Học sinh hay là “cái máy học”

Lâu nay , cả xã hội ca thán về chương trình học của học sinh quá tải. Trước sức ép của dư luận, Bộ GD&ĐT đã đưa ra những giải pháp giảm tải. Thế nhưng, giảm chương trình ở trường thì phụ huynh lại cố tìm cho con mình thầy nọ, lớp kia để nâng cao kiến thức. Họ không hiểu rằng điều đó đã vô tình biến con mình thành những "cái máy học".

Giảm trường tăng nhà

Từ năm 2005, Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm tải chương trình học cho học sinh tiểu học như: bỏ một số phần không quan trọng trong chương trình học, giảm tiết học, cấm giáo viên ra bài về nhà cho học sinh làm… Thế nhưng, càng giảm tải ở trường bao nhiêu thì phụ huynh lại càng tăng chương trình học cho con ở nhà bấy nhiêu. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên. Theo chị Nguyễn Phương Lan, ở phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội), vì bố mẹ bận rộn công việc nên phải cho con đi học thêm nhiều, tránh con ở nhà chỉ vùi đầu vào chơi bời. Hơn nữa, kiến thức thầy cô truyền thụ ở trường nhiều cháu nắm chưa chắc.

Còn chị Phương Hà, ở Phường Mai Dịch (Cầu Giấy, HN) có con học lớp 5 thì cho biết, ngoài việc học ở trường, chị còn thuê giáo viên dạy ba môn Toán, Văn, Anh cho con. Sở dĩ chị phải thuê gia sư cho con là mong sau này “cháu nó đỗ được vào trường chuyên lớp chọn”.

Chị Hương Giang (ở phố Huế, Hai Bà Trưng, HN) lại cho rằng, bây giờ điều kiện tốt hơn trước, con cái chỉ một hai đứa nên phải chăm sóc chúng thật tốt, nhất là việc học, trong khi vợ chồng cũng bận công việc nên phải thuê thêm gia sư dạy thêm cho con. “Thà tốn tiền tí nhưng mà con cái học hành tử tế thì mình yên tâm làm việc khác hơn” - chị Giang chia sẻ

Anh Trần Văn Thanh (ngụ phường 11, quận 1, TP.HCM) cho biết: "Từ lúc nhỏ, con tôi đã được chiều chuộng nên giờ cháu khá bướng bỉnh, nhiều lần nói không nghe. Trong khi đó, cháu lại rất nghe lời cô giáo nên tôi quyết định thuê giáo viên dạy thêm cho con. Mặt khác, giáo viên dạy thì bao giờ cũng tốt hơn chứ bố mẹ dạy nhiều lúc không theo phương pháp ở trường nên lúc thi cử con không đạt được điểm cao. Mà bây giờ sách giáo khoa biên soạn khác trước nên mình phải học qua trường lớp sư phạm mới dạy cho con chuẩn được. Thôi cứ thuê  giáo viên dạy cho nó tốt. Sau này khỏi ân hận".

Có vô vàn lý do khiến phụ huynh chọn giải pháp thuê gia sư cho con cái. Chính điều này khiến cho câu chuyện học quá tải của học sinh cấp 1 trở thành vấn đề nóng.

Theo thầy Phạm Văn Lâm, hiệu trưởng trường THCS Phú Diễn (Hà Nội), việc tìm thầy cô giáo dạy thêm cho con là một nhu cầu chính đáng của mỗi gia đình và xem đó là một tín hiệu đáng mừng cho xã hội ta. Bởi việc này phản ánh cuộc sống của con người được nâng cao, chứng tỏ dân mình chuộng học. Tuy nhiên, nếu việc học thêm không được nhìn nhận một cách toàn diện và sâu sắc thì trở thành nguy cơ lớn. Bởi phụ huynh là người hiểu rõ con mình ở mức nào, thiếu cái gì và cần cái gì chứ không thể môn nào cũng học. Nếu học tràn lan sẽ dẫn tới tình trạng học sinh cái gì cũng biết nhưng cuối cùng chẳng biết cái gì. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng. Ở nước ta tình trạng phụ huynh kỳ vọng quá nhiều vào con cái đã khiến học sinh chịu áp lực nặng nề, trong khi các em cần có thời gian vui chơi giải trí để cân bằng tâm lý và lối sống. Đây là hiện tượng lâu nay người ta nói nhiều nhưng với nhiều lý do khác nhau nên chuyện học quá tải vẫn là câu chuyện tranh cãi không bao giờ hét.

Trường chuyên, lớp chọn cũng học thêm

Lâu này chúng ta cứ nghĩ đã đầu tư cho con học thêm vào được trường chuyên lớp chọn rồi thì không phải học thêm nữa. Thế nhưng, thực tế nhiều học sinh học trường chuyên vẫn được bố mẹ đưa tới các trung tâm bồi dưỡng kiến thức để học thêm. Em Nguyễn Khánh Ly, học sinh trường THCS Kim Liên Hà Nội cho biết: Mặc dù học ở trường nhiều rồi nhưng bố mẹ em vẫn phải tìm cho em học 3 lớp học thêm nữa. Vì thế, gần như thời gian học của em kín hết các buổi trong tuần, không còn thời gian để gặp gỡ giao lưu bạn bè nữa. Ly cho biết thêm, bố mẹ em bắt em học thêm là bởi “con của bạn bố mẹ cũng thêm như thế”.

Chương trình học ở nhà trường đang được xem là nặng, cần phải giảm tải. Thế nhưng ở gia đình chính những người làm cha làm mẹ vì những lí do khác nhau đã không nhìn nhận vào thực tế mà ép con học quá sức. Theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng, hiện nay, nền giáo dục của chúng ta đang có nhiều vấn đề cần phải xem lại, từ chương trình học tới sách giáo khoa, cũng như cách dạy, cách học và cách thi cử. Xã hội ta quá trọng bằng cấp nên tạo áp lực bằng những cuộc thi cử. Đến lượt mình, phụ huynh ép con cái học nhiều để đạt kết quả tốt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN