Học lập trình bằng robot

Bằng những kiến thức từ môn lập trình Pascal lớp 11, học sinh có thể lắp ráp và điều khiển robot bước đi, nhảy. Môn học lập trình khô khan trở nên lý thú.

Dự án “Chơi vui Robot - Học tốt Pascal” được trung tâm Phát triển Khoa học và công nghệ trẻ Thành Đoàn TPHCM cùng Công viên Phần mềm Quang Trung và trường ĐH SaiGonTech thực hiện.

Chỉ sau vài phút lắp ráp, một robot hoàn thiện với chiều cao khoảng 40cm đã nằm gọn trong tay Trần Duy Hưng (học sinh lớp 12, trường Trần Khai Nguyên, Q.5). Những câu lệnh lập trình Pascal được robot xử lý thành những hành động như di chuyển, nhảy, chào... “Chỉ sau vài lần thiết lập, em đã có thể ghi nhớ dễ dàng. Điều mà bình thường em học mãi mà khi làm bài tập vẫn sai”, Hưng cho hay.

Robot Lego Mindstorms Education NXT 2.0 được thầy và trò trường ĐH SaiGonTech bắt tay nghiên cứu chế tạo, với mong muốn khơi gợi niềm đam mê công nghệ thông tin cho học sinh.

Học lập trình bằng robot - 1

Học sinh thực hành lập trình bằng robot - Ảnh: Q.M

Robot được thiết lập các phần mềm để minh họa cho những bài tập Pascal được biên soạn theo SGK. Ở mỗi bài học Pascal, học sinh ứng dụng trực tiếp những bài tập điều khiển robot giả lập trên phần mềm. Sau khi lập trình cho robot giả, học sinh có thể cho phép robot thật hoạt động giống hệt robot trên phần mềm.

“Ngoài những phép toán, con số, học sinh còn được làm quen với cấu tạo của robot, nguyên tắc hoạt động của bộ não robot, động cơ và các cảm biến...”- Trần Duy Hưng (học sinh trường Trần Khai Nguyên) nói.

Ở những tiết học Pascal, khi một câu lệnh bị lỗi không cho ra đúng kết quả, học sinh phải làm đi làm lại để tìm nguyên nhân nằm ở mã nguồn nào trong câu lệnh. Điều này khiến học sinh mất nhiều thời gian hơn trong việc thiết lập một chương trình. Khi thực hiện với robot, chỉ cần robot không làm đúng động tác được ra lệnh, học sinh có thể biết được sai sót nằm ở đâu.

“Chúng em còn có thể sáng tạo thêm các động tác khác cho robot thực hiện”, Nguyễn Hồng Quân (học sinh trường THPT Thủ Đức) cho hay. Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Thư, Phó Hiệu trưởng trường ĐH SaiGonTech cho rằng, chương trình học Pascal hiện nay thuần về toán học, ít gắn với thực tiễn, khiến học sinh không hiểu học lập trình để làm gì ngoài việc tính toán các con số.

Vì giá thành để hoàn thiện robot khá cao (khoảng 12 triệu đồng), thầy trò trường SaiGonTech đã cung cấp phần mềm SRobot cùng bộ hướng dẫn và bài tập miễn phí cho các trường THPT. “Chúng tôi đang vận động các doanh nghiệp CNTT để tặng robot cho các trường ở TPHCM và các tỉnh phía Nam”, TS Nguyễn Thị Anh Thư cho biết.

Dự án “Chơi vui robot - Học tốt Pascal” còn có nội dung tập huấn giảng dạy lập trình Pascal với các ví dụ và bài tập trên robot cho giáo viên tin học, tổ chức các buổi sinh hoạt biểu diễn điều khiển robot và các cuộc thi lập trình robot cho học sinh.

Thầy Đào Phi Trường, phó hiệu trưởng trường THPT Thủ Đức cho rằng, chương trình đã giúp học sinh hiểu được sự thiết thực của môn học CNTT trong đời sống. Sau khi học lý thuyết, học sinh trở nên hứng thú hơn khi được ứng dụng bài học trực tiếp trên robot.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Quang Minh (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN