Hiệu trưởng 'run rẩy', giật mình khi cho học sinh đi chơi xa

Sự kiện: Giáo dục

Sự việc hai nam sinh lớp 12 ở Nghệ An đi chụp ảnh kỷ yếu ở bãi biển bất ngờ bị sóng cuốn mất tích khiến nhiều nhà trường giật mình khi chuẩn bị cho học sinh đi chơi xa.

Hiệu trưởng 'run rẩy', giật mình khi cho học sinh đi chơi xa - 1

Lực lượng chức năng tìm kiếm học sinh bị sóng cuốn trôi sau khi cùng lớp đi chụp ảnh kỷ yếu. Ảnh: P.H.

Hiệu trưởng trốn tiếp nhân viên công ty du lịch

Đã từ 5-7 năm nay, trường THCS Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) hàng năm tổ chức cho các học sinh đi chơi xa, ít nhất là một lần.

Bà Nguyễn Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cứ vào khoảng tháng 3 trở đi, khi học sinh sắp thi học kì, bà thường nhận được các cuộc gọi mời tổ chức cho học sinh đi theo tour. Có năm, một ngày có hàng chục công ty gọi mời với những lời mời chào hấp dẫn, thậm chí, họ sẵn sàng mời ban giám hiệu đi “tiền trạm” mà miễn phí.

"Tôi luôn phải tránh các cuộc gọi cũng như việc hẹn gặp trực tiếp của các công ty du lịch", bà Dung cho biết.

Hành động của bà Dung cũng là tình trạng chung của không ít hiệu trưởng các trường học khi ngày càng nhiều công ty, tổ chức du lịch mời chào săn đón nhà trường tổ chức cho học sinh đi chơi xa trong các dịp nghỉ và nhất là giai đoạn sắp nghỉ hè.

Chỉ cần dạo qua vài trang web về du lịch sẽ thấy nhan nhản các lời mời chào tổ chức du lịch cho học sinh với giá và các dịch vụ vô cùng hấp dẫn.

Tuy nhiên, theo nhiều hiệu trưởng, việc tổ chức cho các học sinh đi chơi xa trong trường là chuyện khá mệt mỏi, dù đã có công ty tour trợ giúp, giáo viên chuyên môn được huy động nhưng có nhiều chuyện không lường trước được.

Và những lần “run như cầy sấy”

Bà Nguyễn Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THCS Dương Liễu, Hà Nội cho hay tổ chức cho học sinh tham quan, du lịch là hoạt động trong chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp nên nếu không cẩn thận thì hậu quả nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm.

Cũng theo bà Dung chia sẻ, để tổ chức một chuyến du lịch xa cho các em, kể cả đi về rồi vẫn mất ăn mất ngủ. Đơn cử, cách đây vài năm khi tổ chức cho cả trường đi Hồ Núi Cốc, khi các xe báo về là các học sinh đã về đầy đủ thì gần 9h tối vẫn giật mình vì phụ huynh gọi ...“đòi con”.

Liên tiếp những vụ học sinh chết đuối trong lúc đi chơi, chụp kỷ yếu cùng bạn bè, lớp học khiến nhiều người thương tâm và lo lắng khi mùa hè gần kề.

“Khi gần 9h tối có phụ huynh gọi hỏi sao con tôi chưa về, các cô mới giật mình vì trước đó đã xác nhận tất cả học sinh trong trường đã về an toàn. Lúc đó, tôi cùng hai giáo viên khác của trường tá hỏa, chia nhau đi tìm học sinh. Đến khoảng hơn 1h sau, khi gia đình báo đã tìm thấy con đang chơi điện tử trong quán, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”- bà Dung chia sẻ

Chị Đỗ Ngọc Dung, giáo viên dạy Hóa ở một trường THCS của Hà Nội cho rằng để tổ chức một chuyến đi chơi xa cho học sinh không dễ dàng gì, thậm chí rất mệt mỏi.

Chị Dung chia sẻ, công tác tổ chức rất quan trọng nhất là những trường có cả gần nghìn học sinh đi thì việc đảm bảo an toàn cho học sinh là sức ép cực lớn đặt lên vai thầy cô.

“Trước hết, nhà trường phải chọn những địa điểm tham quan du lịch phù hợp, dễ quản lý, có thể tổ chức vui chơi ngoài trời cho học sinh. Giáo viên có trách nhiệm theo sát, đảm bảo an toàn cho học trò mình phụ trách”- chị Dung nói. 

Cũng theo nữ giáo viên này, không nên đưa các em ra khỏi trường với số lượng quá lớn. Mỗi xe có 40 học sinh nên có ít nhất 5 giáo viên, chưa kể đội ngũ nhân viên của công ty du lịch.

Chị Dung cho biết, cách đây vài năm, trường của chị cho học sinh đi chơi ở Tây Thiên (Vĩnh Phúc. ) Dù đã chia học sinh theo nhóm, dặn dò cẩn thận nhưng học sinh vẫn “phớt lờ” dặn dò của thầy cô.

“Sau chuyến đi, mình nghe đứa em con dì ruột mình kể lại mà toát mồ hôi. Dù có biển cấm xuống chỗ đó tắm nhưng 4 học sinh trong lớp vẫn cố tình xuống và suýt chết đuối. Tôi nghe mà rụng rời chân tay vì nếu chuyện đó xảy ra thì chúng tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”- chị Dung kể.

“Mình làm cẩn thận, nhưng nếu ý thức của học sinh không tốt, thì hậu quả sẽ khôn lường”- giáo viên này thừa nhận.

Những vụ tai nạn đau lòng

Gần đây, những vụ tai nạn đau lòng liên quan đến học sinh khiến người lớn không khỏi lo lắng, nhất là vào thời điểm cuối cấp, các em thường tổ chức du lịch, chụp ảnh kỷ yếu.

Theo anh Nguyễn Văn Thắng, chiều 9/4, nhóm nhiếp ảnh của anh gồm 4 người nhận chụp kỷ yếu cho tập thể lớp 12A6, trường THPT Lê Hồng Phong, Nghệ An. Khoảng 16h, một số bạn xuống tắm biển và tai nạn đáng tiếc xảy ra, 2 nam sinh bị sóng biển cuốn mất tích.

Một tai nạn thương tâm khác xảy ra vào 9h sáng 12/3, khi học sinh đuối nước tại bãi biển Ba Động (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Nạn nhân là cháu Ngọc (đã đổi tên), học lớp 5, trường Tiểu học Lộc Hoà B, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Ngọc được nhà trường đồng ý cho tham gia chuyến đi biển cùng các bạn trường Tiểu học Lộc Hoà C (Vĩnh Long). Lúc tắm biển, nữ sinh học lớp 5 đã tử vong vì bị đuối nước.

Trước đó một học sinh lớp 4, trường Tiểu học Phước Thạnh (quận 9, TP.HCM) tử vong do ngạt nước trong chuyến tham quan công viên Đầm Sen. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN