thịt cá!?”.
Bữa cơm chiều của trẻ con vùng núi, những đứa trẻ lích chích như những con gà con vừa tách mẹ. Ở dưới xuôi, có lẽ cha mẹ chúng phải hò như hò đò mới bắt chúng ăn xong bữa. Ở đây, mỗi tốp ba, bốn cháu ngồi ăn chung mâm: Một nồi cơm to đủ để các cháu ăn no bụng, một tô canh, một bát rau, một – hai đĩa thức ăn mặn được cải thiện (có thể là cá khô, hoặc thịt rim ba chỉ sốt cà chua). Các anh chị lớp lớn ăn sau, nhường các em lớp bé ăn trước và sau cùng là các thầy cô.
Trong gian bếp chật hẹp nhưng được bày biện ngăn nắp và khoa học, một khu giá gỗ bày khẩu phần ăn của các em học sinh được phân chia theo lớp, mỗi lớp một ngăn riêng. Các em đã thành nếp, đến giờ, sẽ tự đến khu vực bày phần ăn dành cho mình lấy mang về. Bữa cơm chiều kết thúc, các em được xem tivi trong căn phòng tập thể chừng 30 phút, sau đó sẽ về lớp để học bài buổi tối, và sau đó mới về phòng nghỉ…
Khung cảnh này giờ không còn xa lạ ở rất nhiều điểm trường. Có lẽ, lên vùng núi phải khó khăn lắm mới tìm được những điểm các cháu học sinh tự trọ học trong những căn lều do cha mẹ xây cất bên rìa đường, 4 – 5 cháu cùng ở chung, tự lo nấu nướng, cơm nước… cho mình. Đó là những em không thuộc diện nội trú, phải tự túc 100%. Ở Yên Bái, ở Trạm Tấu, những trường hợp này được đưa vào diện “bán trú”, trong đó có một phần chia sẻ từ những “kho thóc khuyến học”.
Cô Hiền kể, kho thóc khuyến học ở Trạm Tấu manh nha từ năm 2004. Mức đóng góp đề xuất ban đầu chia cho mỗi công chức là 30kg gạo/người; ai có lòng hảo tâm sẽ đóng góp bằng gạo hoặc tiền. Số thóc này sẽ được điểm trường phân bổ cho các cháu chưa được diện “bán trú”, chính các cháu thuộc diện nội trú cũng nhường cơm, sẻ áo cho bạn bè mình. Trẻ con, chúng chưa biết gì đến chính sách, chúng chỉ thắc mắc một điều, tại sao đứa bạn sát nhà, ngày ngày cũng đi bộ đến trường như nó, lại được ăn nghỉ tại trường, còn chúng vẫn phải ôm bụng đói đi học, hết giờ lại đi bộ về nhà. Điều đó, giải thích nhưng không phải cháu nào cũng hiểu.
Chiều vùng cao se sắt lạnh, nhưng vẫn có cảm giác ấm áp lạ thường. Hỏi về cái khó, khổ, buồn của giáo viên vùng cao, chị Hiền thành thật: “Mấy năm gần đây, đời sống giáo viên vùng cao đã được cải thiện. Đường sá đã thuận lợi hơn rất nhiều, có phương tiện để đi lại, có cây xăng để mua khi hết xăng. Sóng điện thoại hầu hết đã phủ rộng, muốn liên lạc với gia đình thì đã có điện thoại di động; thông tin có thể tra cứu từ mạng 3G… Trước, từ Pá Hu để lên đến một điểm trường, phương tiện duy nhất là… đi bộ. Giờ, dẫu chưa phải đã hết hẳn những điểm như thế, nhưng đời sống đã thay da đổi thịt khác xưa rất nhiều…”.
Nếu quy đổi ra tiền, nó sẽ là một con số chẳng ai nhớ lâu, nhưng, phải tận mắt nhìn những bao thóc xếp chồng lên nhau, những bao gạo nóng hổi và thơm ngậy vì vừa mới qua xát máy, cảnh cô trò nhễ nhại mồ hôi, chuyền nhau những thúng thóc trong khói bụi và máy nổ ầm ĩ, mới thấy sức sống bền bỉ của một sáng kiến thiết thực. 100% các điểm trường ở Trạm Tấu đều đã có “kho thóc khuyến học”! |