Học cao có tỷ lệ thất nghiệp lớn

Số lượng người có bằng cấp, chứng chỉ tăng nhanh, đặc biệt là lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.

Tại buổi công bố bản tin thị trường lao động (LĐ) Quý I/2015 hôm (20/7), bà Nguyễn Thị Lan Hương-Viện trưởng Khoa học LĐ&XH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Quý I năm nay, LĐ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ (tính cả chứng chỉ nghề dưới 3 tháng) tăng nhanh, đạt 11,82 triệu người.

Con số này cao hơn 1,8 triệu người so với quý IV/2014, hơn 1,9 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lực lượng LĐ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên tăng nhanh, trên 870 nghìn người.

Tuy nhiên, theo bà Hương, cũng thời gian trên, tỷ lệ thất nghiệp của LĐ trong độ tuổi là 2,43%, tăng đáng kể so với Quý IV năm 2014 (2,05%) và cùng kỳ năm ngoái (2,21%). Tỷ lệ thất nghiệp của nữ là 2,45%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 3,43%, cao gấp 1,8 lần so với nông thôn.

Đáng lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất chủ yếu ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề (lần lượt 7,2% và gần 6,7%); trong khi nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất (gần 2%). Trong đó, tình hình thất nghiệp của thanh niên vẫn chậm được cải thiện (6,6%), tương đương cùng kỳ năm ngoái. Theo bà Hương, cũng trong 3 tháng đầu năm, có 1,13 triệu người thiếu việc làm, tiến bộ hơn so cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn cao hơn quý IV năm ngoái.

Vì sao LĐ có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, cao đẳng nghề có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn LĐ chưa qua đào tạo? Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, do LĐ chưa qua đào tạo công việc của họ chủ yếu là giản đơn, thu nhập không cao, họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì, nên tỷ lệ thất nghiệp thấp. Tuy nhiên, theo ông Diệp, hằng năm quy mô đào tạo đại học khoảng 400 nghìn người, trong khi đó khoảng 170 nghìn người tốt nghiệp đại học trở lên không có việc làm là điều đáng suy nghĩ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong 6 tháng cuối năm, các ngành có nhu cầu LĐ lớn là sản xuất trang phục, đồ uống, điện tử, máy tính, sửa chữa bảo dưỡng lắp đặt máy móc.

Cuối năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, có 8 nghề LĐ có thể di chuyển tự do qua các nước là: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch. Nhân lực trình độ cao (chuyên gia, thợ lành nghề) thông thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, có cơ hội di chuyển tự do.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Hà (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN